“Từ buổi ban sơ, ai là người huy động lưu dân khai khẩn, lập làng, dựng đình, cất chùa, mở chợ; vị quản thủ nào đã dày công mở mang vùng đất mới; võ tướng nào từng dọc ngang chinh chiến để bảo toàn cương thổ cho muôn đời sau? Những câu hỏi đó luôn là nỗi trăn trở của những người nặng lòng với lịch sử quê hương. Nhưng để làm sáng tỏ công lao của tiền nhân, tái hiện chân thực các sự kiện lịch sử từ hàng trăm năm trước... quả là một hành trình gian nan” - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Đồng Tháp Lê Minh Trung chia sẻ như vậy trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội. Những người yêu sử đất Sen Hồng gọi 20 năm đó là hành trình “theo dấu người xưa”. Trong hành trình ấy, có những khó khăn, trắc trở do thời gian, biến thiên của lịch sử và cũng có những cuộc hạnh ngộ “lá tầm cội” ly kỳ.
Về Quận Công Trần Văn Năng
Hậu duệ các nhân vật lịch sử xem văn bản Hán - Nôm do Hội KHLS Đồng Tháp sưu tầm được.
Việc phát hiện nơi thờ và mộ phần của Thượng Tướng Quận Công Trần Văn Năng như một cơ duyên. Trong lần nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu (Hội KHLS Đồng Tháp) về huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu điền dã, ông vô tình ghé một đền thờ đơn sơ bên bờ rạch Đốc Vàng. Vào chánh điện, ông nhìn thấy bài vị ghi “Trần Ngọc Thượng Tướng Quận Công”. Nhân vật này là ai? Với câu hỏi này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu đã có 15 năm giải mã, từ Đồng Tháp ra tận Huế. Như lời ông kể lại, khi đi tìm mộ ngài Quận Công ở Huế lần đầu, người dẫn ông là một cậu bé; đến lần thứ ba thì cậu bé đó đã là một thanh niên. Câu chuyện này cho thấy sự kỳ công, bền bỉ của những người nghiên cứu sử.
Hành trình 15 năm đã giúp nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu có được câu trả lời cặn kẽ gốc tích và công trạng của Thượng Tướng Tân Thành Quận Công Trần Văn Năng. Kết quả ấy đã được giới sử học công nhận, nhất là công lao của ngài Quận Công trong chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hủ vào năm 1834. Từ đó, phần mộ Quận Công Trần Văn Năng và hiền thê được xây dựng khang trang thay cho mộ đất quạnh hiu phía sau chùa Quảng Tế ở Huế. Ngôi đền thờ Quận Công bên bờ rạch Đốc Vàng được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2004; đến năm 2008, được trùng tu tôn tạo khang trang. Hằng năm, lễ giỗ đức Quận Công được tổ chức vào ngày Rằm và 16-2 âm lịch, rất long trọng, xứng công với một bậc Thượng Tướng Quận Công.
Cái duyên chưa dừng lại ở đó, Hội KHLS Đồng Tháp lại có một phát hiện quan trọng về nhân vật lịch sử Trần Văn Chánh - cháu nội của Quận Công Trần Văn Năng. Lịch sử ghi nhận, năm 1858, Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta. Danh tướng Nguyễn Tri Phương là người được giao chỉ huy mặt trận Đà Nẵng chống Pháp. Câu hỏi “Ai là người trận vong đầu tiên trong công cuộc chống Pháp?” đã được làm sáng tỏ từ tư liệu lịch sử, nhất là Sắc phong. Đó chính là cụ Trần Văn Chánh - hiền tôn Quận Công Trần Văn Năng, được vua Tự Đức ban Sắc phong. Sắc phong này cùng với nhiều hiện vật liên quan đến Quận Công Trần Văn Năng như các văn bản, ấn... đang được lưu giữ tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Chuyện Hùng Dõng tướng
Chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Châu Thanh Tân, cháu đời thứ 5 của Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn, hiện ở Tân Thuận Tây (Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ông Tân cho biết: Thế hệ ông và sau này chỉ nghe nhắc đến cụ tổ là Hùng Dõng tướng, có công lao với triều đình chứ chẳng biết nhiều. Nhà ông có lập ngôi đền nhỏ thờ Hùng Dõng tướng với các bài vị được đời truyền đời gìn giữ. Mong muốn hiểu rõ hơn về cụ tổ luôn canh cánh trong lòng thế hệ hôm nay, nhất là việc làm sao tìm được ngôi mộ của cụ Hùng Dõng tướng để con cháu phụng thờ, không để xanh cỏ mộ hoang.
