24/01/2015 - 17:24

Hào khí Rạch Gầm – Xoài Mút

Đêm 19-1-2015, tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 – 20-1-2015) và đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt với di tích lịch sử này. Lễ kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ. Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, người dân địa phương còn xem trích đoạn cải lương “Huyền sử Rạch Gầm”, tái hiện hào khí của nghĩa quân Tây Sơn thời bấy giờ.

 Chiến công xưa...

Theo sử liệu, cuối tháng 7-1784, thủy quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện đổ bộ lên Rạch Giá (thuộc đạo Kiên Giang), cánh quân bộ đóng ở Chân Lạp cùng tiến quân phối hợp. Thủy quân Xiêm lần lượt đánh chiếm các nơi miền Tây Nam Bộ như: Trấn Giang (Cần Thơ), miền Ba Thắc (Srok Pra-sak, Sóc Trăng), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít rồi chia quân đóng giữ. Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa đem mấy ngàn quân thủy từ Gia Đinh xuống Long Hồ (Vĩnh Long) để cản ngăn…

Quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh đặt đại bản doanh ở Trà Tân, đóng quân dọc sông Tiền, từ cù lao Năm Thôn trở lên. Quân Xiêm có 5 ngàn, trong đó có 2 ngàn thủy quân và 3 ngàn bộ binh cùng 300 chiến thuyền và số quân bản bộ của Nguyễn Ánh vừa làm nhiệm vụ dẫn đường vừa phối hợp tác chiến với quân Xiêm. Đầu tháng 1-1785, thủy quân do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào đóng ở Mỹ Tho. Nguyễn Huệ sử dụng một binh lực nhỏ mở những trận tập kích vào một số vị trí đóng quân của địch nhằm nghi binh, thăm dò lực lượng và kích thích sự chủ quan khinh địch của chúng, thúc đẩy chúng sớm rời khỏi căn cứ, mở cuộc tiến công như ông mong đợi. Quân Xiêm cậy mình luôn đánh thắng, bèn dẫn quân tiến thẳng Mỹ Tho.

Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ uy nghi giữa Khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút. 

Trong lúc đó, Nguyễn Huệ đã dày công nghiên cứu địa hình từ Trà Tân đến Mỹ Tho và quyết định chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận mai phục, quyết chiến diệt quân Xiêm. Đêm 19 rạng 20-1-1785, nhân nước lớn, Nguyễn Huệ cho một số chiến thuyền nhỏ khiêu chiến. Đợi khi nước bắt đầu ròng, chiến thuyền Tây Sơn vờ thua, rút chạy về hạ lưu. Thừa thế, thủy quân Xiêm ào ạt truy kích. Khi cả 300 chiến thuyền quân Xiêm trải dài ở đoạn sông Rạch Gầm – Xoài Mút, phục binh Tây Sơn bất thần từ trong rạch xông ra chặn đầu khóa đuôi, phối hợp cùng quân từ Mỹ Tho tiến lên đánh úp với một trận hỏa công từ cù lao Thới Sơn, từ các pháo thuyền, từ các bè lửa, từ súng hỏa hổ… Đến xế chiều, quân Xiêm hầu như bị tiêu diệt.

Đây là một trong những trận thủy chiến lớn nhất, lừng lẫy nhất, là chiến công chống ngoại xâm oanh liệt của Nguyễn Huệ và nhân dân miền cực Nam Tổ quốc. Và trong chiến thắng lịch sử này, nhân dân Tiền Giang đã có công to lớn trong việc hỗ trợ Nguyễn Huệ, tạo một tổng hành dinh và là căn cứ của quân Tây Sơn tại Mỹ Tho Đại Phố (nay thuộc phường 2 và phường 8, TP Mỹ Tho). Phục vụ chiến đấu chống quân Xiêm, nhân dân địa phương đã hướng dẫn quân Tây Sơn trinh sát địa bàn, cung cấp địa hình sông nước, thủy triều để thiết lập trận địa mai phục và lên phương án tác chiến. Nhân dân địa phương còn giữ bí mật trận địa phục kích của quân Tây Sơn khiến quân địch bất ngờ. Nhân dân còn đóng góp lương thực, thực phẩm… để nghĩa quân Tây Sơn chiến đấu. Nhưng trên hết, chiến thắng là kết quả tầm nhìn chiến lược của thiên tài quân sự lỗi lạc Nguyễn Huệ, mưu lược khôn ngoan, sắc sảo trong chỉ đạo, chính xác trong mọi tính toán, luôn giữ vững chủ động, linh hoạt, sáng tạo về chiến lược, chiến thuật, thực hiện cùng lúc các đòn: quân sự, chính trị, ngoại giao… để dồn địch vào thế bị động chiến lược, gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ địch, thu phục lòng dân…

