Hát bội có nguồn gốc miền Trung nhưng rất được ưa chuộng ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XX. Ngày nay, tìm hiểu về hát bội cũng là ôn cố nhi tri tân, một cách tìm về cội nguồn của bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong quá trình tiến về phía Nam, tổ tiên ta từ miền Trung, miền Bắc mang theo phong tục tập quán, lễ nghi, đạo đức về cách ăn nếp ở... Âm nhạc và sân khấu là hai bộ môn nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt tinh thần của những người khai hoang lập ấp, từ những ngày đầu định canh, định cư hầu mang lại nguồn vui, nguồn an ủi, nối tiếp từ đời này sang đời khác.
Theo một số nhà nghiên cứu, hát bội bắt nguồn từ các sinh hoạt vụ mùa ở thôn quê. Sau những vụ mùa thắng lợi, người ta gặt hái được nhiều nông sản, các tay hào phú trong làng giết trâu, bò để làm lễ cúng tạ Thần Nông, bày tiệc ăn uống no say, lại tổ chức ca hát cho thêm phần vui nhộn. Các “diễn viên” trong cuộc múa hát này được lựa chọn từ các tá điền, hoặc con em trong dòng họ. Các tuồng tích được phỏng theo các sự tích do người lớn kể lại nhằm mục đích đề cao luân lý để diễn thành tuồng. Các “diễn viên” chủ yếu phô bày lối ca diễn chứ y quan thì rất sơ sài, những vật trang điểm toàn là những thứ có thể dễ kiếm ở địa phương. Diễn viên cũng hóa trang thành các vai khác nhau, cũng kết râu, cũng đội mão, vẫn mặc y phục phân biệt già, trẻ, sang, hèn. Dần dần các trò diễn này lan đến triều đình, nhà vua truyền cho nhóm diễn viên này vào cung đình diễn. Thấy hay, nhà vua mới truyền cho quan quân chỉnh đốn y phục, sửa sang tuồng hát, tuyển mộ diễn viên rồi lập ra một ban hát cho cung đình.
Hát bội ở miền Nam phát triển mạnh hơn và đi vào dân gian rất sâu. Thời đó, vùng châu thổ sông Cửu Long đã có nhiều ban hát nổi tiếng do các điền chủ đứng ra thành lập. Nhờ tiếp xúc nhiều với các đoàn hát lưu diễn của Trung Hoa, hát bội trong Nam đã thêm phần khởi sắc: y quan lộng lẫy, điệu múa đa dạng, đào kép gia tăng... các đình miếu tổ chức lễ hội cầu an ở địa phương, làng xã là môi trường giúp cho hát bội càng ngày càng phát triển.
Ở Nam bộ do điều kiện sông rạch chằng chịt nên phát sinh ra một loại hình đặc biệt “ghe hát bội”. Đó cũng là một nét đặc biệt của hát bội miền Nam. Một gia đình, một nhóm “nghệ sĩ” đùm đúm trên một chiếc ghe vừa. Hòm siểng, đạo cụ đều chất trong ghe, bên hông ghe có sơn ba chữ “Ghe hát bội”, lênh đênh sông rạch, gõ trống chào mời. Nơi nào kêu thì ghé vô diễn 2-3 đêm, xong lại lấy sông nước làm nhà. Nơi diễn thường là nhà lồng chợ, bãi đất trống của địa phương.
Mỗi lần sắp ra sàn diễn, đào kép thường trịnh trọng bước đến vái lạy trước ngai Tổ, cầu xin hát được vuông tròn. Người ta còn kiêng mang trái thị vào buồng hát, vì tin rằng mùi thơm của nó quyến rũ ông Tổ bỏ ban hát mà ra ngoài.
Mỗi năm, đến ngày 11 tháng 8 âm lịch, là tới lệ giỗ Tổ. Bầu gánh và nghệ sĩ đóng góp nhau một số tiền làm heo và mua lễ vật. Đó cũng là ngày mọi người họp nhau lại trò chuyện thân mật, bỏ qua những hiềm khích, bàn luận những kinh nghiệm nghề nghiệp.
