08/07/2019 - 10:45

Đồng bằng Sông Cửu Long

Hàng hóa nông sản bị lấn át trên sân nhà… 

Nói đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mọi người đều nghĩ đến là vùng nông nghiệp lớn nhất nước. Hàng hóa nông sản dồi dào phong phú, mỗi năm xuất khẩu đem về cho đất nước hơn 10 tỉ USD. Từ lâu nay, một mình một chợ nhưng giờ đây hàng hóa nông sản chế biến của ĐBSCL phải cạnh tranh không cân sức với nhiều hàng hóa nông sản khác của Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc, New Zealand…

Nỗ lực để tạo ra giá trị gia tăng…

Nhiều năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp đã tích cực nỗ lực thay đổi cách làm nông nghiệp bằng con đường hợp tác liên kết chuỗi giá trị gia tăng, sản xuất theo mô hình VietGAP hay GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ, chế biến hàng giá trị gia tăng… để tăng giá trị hàng hóa nông sản. Các loại trái cây như: xoài cát, thanh long, chôm chôm, vú sữa, sầu riêng… đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Những năm trước đây, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đa phần xuất khẩu dạng thô như cá tra phi lê, tôm bóc vỏ,… thì nay chế biến thành hàng chục sản phẩm giá trị gia tăng như chả cá tra, cá tra tẩm bột, cá tra tẩm gia vị, cá tra cuộn rau củ, chả quế ba sa tươi, cá viên ba sa thì là, tàu hủ ba sa, xá xíu ba sa, chả cá ba sa tẩm cari, ba sa tẩm sa tế, ba sa xào nghệ, ba sa tempura, ba sa fish burger, portion, strip, skewered, loin, well-trimemed…; tôm thẻ xiên que, tôm sú sushi hấp, tôm sú xẻ bướm tẩm gia vị, tôm sú tẩm bột, tôm sú cherry pop, tôm thẻ PD BBQ, tôm sú tẩm tỏi, tôm sú tẩm bột chiên, bánh tôm tẩm bột, tôm sú cuộn khoai tây, sú tẩm bột xù, tôm sú tempura, tôm sú sushi chần,…

Lúa gạo là thế mạnh của ĐBSCL góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng có nhiều thay đổi trong cơ cấu gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao ngày chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2018 xuất khẩu gạo đạt hơn 6,1 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3,2 tỉ USD, chỉ tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017. Một trong những nguyên nhân tăng về giá trị xuất khẩu do chất lượng gạo xuất khẩu được nâng lên. Trong năm 2018, giá trị gạo trắng chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5%. Gạo 5% tấm xuất khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2017-2020 lượng gạo xuất khẩu hằng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị 2,2-2.3 tỉ USD; giai đoạn 2020-2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng sẽ đạt khoảng 2,3-2,5 tỉ USD. Đến năm 2020, sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%, nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%; gạo nếp 20% và sản phẩm có tỉ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030, sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao 15%. Gia tăng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp 25% và sản  phẩm gạo có giá trị gia tăng khác 10%.

Miến khoai lang Hàn Quốc bày bán tại LOTTE Mart Cần Thơ. 

Những năm gần đây, các doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều nỗ lực đầu tư chế biến các sản phẩm từ gạo. Chẳng hạn như trước đây Tiền Giang nổi tiếng với hủ tiếu Mỹ Tho thì nay có thêm sản phẩm bánh hỏi khô ăn liền, bún gạo, bánh tráng; quận Bình Thủy, TP Cần Thơ nổi danh với bánh dân gian nay đã chế biến những mặt hàng từ gạo như: bánh canh, bánh hỏi, phở,… đưa vào hệ thống siêu thị; tỉnh Đồng Tháp có bún khô, hủ tiếu khô, bánh phở khô… để xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gạo để xuất khẩu cho biết giá trị xuất khẩu các sản phẩm này gấp đôi so với với xuất khẩu gạo thông thường.

