30/09/2020 - 10:59

Hành trình theo đuổi ước mơ của “Vua bánh mì” 

Việt hóa từ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc “Bread, Love and Dreams”, phim “Vua bánh mì” vẫn tạo được sức hút với khán giả màn ảnh nhỏ nước ta bởi nội dung gần gũi, giản dị gắn với văn hóa, nếp sống. Đặc biệt là bản Việt hóa nhấn mạnh đến tình thân và nghị lực theo đuổi ước mơ. Phim dài 80 tập, phát sóng lúc 20 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần trên kênh THVL1.

Cảnh trong phim “Vua bánh mì”.

Cảnh trong phim “Vua bánh mì”.

Hữu Nguyện (Quốc Huy) là con ngoài giá thú của ông Thành Ðạt (Cao Minh Ðạt), chủ công ty bánh nổi tiếng Thành Phát. Hôn nhân của ông Ðạt và bà Khuê (Thân Thúy Hà) vì lợi ích gia đình hai bên, do đó, khi bà Khuê liên tục sinh con gái, ông Ðạt đã có quan hệ bất chính với bà Dung (Nhật Kim Anh) - người giúp việc trong gia đình.

Khi biết bà Dung mang thai, bà Khuê vừa tức giận vừa lo lắng cho quyền lợi của mình, nên đã ngoại tình cùng Tài (Trương Minh Quốc Thái) - em nuôi của ông Ðạt, âm mưu sai khiến Tài trừ khử bà Dung. Kết quả của mối quan hệ sai trái này là bà Khuê mang thai, sinh con trai đặt tên Gia Bảo, nuôi dưới danh nghĩa con ruột của ông Ðạt; còn bà Dung trốn thoát sự truy sát của Tài và Hữu Nguyện ra đời.

Nhiều năm sau, Hữu Nguyện được nhận lại cha, nhưng lúc này bà Dung mất tích. Hữu Nguyện được ông Ðạt truyền nghề làm bánh truyền thống của gia đình. Anh miệt mài với ước mơ đưa bánh mì Việt trở nên phổ biến trên thế giới, mà không hề biết đã rơi vào âm mưu của mẹ con bà Khuê và ông Tài. Anh mất quyền thừa kế tài sản, bị người thân và người yêu phản bội, phải làm lại mọi thứ từ tay trắng.

Dù Việt hóa từ “Bread, Love and Dreams” nổi tiếng của truyền hình Hàn Quốc, “Vua bánh mì” của đạo diễn Phương Ðiền vẫn tạo được dấu ấn riêng nhờ kịch bản khai thác tốt những chi tiết, tình huống gần gũi với nếp sống và văn hóa Việt. Trong đó, có hai nội dung đan xen là mâu thuẫn gia đình của thế hệ trước và hành trình mưu sinh, trưởng thành của người trẻ. Sự trưởng thành của các nhân vật trẻ là trải nghiệm và đối mặt với những mất mát, phản bội, thử thách chông gai trên đường đời. “Vua bánh mì” đã tạo nên kịch tính và tháo gỡ từng nút thắt trong quá trình trưởng thành đó của các nhân vật, từ đó chuyển tải thông điệp: thành công nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và sự kiên trì.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vua bánh mì