Phần lớn những tuồng hát bội của ta trích ở các câu chuyện xưa bên Tàu, được gọi là tuồng pho hay tuồng truyện. Một số ít tuồng ngoại lệ dựa theo hoàn cảnh xã hội xa xưa, hoặc đặt trong một chế độ phong kiến nào đó, rồi làm thành câu chuyện. Hát bội ra đời giữa lúc Nho giáo đang thời thịnh đạt, lại được các triều vua trực tiếp chăm sóc, nên cốt truyện có khuynh hướng phụng sự thuyết tôn quân của Nho giáo. Con bất trung thì cha cũng giết con (Trảm Trịnh Ân); chồng bất trung thì vợ tuy không trực tiếp giết chồng song cũng tìm cách trừ hại (Xử bá đao Từ Hải Thọ), cha bất trung thì con cũng lánh mình để lo cứu vua (Tam Nữ Đồ Vương); phường nhi nữ tay yếu chân mềm cũng biết đem tiết giá để đánh đổi lòng trung (Điêu Thuyền lấy hai cha con Đổng Trác và Lữ Bố để cứu giang san nhà Hán trong tuồng Phụng Nghi Đình); bọn tôi đòi, thằng ở còn dám hy sinh giọt máu thương yêu của mình để đổi lấy mạng ấu quân (Tam Ban Lục Hoàng Hậu)... Khi nhân lực đã không trừ nổi loạn thần, thì thiên lực giúp sức; sống chưa trả nợ với quân vương, chết, linh hồn còn hiện lên giúp nước (Khương Linh Tá trong San hậu).
Chủ nghĩa trung quân bao trùm nội dung tuồng, do đó các truyện đều có nét giống nhau. Các sự kiện đa số xảy ra từ cung đình với những nhân vật phong kiến. Nội dung vở tuồng thường diễn tiến theo một trình tự na ná giống nhau:
Vua băng, nịnh tiếm, bà Thứ lên chúa,
Chém nịnh định đô, tôn vương tức vị.
Hoặc như một quan trạng nguyên trẻ tuổi vâng lệnh vua đi tiễu trừ giặc Phiên bị công chúa Phiên bắt được, ép gá duyên. Tại triều, gian thần sàm tấu, vua bắt tội mẹ già của quan trạng,... nhưng rồi kết cuộc, trạng nguyên cũng đem vợ về nước, vua tôi, mẹ con, chồng vợ đoàn tụ.
Kết cuộc chuyện tuồng luôn luôn có hậu: đoàn viên, ơn đền oán trả, thiện ác phân minh.
Sau khi Pháp chiếm hết sáu tỉnh Nam kỳ, đặt nền móng đô hộ lên nước ta, văn hóa Tây phương xâm nhập vào từ các thành thị. Chữ quốc ngữ thay thế hoàn toàn chữ Hán, chữ Nôm. Nền luân lý Khổng Mạnh đã từng ăn sâu vào đời sống người dân, bắt đầu bị lung lay. Thuyết trung quân từ từ bị suy sụp trong tinh thần quần chúng khi các triều vua Nguyễn bị tước hết quyền hành, chỉ ngồi cho có vị. Trong khi đó thực dân Pháp chỉ lo việc cai trị, áp đặt văn hóa, nghệ thuật truyền thống thiếu đất phát triển, hát bội Nam bộ đi tìm một hướng đi riêng, lần lần tách xa nguồn gốc ban đầu.
Do sự ra đời của chiếu bóng, cùng với sự cai trị áp đặt của thực dân Pháp đã khiến cho hát bội dần dần mất đi ngôi vị đầu bảng. Và dần dần lâm vào tình trạng phai mờ, đời sống những người hành nghề trở nên sa sút nghèo khó. Cho nên mới có câu:
Muốn thêm của, hãy sắm cày,
Muốn đi ăn mày, lập gánh hát bội.
Đã qua rồi cái thời cực thịnh, hát bội ở Nam bộ đần dần xuống dốc. Không có kịch bản hay, thiếu diễn viên giỏi, hát bội không thể cạnh tranh nổi với điện ảnh, truyền hình hay ca nhạc. Những vở tuồng xưa tuy văn hay chữ đẹp, nhưng đầy dẫy những cổ ngữ khó nghe, khó hiểu không hấp dẫn được công chúng bây giờ- đặc biệt là giới trẻ. Từ đó mà đẩy hát bội nói chung, ở Nam bộ nói riêng tưởng như suy thoái.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Nhà nước về nghệ thuật truyền thống và sự yêu nghề của các nghệ nhân nên hát bội ở Nam bộ ngày nay vẫn còn duy trì ở một số nơi, như: các đình miếu, nơi mà lễ hội địa phương càng ngày càng phát triển, mặc dù quy mô không lớn nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
TRẦN KIỀU QUANG