05/04/2024 - 09:15

Chuyển đổi xanh

Hành động vì một Mekong Delta thịnh vượng, đáng sống 

Bài 3: Hành trình tiến về phía trước

"Chuyển đổi xanh" không còn là khái niệm xa lạ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ðối với Việt Nam, đặc biệt là ÐBSCL, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh hóa và bền vững cần quyết liệt hơn và triển khai trên diện rộng chứ không chỉ dừng lại ở những mô hình điểm. Ðường đã mở nhưng làm sao để đi đến mục tiêu đề ra và giải quyết hài hòa bài toán sinh kế, môi trường là cả một câu chuyện dài.

Trồng cây bần tại bãi bồi ở khu vực Cồn Sơn, quận Bình Thủy để góp phần giữ đất, ngăn ngừa sạt lở. Ảnh: MINH HUYỀN 

Cơ hội đan xen thách thức

Khái niệm kinh tế xanh, chuyển đổi xanh đã xuất hiện hơn 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) chuyển đổi xanh. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ÐBSCL, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh là vấn đề lớn rất phức tạp, nhất là với những nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi cân bằng được mục tiêu phát triển giữa kinh tế và môi trường rất khó khi mà trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, tư duy và những quy định chưa hoàn thiện. Dù vậy, Việt Nam tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu, cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, là định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Cộng đồng DN cần nhận thức được trách nhiệm và tham gia rà soát, chuyển đổi cấu trúc sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với các quy định về phát thải. Dù nhiều áp lực về quá trình chuyển đổi, nhưng Net Zero cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đó là giá trị thu được từ phát thải hay gọi là tín chỉ carbon, mà nhiều nước đang áp dụng.

Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NÐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QÐ-TTg yêu cầu các DN phải thực hiện kiểm kê và có hành động giảm nhẹ phát thải phù hợp. Ðây là "bộ khung" và cơ hội để nông dân dần thay đổi tư duy, tái cơ cấu hoạt động để thích ứng với bối cảnh mới. Bà Nguyễn Thị Hà, Quản lý Chương trình Công ty CP Sáng tạo Xanh (Green In), phân tích: Giảm phát thải khí nhà kính đem đến cho DN nhiều cơ hội. Thứ nhất là việc áp dụng các biện pháp tối ưu hóa, gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sẽ giúp DN tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận. Thứ hai, DN khai phá những thị trường mới bởi hàng hóa ít phát thải, có giấy chứng nhận "xanh" sẽ mở ra cơ hội với những thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Canada,... Thứ ba, uy tín hơn trong quan hệ đối tác và khách hàng khi giữ vững thị trường xuất khẩu, mang lại nguồn doanh thu ổn định hoặc cao hơn, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm bền vững từ người tiêu dùng. Theo bà Hà, chuyển đổi xanh là lĩnh vực mới, độ bao quát lớn, DN cần chủ động lập kế hoạch và nghiên cứu áp dụng cắt giảm phát thải khí nhà kính phù hợp; xây dựng lộ trình, kế hoạch, tích hợp vào chiến lược kinh doanh; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, đầu tư công nghệ, thiết bị mới, đề xuất các tổ chức uy tín chứng nhận…

Quan điểm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26) là: "Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững" là "kim chỉ nam", phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và gắn kết với Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan ÐBSCL, WWF Việt Nam, nhấn mạnh: Chúng ta không hoàn toàn độc lập với tự nhiên mà phải sống hài hòa với tự nhiên, phụ thuộc vào tự nhiên. Giải quyết các vấn đề thách thức gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thông qua giải pháp thuận thiên cho vùng ÐBSCL là mối quan tâm của khu vực công - tư, các địa phương và người dân trong vùng. Muốn đồng bằng châu thổ khỏe mạnh, phát triển bền vững cần áp dụng các giải pháp canh tác phù hợp dựa trên chế độ thủy văn, chế độ lũ; khai thác giá trị để đem lại lợi ích cho người dân dựa trên các vùng đất ngập nước, vùng đệm, các khu bảo tồn, các khu vực ven biển, hình thành nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hài hòa bài toán môi trường và sinh kế

