04/04/2024 - 08:28

Chuyển đổi xanh
Hành động vì một Mekong Delta thịnh vượng, đáng sống 

Bài 2: Xanh hóa để vươn khơi, khẳng định vị thế

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất theo hướng thuận thiên, xanh hóa, ĐBSCL đã cho ra thị trường những nông sản xanh, sạch và đạt chuẩn. Những sản vật đồng bằng đi ra thế giới mang hình ảnh rất đỗi thân quen nhưng không kém phần lạ lẫm, độc đáo nhờ thông qua chế biến tinh, sâu để nâng cao giá trị.

Sokfarm quảng bá sản phẩm mật hoa dừa đến các khách hàng của thị trường Hà Lan. Ảnh: CTV

Ấn tượng nông sản đồng bằng

Với 25 năm hoạt động trong ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An luôn khát khao đưa hạt gạo Việt dẫn đầu trên bản đồ thế giới. Và để làm được điều đó, trước hết phải nâng cao chất lượng và giá trị gạo. “Từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2, thứ 3 thế giới nhưng chỉ xuất một loại gạo, gọi là gạo trộn (không phân biệt gạo 5-10-20-25% tấm) còn gạo chất lượng cao khách hàng yêu cầu gần như Việt Nam không có. Từ đó, tôi mới nghĩ đến chuyện cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao trồng các loại giống theo khách hàng yêu cầu. Và năm 2012 lần đầu tiên, Trung An xuất khẩu 2.000 tấn gạo cùng một loại giống từ mô hình Cánh đồng liên kết với nông dân huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ. Với lô hàng đó, tôi đã làm thay đổi tư duy hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo lúc bấy giờ: tìm cách xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, gạo của Trung An giờ đây chẳng những có thể tự tin xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu mà còn tự tin mang thương hiệu, logo “chính chủ” của công ty thay vì logo của nhà nhập khẩu” - ông Phạm
Thái Bình nói.

Gặp doanh nhân 8X Ngô Tường Vy, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tôi được nghe chị kể về thương vụ xuất khẩu trái cây không cần lời mà chỉ cần tiếng! Câu chuyện xoài, bưởi, vú sữa bay sang Mỹ; sầu riêng đi Trung Quốc… không phải là chuyện dễ bởi chen chân vào kênh phân phối, cạnh tranh giá cả và tiêu chuẩn rất khó. “Khoảng 10 năm trước, tôi nghĩ, kinh doanh để kiếm tiền là chính, để gia đình có cuộc sống sung túc. Nhưng khi đi ra thế giới, khi khảo sát thị trường nhiều quốc gia có một điều gì đó thôi thúc tôi thay đổi. Tôi nhớ mãi chuyến đi sang Mỹ, qua khảo sát nhiều siêu thị toàn là sầu riêng Thái Lan và nếu có hàng Việt đi nữa thì chất lượng cũng không bằng hàng Thái Lan. Từ đó, tôi quyết định phải làm gì đó cho trái cây của Việt Nam. Qua nhiều lần trao đổi, thương lượng và những lô hàng chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu, sầu riêng của công ty đã có mặt tại siêu thị Mỹ.  Và cho đến bây giờ, nhiều người tiêu dùng Mỹ, châu Á và cả người người Việt tại Mỹ phải xếp hàng mua sầu riêng của Việt Nam. Tôi đã không thể ngủ được, vì không nghĩ là mình có thể làm được điều đó khi  sầu riêng Thái Lan đã đánh dấu sự có mặt nhiều năm và khẳng định vị trí tại thị trường này” - bà Ngô Tường Vy chia sẻ đầy tự hào.

Khởi nghiệp từ năm 2019, sau đó vướng phải “cơn bão” mang tên COVID-19 nhưng Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp trẻ đi đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại ÐBSCL. Anh Phạm Ðình Ngãi, Giám đốc Công ty Sokfarm, chia sẻ: “Chúng tôi chọn theo đuổi mô hình kinh doanh tạo ra tác động xã hội, mang lại sinh kế bền vững cho người nông dân, bảo vệ môi trường, và chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng tinh hoa mật hoa dừa Trà Vinh. Tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nhiều vùng dừa độ mặn trên 15 phần ngàn, giảm năng suất thu hoạch trái dừa 30-70% nhưng hoa dừa vẫn phát triển tốt. Bằng kỹ thuật mát-xa hoa dừa thu mật truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Sokfarm đã áp dụng công nghệ chế biến sâu, giúp nông dân gia tăng giá trị gấp 3-5 lần so với thu hoạch trái dừa. Hiện các dòng sản phẩm mật hoa dừa của Sokfarm không chỉ phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành mà còn vươn ra nhiều thị trường khó tính. Ðơn cử, mật hoa dừa tươi organic Sokfarm, mật hoa dừa cô đặc organic Sokfarm, đường hoa dừa organic Sokfarm, nước tương mật hoa dừa organic Sokfarm hiện đã có mặt tại thị trường Mỹ, Hà Lan, Ðức, Nhật”.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: MỸ THANH

Thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội thị trường

Với cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã và đang nỗ lực để hiện thực hóa điều này bằng việc ban hành nhiều quy định, chính sách tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp, cụ thể là Nghị định số 06/2022/NÐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Quyết định số 01/2022/QÐ-TTg yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê và có hành động giảm nhẹ phát thải phù hợp. Bên cạnh đó, những quy định quốc tế cũng đang ngày càng thắt chặt đối với các mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Trước những yêu cầu phát triển nội tại cũng như áp lực từ bên ngoài, người nông dân, doanh nghiệp ÐBSCL buộc phải chuyển đổi từ tư duy đến hành động.

Ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh (New Green Farm), quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: Bà con trong hợp tác xã đều mong mỏi được tham gia vào đề án 1 triệu héc-ta lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vì đề án không chỉ mang lại lợi nhuận cho nông dân nhờ bán tín chỉ carbon mà còn giúp cải tạo môi trường sạch. Thực tế, trước đây Hợp tác xã nhận được hỗ trợ từ dự án VnSAT nên đã từng bước tiệm cận với phát triển xanh trên cánh đồng, canh tác thân thiện với môi trường. Ðơn cử như trước  đây sau thu hoạch lúa nông dân đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng này thu gom về để trồng nấm, sau đó lại lấy phụ phẩm tiếp tục sản xuất phân hữu cơ để sử dụng cho vườn cây ăn trái. Còn nếu không trồng nấm, nông dân có thể gom rơm để bán và thu thêm được khoảng 500.000 đồng/ha nhờ bán rơm. Nếu trồng nấm, mỗi một héc-ta có thể thu được cỡ từ 4-5 triệu đồng. Hiện hợp tác xã có 26/101 hộ vừa canh tác lúa vừa chất nấm rơm cho thu hoạch ổn định quanh năm.

Hành trình đưa nông sản xanh xuất ngoại, doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng”. Theo chị Ngô Tường Vy, kinh doanh trong mảng nông nghiệp, lòng trắc ẩn của người doanh nhân rất lớn, phải biết, phải hiểu được nỗi niềm của người nông dân, phải đồng hành cùng họ mới có thể hài hòa lợi nhuận, tạo giá trị cho người tiêu dùng và như thế họ mới có thể đi đường dài với doanh nghiệp. “Tôi nhớ mãi lần đi tìm vùng nguyên liệu vú sữa ở tỉnh Sóc Trăng và yêu cầu nhà vườn bao trái để xuất khẩu sang Mỹ. Thời điểm đó, nông dân nghĩ chắc đầu óc mình có vấn đề. Bởi vú sữa một cây cả ngàn trái làm sao làm bao hết được và họ cũng không tin bản thân mình làm được. Nhưng sau đó, vú sữa ở vùng nguyên liệu Sóc Trăng đều đã bao trái để đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Giờ đây với nhiều công cụ hỗ trợ, việc bao trái đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương và ứng dụng trên nhiều loại cây ăn trái khác. Thực tế là công ty không thể nào bao tiêu hết cho bà con nhưng mình vui vì có thể thay đổi được tư duy của người nông dân. Và hơn hết, tôi cho đó là trách nhiệm của người doanh nhân hiểu thị trường, biết thị trường cần gì và truyền tải điều đó để nông dân thay đổi tư duy” - doanh nhân Ngô Tường Vy trải lòng.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, mặc dù bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu nhưng ÐBSCL có những cánh đồng, có nước ngọt, đất phù sa màu mỡ và hơn hết có những con người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðây là những lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Ðể khai thác những lợi thế này, ÐBSCL phải tập trung vào những thị trường rộng lớn tiềm năng như Trung Quốc chẳng hạn. Tuy nhiên, nông dân, doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi xanh vì đây là xu thế tất yếu mà thế giới đang hướng đến. “Nền nông nghiệp nước ta hiện nay là nông nghiệp lương thực chứ không phải nông nghiệp tốt cho sức khỏe. Chúng ta có những cánh đồng, vườn trái cây, rau màu… sao chúng ta không xanh hóa chúng? Và trước hết muốn xanh hóa nền nông nghiệp phải tạo được nhận thức xanh, chuyển đổi xanh và phải hành động. Trong đó, nhận thức xanh rất quan trọng để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ xanh là như thế nào; phải làm gì trước, làm gì sau, phát triển kinh tế  xanh tôi sẽ nhận được gì... Khi nhận thức, tư duy đã chuyển đổi thấu đáo, ÐBSCL sẽ hình thành lực lượng doanh nông trẻ khởi nghiệp xanh để dẫn dắt và lan tỏa” - ông Nguyễn Lâm Viên bày tỏ.

***

Nhiều doanh nghiệp ÐBSCL bắt đầu tiên phong chọn kinh tế xanh là hướng đi của mình. Ðồng thời sát cánh cùng nông dân để canh tác xanh, thuận tự nhiên, giảm phát thải… Những thách thức của vùng ÐBSCL nhận được mối quan tâm của khu vực công và khu vực tư, được nhận diện và đề xuất hướng giải quyết trong mối quan hệ đan xen giữa khó khăn cũ và những cơ hội mới.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Bài 3: Hành trình tiến về phía trước

Chia sẻ bài viết