Lo ngại sự xâm thực của hàng ngoại

Từ hai năm trước, tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo  vùng ĐBSCL” tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến với quan ngại “Xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đang sợ. Điển hình là gạo của chúng ta đã thua gạo Campuchia. Campuchia đã có vị thế trong xuất khẩu gạo bằng một chiến lược thông minh giữa gạo thương hiệu và gạo chất lượng. Thương hiệu và chất lượng là vấn đề đặt ra của hội nghị này. Tôi xin nhắc lại, một số thương hiệu và chất lượng gạo của một số nước Thái Lan, Nhật Bản đã vào bữa ăn của người Việt Nam chúng ta…”. Mặc dù đã cảnh báo từ trước như vậy nhưng không tránh khỏi nghịch lý là gạo nước ngoài xâm thực vào Việt Nam và ngay chính vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước.

Hiện nay, tại các cửa hàng gạo ở ĐBSCL hầu như đều có bày bán gạo Campuchia. Mặc dù giá gạo Campuchia từ 18.000-20.000 đồng/kg cao hơn giá gạo thơm, gạo chợ Đào, gạo Nàng Hương,… nhưng nhiều người tiêu dùng lại ưa chuộng. Theo các chủ cửa hàng gạo cho biết người tiêu dùng chọn gạo Campuchia vì đây là gạo lúa mùa, ít phân thuốc bảo vệ thực vật. Tại MM Mega Market từ khi đổi chủ cho tỷ phú Thái Lan thì gạo Thái Lan bày bán nhiều không thua gì gạo Việt. Điều đáng buồn là nhìn bảng niêm yết giá là cùng trọng lượng 25kg như nhau nhưng giá gạo Thái cao gấp 2-3 lần gạo Việt. Gạo hương lài Việt Nam giá 92.000 đồng/5kg nhưng gạo Thái đến 184.000-250.000 đồng/kg, loại 25kg gạo ngon của Việt Nam chỉ khoảng 295.000-375.000 đồng trong khi đó gạo Thái cùng trong lượng 25kg nhưng giá 719.600-778.000 đồng. Các mặt hàng khác cũng vậy như miến khô khoai lang  Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam được bày bán ở siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ chỉ 90.000 đồng/kg nhưng cùng loại miến khô khoai lang nhãn hiệu Hàn Quốc giá đến 112.500 đồng/0,5kg (giá khuyến mãi 102.400 đồng). Như vậy giá miến khô khoai lang sản xuất tại Hàn Quốc đắt hơn gấp đôi miến cùng loại sản xuất tại Việt Nam. Các loại miến, mì gói của Thái bán tại các siêu thị trên địa bàn Cần Thơ cũng có giá đắt hơn nhiều so với miến, mì sản sản xuất tại ĐBSCL… Những năm qua, đường cát Thái Lan được đưa nhiều vào biên giới ĐBSCL vì giá đường cát Thái rẻ hơn so với đường cát trong nước. So với đường cát Việt Nam giá chênh lệch khá cao, chính vì vậy, đường cát nhập lậu ngày càng nhiều…

Không chỉ có gạo, đường cát thâm nhập vào ĐBSCL mà trái cây nhiệt đới của ĐBSCL cũng bị trái cây ngoại cạnh tranh áp đảo. Táo Mỹ, táo New Zealand hay cam Úc,… được siêu thị BigC bán giá rất rẻ chỉ 39.500 đồng/kg, tương đương giá chôm chôm, ổi… của ĐBSCL. Măng cụt, bòn bon, xoài,… Thái Lan đã lấn át trái cây ĐBSCL từ nhiều năm nay. Tuy giá cao hơn trái cây ĐBSCL nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn trái cây Thái. Trong các bữa tiệc trái cây, trong dĩa trái cây của ĐBSCL đã có bòn bon Thái, măng cụt Thái  chen vào với nhãn, chôm chôm,… ĐBSCL.

Các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng nếu ĐBSCL không sớm cải thiện giống cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đầu tư thiết bị chế biến nông sản để nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và để nâng cao năng lực cạnh tranh, khi nhiều hiệp định thương mại tự do được thực hiện thì hàng hóa nông sản ĐBSCL khó có khả năng cạnh tranh với hàng hóa nông sản ngoại nhập. Chắc rằng hàng hóa nông sản ĐBSCL bị hàng hóa nông sản ngoại lấn át và thua cuộc tại sân nhà.

Bài, ảnh: Huỳnh Biển

Chia sẻ bài viết