Sinh kế bị đe dọa, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp chính là xu thế tất yếu, đòi hỏi phải có sự bắt tay của DN và người dân. Ông Bùi Văn Sỉ ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, người có hơn 37 năm gắn bó dưới tán rừng ngập mặn và đã có gần 10 năm nuôi tôm thân thiện với môi trường. Vuông tôm nằm dưới tán rừng đước của gia đình có diện tích 7ha đang được Tập đoàn Minh Phú hỗ trợ trung bình 500.000 đồng/ha để đầu tư cho con giống và nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tôm nguyên liệu sẽ được Tập đoàn bao tiêu. Với ông Sỉ, đời sống sinh kế của gia đình chịu không ít tác động của biến đổi khí hậu. Căn nhà hiện hữu cặp sông từng phải di dời vì sạt lở, vuông tôm cũng không ít lần vì mưa trái mùa mà rơi vào cảnh thất thu. Tuy vậy, ông vẫn bám đất, bám rừng, giữ lấy nghề nuôi tôm. Ông Sỉ cho biết: Trồng rừng phải qua nhiều năm mới thu hoạch một lần nhưng rừng không chỉ góp phần ngăn ngừa sạt lở, là nguồn thức ăn cho tôm các loại thủy sản dưới tán rừng ngập mặn như cua biển, sò huyết, vọp… Nhờ có DN hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra nên nhiều hộ nuôi tôm như tôi cũng yên tâm hơn.

Đại diện Sokfarm ký kết biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư Triple Impact Netherlands. Ảnh: CTV

Vừa thành công ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư trị giá 1 triệu USD với Triple Impact Netherlands, một quỹ đầu tư tạo tác động xã hội có trụ sở tại Hà Lan, anh Phạm Ðình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), chia sẻ trong niềm vui: "Sự kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của các quan chức cao cấp đến từ Chính phủ Hà Lan và Việt Nam. Biên bản ghi nhớ không chỉ là cơ hội để Sokfarm đầu tư vào công nghệ chế biến và phát triển sản phẩm, mà còn giúp Sokfarm đạt được mục tiêu năm 2028 với diện tích trồng dừa hữu cơ lên đến 300ha, tạo việc làm cho 200 lao động địa phương và liên kết với hơn 500 nông hộ. Có được thành công hôm nay là do từ những ngày đầu thành lập, Sokfarm đã hướng tới mang đến niềm hạnh phúc về sinh kế bền vững cho người trồng dừa và sản phẩm sạch, thuần thiên nhiên cho người tiêu dùng. Sokfarm là doanh nghiệp tạo tác động xã hội và hướng đến 6 giá trị: ngành nghề truyền thống, sinh kế bền vững, thuần thực vật, sản phẩm hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, hương vị phù sa. Cũng chính vì vậy, sản phẩm mật hoa dừa của công ty không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật" - anh Phạm Ðình Ngãi nói.

Tập đoàn Lộc Trời tham gia đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng của việc liên kết sản xuất với nông dân. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, Lộc Trời có những chương trình tài trợ tín dụng và thưởng tiền để nông dân có động lực thay đổi thói quen canh tác. Nông dân vừa giảm được chi phí đầu vào vừa đạt được mục tiêu là giảm phát thải trong canh tác lúa và canh tác ổn định. Nguồn gốc canh tác ổn định là sản phẩm được bao tiêu rất ổn định, nguồn gốc bao tiêu ổn định là có thị trường tiêu thụ ổn định. Trong đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh có những tiêu chí về chuyên canh lúa. Lộc Trời đang xây dựng các vùng chuyên canh gồm: vùng chuyên canh cho thị trường Ðông Nam Á; vùng chuyên canh cho thị trường châu Âu, vùng chuyên canh nếp, vùng chuyên canh tác các loại gạo đặc biệt. Khi có các vùng chuyên canh, Lộc Trời tổ chức sản xuất, tổ chức đồng ruộng, tổ chức bộ sản phẩm vật tư nông nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn của từng thị trường, hạn định được sản lượng tiêu thụ của từng thị trường theo hướng ổn định. Khi đó, Lộc Trời có thể ký hợp đồng dài hạn với người mua và có đủ điều kiện để chuyển tải được lợi nhuận cũng như lợi ích của chương trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trực tiếp đến bà con nông dân.

* * *

ÐBSCL đang phải đối mặt với thách thức từ hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của đồng bằng. Các biện pháp canh tác thâm canh, tăng vụ phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước; biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn… Các động lực của vùng đã được khai thác tới ngưỡng giới hạn. Ðể giải quyết các vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng ÐBSCL.

Bài cuối: Chung quyết tâm, cùng hành động

Chia sẻ bài viết