Ông Tân nhớ lại, lần nọ nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu có ghé qua. Nhìn thấy những bài vị gỗ cổ kính trong đền thờ Hùng Dõng, ông rất trân trọng và cho biết sẽ tìm cho ra công trạng vị quan này. Trong hành trình đó, cũng phải kể đến công sức của anh Nguyễn Thanh Thuận, Hội KHLS Đồng Tháp, đã đi nhiều nơi tìm văn bản Hán Nôm có liên quan đến Hùng Dõng tướng. Từ những tư liệu anh Thuận tìm được, minh chứng Hùng Dõng tướng là một vị quan tài năng, từng giữ cương vị Tổng đốc An Hà, Tổng đốc An Giang, một võ tướng dạn dày trận mạc trong công cuộc bảo vệ cương thổ đất phương Nam. Cũng theo chính sử triều Nguyễn, tướng Nguyễn Công Nhàn được vua Thiệu Trị ban kim bài “Hùng Dõng tướng” để đeo, cho phép ghi “Hùng Dõng tướng” trước họ tên trong các văn bản, trân trọng hơn nữa là khắc tên trên một khẩu thần công đặt tại kinh thành Huế.
Điều đáng quý hơn nữa là Hội KHLS Đồng Tháp đã giúp họ tộc tìm ra mộ phần của Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn ở Long Hưng (Lấp Vò, Đồng Tháp). Đời sau “chạm mặt” tiền nhân, hạnh phúc ấy là nhờ công lao của những người yêu sử, viết sử. Ông Châu Thanh Tân chia sẻ: “Cội nguồn là điều thiêng liêng quý báu. May nhờ có các anh, các cháu bên hội sử học mà gia tộc tôi được làm tròn bổn phận với tổ tiên”.
Chuyện tìm về thân thế, công trạng và mộ phần của Hùng Dõng tướng ly kỳ và cũng đầy cơ duyên. Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp Lê Minh Trung kể, trong khi tìm văn bản về Hùng Dõng tướng ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hội lại tìm thấy một nhân vật khác. Đó là tờ tấu của ông Vũ Hợp, tấu lên vua xin được về quê nhà Tân Dương (nay thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), thọ đại tang. Rõ ra mới biết, đây chính là ông Võ Hiệp, Chánh lãnh binh Hà Tiên, một cận tướng của Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn. Ông cũng được cho là người chỉ huy đắp Bảo tiền và Bảo hậu, hệ thống phòng thủ quân sự ven sông Hậu theo lịnh của Hùng Dõng tướng. Lần về Tân Dương tìm hiểu, hậu duệ của cụ Chánh Lãnh binh còn giữ đến gần 40 sắc phong, văn tự xưa của cụ tổ.
Một cơ duyên nữa là trong quá trình tìm hiểu về Hùng Dõng tướng, Hội KHLS Đồng Tháp có thông tin ở Bình Thạnh Trung (Lấp Vò, Đồng Tháp) có một gia đình đang lưu giữ rất nhiều văn bản xưa của tổ tiên và “hình như” có liên quan đến Hùng Dõng tướng. Tận tường thì quả là “quý hơn vàng”, gia đình đó là hậu duệ của tướng quân Đoàn Văn Sách, vị tướng từng được Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn xông lên giải cứu khi bị thương trong vòng vây ở Trấn Tây thành. Tướng họ Đoàn là người được danh tướng Nguyễn Tri Phương đánh giá “Dũng tướng một thời”. Với những người làm sử, đó là những duyên may không ngờ.
* * *
20 năm nhìn lại, Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp Lê Minh Trung bồi hồi rằng, trải qua những buồn vui trong hành trình tìm dấu người xưa, điều mà Hội vui mừng nhất là phát hiện những văn bản xưa, những ngôi mộ cổ, những bài vị, thần chủ, đặt trong đình, miếu... Những mảnh ghép về cuộc đời một nhân vật, một sự kiện lịch sử từ đó dần hé lộ. Nhờ vậy, công trạng người xưa với đất nước, quê hương sẽ không bị trôi vào quên lãng theo dòng chảy thời gian, thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng hơn bao lớp người đi trước. Hậu thế tri ân các vị, cũng chính là thể hiện lòng biết ơn đối với nông dân, nghĩa binh, nữ dũng đã mở mang và gìn giữ mảnh đất này. Khép lại hành trình 20 năm, mở ra chặng đường mới rất dài, ông Lê Minh Trung chân tình: “Hãy thông cảm cho sự sốt ruột của chúng tôi: di sản Hán - Nôm quý báu của tiền nhân chắc chắn sẽ mất mát, hư hỏng theo thời gian, làm thế nào để sớm tìm ra các di sản còn lẩn khuất đâu đó trong dân gian!”.
Bên cạnh những nhân vật lịch sử đã kể trên, Hội KHLS Đồng Tháp còn tìm kiếm, nghiên cứu tiểu sử của nhiều nhân vật và đề xuất tôn vinh xứng đáng, như: Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư, Chánh lãnh binh Nguyễn Hương, Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên… 20 năm qua, hội biên soạn, biên tập, thẩm định 25 đầu sách; trong đó, có những công trình rất quy mô và giá trị khoa học, lịch sử cao, như: “Địa chí Đồng Tháp”, “Tự điển địa danh Đồng Tháp”, “Đồng Tháp đất và người” (đã phát hành đến tập thứ 6)... Đặc biệt, ấn phẩm “Đồng Tháp xưa và nay” đã phát hành 68 kỳ, bình quân 2.500 bản/kỳ, quy tụ đông đảo đội ngũ cộng tác viên là nhà nghiên cứu, nhà khoa học... trong cả nước.
Bài, ảnh: DUY KHÔI