26/06/2016 - 16:06

Hạt giống Long Hồ...

Đầu tháng 3-2016, chị Mai Bích Chương là một trong 34 nhà nông được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) tôn vinh trong việc lai-chọn giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Trên bục báo cáo, nét duyên dáng cộng sự trẻ trung, chị không giống một nhà nông đích thực...

1. Là con gái trong gia đình có chín người con, nhà khá nhiều ruộng đất, chị cùng năm chị em gái của mình như những bông lúa ngát hương đồng nội.

Ba chị muốn kén rể làm ruộng giỏi lại am hiểu về máy móc. Đó là cơ duyên cho mai mối bắc cầu để chị và anh quen biết rồi thương nhau, nên nghĩa sắc cầm. Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, từng làm việc ở xưởng Ba Son, anh Phạm Văn Long vào làm rể nhà chị, rất hiền lành, dễ thương, nhưng cũng khá táo bạo. "Gan" nhất là việc anh đề nghị ông già vợ bán hết bầy trâu, tậu máy móc, giải phóng sức lao động chân tay. Mấy anh em bạn rể cứ trêu anh "bạo phổi", nhưng không khỏi thầm ngưỡng mộ. Chiếc máy cày đầu tiên của nhà vợ không chỉ làm ruộng nhà mà còn đi cày thuê, phát huy hết tác dụng... "Đã" nhất là từ sau khi anh lắp ráp cho nhạc gia cái nhà máy xay lúa thì công việc làm ăn ngày càng phất lên phơi phới!

Riêng sự khởi nghiệp nghề nông của gia đình nhỏ Long - Chương thì bắt nguồn từ mười công đất sân banh. Chị tươi cười giải thích, đầu năm 80 thế kỷ trước, đất sân banh giá rẻ một nửa so với mua đất ruộng. Đất rẻ nhưng kỹ-thuật-canh-tác-mới bằng không. Như hầu hết nông dân miệt Long An (Long Hồ - Vĩnh Long) này, hai người chỉ làm lúa mùa, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh tá lả - do thói quen nông dân chuyên lấy lúa ăn làm lúa giống; rồi dần dần cũng tự làm lúa giống, nhưng lại thiếu bài bản nên giống không đạt chuẩn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật viên cơ khí của anh Long.

Những năm đầu thập niên 90, anh chị được bén duyên cùng các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật từ các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp tỉnh nhà tổ chức: Nào quản lý dịch hại tổng hợp (năm 1993), rồi kỹ thuật sản xuất hạt giống (năm 1997). Có "tay nghề", bảy năm sau, vợ chồng Long - Chương mạnh dạn thành lập câu lạc bộ lúa giống Long An (với 15 thành viên), do chính anh làm chủ nhiệm. Lúc này, Câu lạc bộ chủ yếu sản xuất các loại giống lúa theo nhu cầu của bà con nông dân xã nhà. Hai năm sau nữa, cũng chừng ấy thành viên, Câu lạc bộ "lên" hợp tác xã. Song, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định... ít lâu sau hợp tác xã "ngưng thở"!

Năm 2007, xã Long An được Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long kết hợp Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chọn làm thí điểm cho dự án Chọn tạo giống cộng đồng do tổ chức SEARICE tài trợ. Lớp tập huấn về kỹ năng chọn tạo giống lúa trên đồng ruộng được tổ chức ngay vào vụ hè thu năm đó, thu hút hai chục học viên, kể cả anh Long. Còn chị Chương, đã được chọn đi học lớp này và lớp giảng viên nông dân tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL từ năm trước - lúc bấy giờ trở thành "giảng viên nông dân" cho lớp tập huấn tại quê nhà. Kết thúc tập huấn, Long An thành lập tổ sản xuất giống với bảy thành viên (trong đó có 3 người thuộc gia đình Long-Chương).Tổ giống - do anh Long làm tổ trưởng - có nhiệm vụ tập trung sản xuất hạt giống lúa phục vụ cho gia đình và cộng đồng. Từ bấy đến nay, tổ giống Long An trở thành "địa chỉ xanh" cung ứng hạt lúa giống chất lượng, có thương hiệu riêng, được thị trường tín nhiệm. Hiện nay, với diện tích 12 ha, tổ giống được trang bị đầy đủ phương tiện cơ khí từ A đến Z: Nào máy gặt đập liên hợp, máy xới, máy trục, cho đến máy tách hạt, máy may bao.

Chị Chương kể, thoạt đầu, vợ chồng chị chỉ sắm một máy gặt đập liên hợp dành hoạt động cho tổ giống và đi gặt thuê... Do nhu cầu cao, làm không xuể, bà con "la" quá trời, con trai chị (cũng là thành viên tổ giống) sắm thêm chiếc thứ hai. Cả hai chiếc đều là máy Việt. Bà con lại yêu cầu thêm, "đòi" thuê máy gặt đập liên hợp của Nhật mới chịu. Lý do, với loại máy này, bà con chỉ cần cho người ra vác lúa (đã vô bao) từ ruộng về nhà là xong việc. Thế là vợ chồng chị phải sắm thêm chiếc máy do Nhật sản xuất. Tuy nhiên, chị chỉ thích sử dụng "máy Việt" của mình hơn, vì nó có chỗ dành chứa lúa lép. Với phần "tận thu" này, khi rảnh rỗi, chị lại sàng sẩy, lấy lúa "mót" làm quà cho gà, vịt...