 Khu di tích nay

Để khắc ghi chiến công vang dội của Nguyễn Huệ ở Mỹ Tho, từ năm 2001 - 2005, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành với tổng diện tích hơn 2 héc-ta, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993.

Khu di tích nằm cạnh bờ sông Tiền. Đây là địa bàn chính của chiến trường xưa, là đoạn sông Tiền dài khoảng 7km nằm giữa doanh trại hai bên, là nơi “khóa đuôi” quân Xiêm, khởi từ phía bờ Đông vàm Rạch Gầm trải về hướng Mỹ Tho, mặt tiền giáp tỉnh lộ 864, mặt hậu là bờ Bắc sông Tiền (có bến cho phương tiện thủy). Khu di tích rộng, đẹp, thoáng mát, gồm tượng đài Nguyễn Huệ, nhà trưng bày (số 1 và số 2) cùng một nhà cổ Nam Bộ. Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm di tích. Tượng bằng đồng, nặng 20 tấn, cao hơn 8m, đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền Tây Sơn. Tượng vị anh hùng áo vải cờ đào được nhà điêu khắc Nguyễn Hải thể hiện trong tư thế rút gươm xông trận. Bên phải ông một lính Tây Sơn giương cung, bên trái người dân bản địa chèo thuyền. Bốn góc tượng đài hình chóp nhọn tượng trưng mũi thuyền chiến.

Trong nhà trưng bày số 1, hai vách là hai dãy tranh gốm màu, 4 chương: Khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút và khúc khải hoàn ca, cùng nhiều hiện vật liên quan đến trận thủy chiến lịch sử của Nguyễn Huệ như hỏa hổ, mỏ neo (sưu tầm tại vàm Trà Tân, Long Trung, Cai Lậy – nơi quân Xiêm đặt đại bản doanh) cao 3,4 m, nặng hơn 100kg. Còn có 2 phù điêu: chim muông và vườn cây đặc sản Tiền Giang. Nhà trưng bày số 2 trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm – Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của quân Tây Sơn và quân Xiêm. Nhiều hiện vật có liên quan đến trận thủy chiến được phát hiện chủ yếu tại các vàm Trà Tân, Trà Lọt, Rạch Gầm như: súng thần công, gươm, giáo, bánh lái… đã được trưng bày từ dịp kỷ niệm 220 năm trận phục binh lừng lẫy nầy. Bên trái khu tượng đài có ngôi nhà rường cổ (Nam bộ gọi “nhà vườn”) của địa chủ Nguyễn Văn Chiếu (xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang) 3 gian, 2 chái với 48 cột gỗ căm xe kê tán, mái ngói âm dương. Ngôi nhà có diện tích 235m2, được phục chế trị giá 1 tỉ đồng và chuyển nguyên vẹn từ Gò Công về đây. Trong nhà được xếp đặt nhằm tái hiện cuộc sống của những phú nông Nam bộ xưa, trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ địa phương, hiện vật phát hiện dưới sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm – Xoài Mút, niên đại thế kỷ 18-20. Bộ khám thờ ở giữa có hình dơi cách điệu (tượng trưng “phúc”) và hoa (những điều tốt lành). Các cột đều có liễn hình mai lan cúc trúc. Bao lam chạm lộng mai lan cúc trúc và bách điểu…

Khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút là nơi có vị thế “trên bến dưới thuyền”, thu hút rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Tư liệu tham khảo:
- “Nam Bộ - đất và người”, tập III, NXB Trẻ, 2005
- Wikipedia tiếng Việt.

Chia sẻ bài viết