09/02/2020 - 23:43

Hạn, mặn đang ảnh hưởng nhiều địa phương ĐBSCL 

Thiếu nước, mặn xâm nhập vào các kênh nội đồng những tháng đầu năm 2020 được dự báo sẽ gay gắt hơn năm trước. Ngay từ đầu năm, các địa phương tại ĐBSCL: Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre… đã triển khai các biện pháp nhằm trữ nước ngọt, ứng phó xâm nhập mặn, nhằm đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Vận hành cống ngăn mặn ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: L.T

Thiếu nước ngọt, mặn đi sâu vào đất liền

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: Hạn, mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở Cà Mau. Các tỉnh, thành khác của vùng mặn xâm nhập, sau đó rút sẽ có nước ngọt bổ sung, còn ở Cà Mau hạn hán là khô, không có nước bổ sung. Hiện nay các kênh cấp 3 trong vùng ngọt của tỉnh đã khô nước rồi, kênh cấp 1 mực nước còn từ 1-1,5m, kênh cấp 2 còn trên dưới 1m. Mới chớm tháng 2 đã thiếu nước, nếu kéo đến tháng 4 thì tình trạng hạn hán năm nay còn nặng nề hơn so với năm 2015-2016.

Cũng theo ông Hoai, đến thời điểm này, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Cà Mau đã hơn 16.000ha; khoảng 3.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán không chỉ gây thiệt hại cho cây trồng, nguồn nước sinh hoạt mà đang gây là nhiều vụ sạt lở đất các tuyến lộ giao thông. Đã gần 150 tuyến lộ với chiều dài khoảng 20km bị sụt lún, ảnh hưởng giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Căn cứ tình hình hiện tại thì nhiều khả năng mùa khô năm 2019-2020 tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra gay gắt như năm 2016. Nước mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh từ hai hướng Biển Đông và Biển Tây”. Qua kết quả đo nồng độ mặn từ triều biển Tây trong những ngày gần đây trên địa bàn TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, độ mặn luôn duy trì ở mức cao, trên 2‰. Theo ông Trần Chí Hùng, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài và mực nước trên các tuyến sông Cái Côn, Lái Hiếu, Cái Lớn, Xáng Xà No… tiếp tục xuống thấp, mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng với độ mặn tiếp tục tăng cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Sóc Trăng, cũng cho biết: Tính đến chiều 6-2-2020, mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh, rạch với chiều dài hơn 50km tính từ cửa biển. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, vùng bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập trong những ngày vừa qua gồm Long Phú- Tiếp Nhựt, huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung. Tuy nhiên, ở vùng Long Phú- Tiếp Nhựt người dân đã thu hoạch lúa cơ bản xong, nên năm nay không có thiệt hại trắng như năm 2015-2016. Còn vùng huyện Kế Sách, người dân đã chủ động đắp bờ bao; trong những ngày tới, nếu mặn kéo dài thì mới có thiệt hại. Tại khu vực huyện Cù Lao Dung, nước lưu trữ trong các kênh mương đang khô, nên nếu trong khoảng 15 ngày nữa không có nước ngọt bổ sung thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích cây trồng.

Chủ động ứng phó

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tháng 2-2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn tại vùng rất nghiêm trọng. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết: Trong thời gian qua, việc tích nước của các đập trên phía thượng nguồn đúng vào thời điểm bước vào mùa khô ở khu vực hạ lưu sông Mekong khiến cho tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong năm 2020 được dự báo là rất nghiêm trọng và càng gay gắt hơn. Các địa phương khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng, tìm mọi cách để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Ứng phó với hạn, mặn, nhiều địa phương ĐBSCL đã chủ động từ đầu. Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể; thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đối chiếu theo quy định để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất; bổ sung kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020 phù hợp với diễn biến của thời tiết; phân công, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố.

Tại tỉnh Bến Tre, theo Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến ngày 4-2-2020, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 48-68km. Để ứng phó, tỉnh Bến Tre đã đưa vào vận hành các công trình phòng chống hạn mặn: đập tạm trên Kênh Xáng, đập tạm trên Kênh Cây Da; đập tạm trên sông Ba Lai... nhằm tích nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo ông Phạm Quang Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Sóc Trăng, ứng phó hiệu quả hạn, mặn năm 2020, tỉnh điều chỉnh lịch xuống giống lúa Đông xuân sớm hơn 20 ngày, nên bây giờ lúa đã thu hoạch gần dứt điểm, không có thiệt hại. Trong khi năm 2015-2016, thiệt hại hơn 24.000ha lúa do xuống giống theo lịch thời vụ cũ nên tháng 2, tháng 3 mới thu hoạch lúa và mặn xâm nhập làm thiệt hại nặng nề. Cùng với đó, tỉnh khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3 (đông xuân muộn). Vào thời điểm 2015-2016, gần 20.000ha lúa vụ 3, nhưng nay tỉnh khuyến cáo mặn xâm nhập và thiếu nguồn nước ngọt nên chỉ có một số hộ dân ở vùng Long Phú xuống giống khoảng 2.000ha. Ngoài ra năm nay, vùng Long Phú –Tiếp Nhựt nhờ vào việc nạo vét kênh mương mới giữ được lượng nước phục vụ người dân tưới tiêu, sinh hoạt kéo dài được khoảng 20 ngày, trước đây thì chỉ 15 ngày.

Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh; cắt cử cán bộ quan trắc độ mặn hằng ngày để thông tin cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn vùng xâm nhập mặn. Thông qua các phương tiện thông tin khuyến cáo người dân nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. 

Tại Hậu Giang, theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trình. Cụ thể, hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ- Vị Thanh đã thực hiện đóng 3 cống hở ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A; đóng 4 cống hở và 10 cống tròn ở TP Vị Thanh. Cùng với đó, yêu cầu huyện Long Mỹ khẩn trương triển khai làm đập thời vụ ngăn mặn trên địa bàn huyện tập trung tại các xã có nguy cơ xâm nhập mặn cao: Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa mặn xâm nhập, chủ động tích trữ nước để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Sự, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Năm nay người dân đã chủ động tích nước phục vụ sản xuất. Với diện tích 3ha đất lúa, tôi đã đào khoảng 2.000m2 để trữ nước ngọt mấy năm nay. Nên dù nước mặn xâm nhập tôi vẫn an tâm. Tận dụng diện tích mặt nước, tôi còn thả nuôi cá và hiện đang chuẩn bị thu hoạch. Tôi chỉ mong bà con nông dân hãy chủ động trong phòng, chống hạn mặn, tránh lơ là, ỷ lại vào ngành chức năng”…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, cho rằng, đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, tránh thiệt hại. Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông; để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín và để nước có thể vào lại ruộng vườn. Như vậy, sang mùa khô ĐBSCL sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

Gia Bảo - Lê Thanh

Chia sẻ bài viết