Chị Mai Bích Chương trên bục báo cáo...

... và cùng anh Phạm Văn Long (bìa phải) trò chuyện cùng Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tại buổi tôn vinh...

2. Trở lại việc lai-chọn thành công giống lúa, tôi hỏi chị Chương "Trong báo cáo chị nói rằng đồng hành với tôi đi tới thành công hôm nay, chính là ông xã tôi, vậy chị và anh Long, ai là người lai tạo giống lúa đầu tiên?". Chị Chương nở nụ cười. Còn anh Long giọng nói đượm tự hào "Chính là bả, chớ hổng phải tui!". Chị Chương tiếp lời "Sau đó thì cả hai cùng làm...".

Tính chung đến năm ngoái, họ đã lai tạo thành công 13 giống LH, phóng thích cho cộng đồng thử nghiệm và sử dụng gần chục giống. Trong đó, LH1, LH8 và LH9 đã gởi công nhận giống quốc gia vào hơn hai năm trước; riêng LH8, với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm giống tỉnh nhà, đã được đưa ra khảo nghiệm "gia phả" trong vụ đông xuân 2015-2016 trên diện tích khoảng mười ngàn héc-ta trong vùng và lân cận.

Tại buổi lễ tôn vinh nhà nông lai - chọn giống lúa ĐBSCL, anh Long chia sẻ kinh nghiệm: Thoạt đầu gia đình xay chà lần lượt 2 giống LH8, LH9 - mỗi loại vài bao để lấy gạo nấu cơm ăn thử. Thấy ngon cơm, hai vợ chồng bèn gởi gạo biếu cho quí thầy cô bên Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL; đồng thời biếu gạo (hoặc mươi mười lăm ký giống lúa) cho những khách hàng đến mua lúa giống - nhằm quảng bá thương hiệu giống LH - giống lúa mang tên Long Hồ, tên gọi của quê anh! Kết quả, hiện nay đa số bà con Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè-Tiền Giang) chuyên làm lúa LH9. Ngoài ra "đứa con cưng" LH9 còn được "gả" cho các đại lý thuộc các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng. Riêng bà con nông dân xã nhà Long An lại thích trồng giống LH8.

Quả không sai khi ai cũng ngợi khen vợ chồng chị đồng lòng... tát biển Đông cũng cạn. Với tuổi vợ 62, chồng lớn hơn 5 - cặp đôi Long-Chương đang hạnh phúc viên mãn với bề làm ăn phát triển bền vững. Hai cháu nội đứa lớp 8, đứa lớp 11. Con gái chưa chồng, có việc làm ổn định ở Hậu Giang. Riêng, con dâu hồi còn bên nhà mẹ tại Mang Thít chỉ chuyên buôn bán, chừng về làm vợ, làm dâu cũng tảo tần quen việc ruộng nương... Xưa, anh chị Long-Chương đi lên từ 1 ha đất tự mua, tiếp theo được cha mẹ hai bên cho đất, số ruộng nâng lên gấp bốn. Nay, sau khi chia phần cho các con, vẫn giữ lại phân nửa diện tích bởi vẫn mê làm ruộng...

Những ngày đầu trung tuần tháng tư tôi điện thoại hỏi thăm ruộng nương nhà chị Chương có bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn không? Chị nói vùng quê mình không bị mặn xâm nhập. Rồi cho biết thêm, mấy ngày qua anh Long đi Lào, còn chị ở nhà lo đưa nước vô ruộng, làm cỏ bờ, chăm sóc lúa... nhưng công việc chưa thật bận rộn cho lắm. Dù vậy, mới từ Lào trở về ngày hôm trước thì ngay sáng hôm sau anh Long cũng đã ra ruộng rồi...

Vừa lúc nghe có tiếng của anh Long, tôi đề nghị chị Chương chuyển máy... Qua câu chuyện, được biết bên đó có một công ty thuê anh qua ráp máy chà và làm lò sấy. "Sao người ta biết mà thuê anh?". "Nhờ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long có trang web thông tin về các giống lúa, cộng với thông qua trang mạng cá nhân của tôi, người ta đặt vấn đề hợp tác" - anh trả lời và cho biết thêm: Không chỉ làm về máy móc, công ty còn mời anh hướng dẫn kỹ thuật làm lúa cho bà con nông dân là đối tác của họ.

Anh Long còn hào hứng cho hay: Gạo, nếp bên Lào rất ngon cơm. Lúa ở bển cũng trúng lắm, nhưng người ta chưa có giống LH. Điều này thôi thúc anh có ý tưởng và quyết tâm đem LH8, LH9 sang Lào xem có thích nghi không... Nếu họ chọn, thì anh lại có thêm khách hàng từ nước ngoài đặt mua giống lúa Long Hồ!

Được biết, anh Long từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp huyện, tỉnh đến cả nước... Trước thông tin nóng hổi "đem chuông đi đấm xứ người" từ anh, tôi thấy vui lây. Và chợt nghĩ, vợ chồng anh đâu chỉ tạo ra giống lúa LH. Anh chị còn chính là "hạt giống Long Hồ" trong suy nghĩ của riêng tôi.

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết