18/06/2010 - 20:47

Hải quan điện tử, xu thế hội nhập kinh tế thế giới

Là đơn vị kiểm tra, giám sát lượng hàng hóa thông quan lớn nhất khu vực ĐBSCL, Cục Hải quan TP Cần Thơ đang từng bước hiện đại hóa, tự động hóa, nâng cao hiệu quả các hoạt động hải quan. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ về việc triển khai hoạt động khai báo từ xa tiến tới thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong năm 2010. Ông Nguyễn Minh Thông cho biết:

- Hải quan Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới từ 1-7-1993. Tổ chức Hải quan Thế giới luôn khuyến nghị hải quan các nước thành viên phải tăng cường hiện đại hóa, tự động hóa hoạt động hải quan. Bên cạnh đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này từ năm 2007, cũng khuyến khích phát triển thương mại điện tử; đồng thời, WTO có chương trình về phát triển thương mại điện tử... Ngoài TP Cần Thơ, Cục Hải quan TP Cần Thơ còn thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với các địa phương như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh nên có hoạt động lớn nhất về công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), Cục Hải quan TP Cần Thơ so với hải quan các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chính vì thế, Hải quan TP Cần Thơ luôn nỗ lực, phấn đấu triển khai chủ trương hiện đại hóa, tự động hóa đã có trong ngành hải quan từ nhiều năm nay.

* Cục Hải quan TP Cần Thơ triển khai thực hiện chủ trương hiện đại hóa, tự động hóa như thế nào, thưa ông?

- Trong nhiệm vụ công tác hằng năm, Cục Hải quan TP Cần Thơ luôn khẳng định, con đường tự động hóa hoạt động hải quan, hải quan điện tử là đích phải đến trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Vì thế, từ quý IV/2008, Hải quan Cần Thơ đã chủ động triển khai thí điểm chương trình hải quan từ xa và triển khai rộng ra cho các Chi cục trực thuộc vào đầu năm 2009. Qua gần 2 năm thực hiện, lượng tờ khai XNK được khai báo từ xa tại Cục Hải quan TP Cần Thơ đạt hơn 99%. Đây là cơ sở rất quan trọng để tiến tới hải quan điện tử. Bởi từ kết quả khả quan của công tác này, Cục Hải quan TP Cần Thơ được Tổng cục Hải quan chính thức đưa vào danh sách địa điểm mở rộng triển khai hải quan điện tử trong năm 2010.

Ngày 10-3-2010, Tổng cục Hải quan có Công văn 1258/TCHQ-CCHĐH thông báo, hướng dẫn Cục Hải quan TP Cần Thơ triển khai thủ tục hải quan điện tử trong năm 2010. Cục Hải quan TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch triển khai hải quan điện tử trình Tổng cục Hải quan. Ngày 29-4-2010, Tổng cục Hải quan có Quyết định 866/QĐ-TCHQ chính thức đưa Cục Hải quan Cần Thơ vào lộ trình triển khai hải quan điện tử của ngành hải quan.

* Việc triển khai hải quan điện tử đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp (DN) cũng như cho công tác quản lý nhà nước về mặt hải quan, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định, đối với DN lợi ích rất lớn. Với thủ tục hải quan điện tử, DN hoạt động XNK có thể khai báo hải quan thông qua mạng internet, dù ngồi ở nhà cũng biết chắc lô hàng của mình đã đủ điều kiện thông quan hay chưa. Nếu như hồ sơ được chấp nhận, được phân loại vào luồng xanh (hàng miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), DN tự in hồ sơ và ra cửa khẩu thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, nhân viên hải quan tự in bộ hồ sơ đó, lưu trữ tại Cục Hải quan. Đối với các công việc vừa nêu, DN và ngành hải quan không phụ thuộc vào thời gian và không gian xử lý công việc. Điều này giảm đáng kể thời gian cho việc thực hiện các thủ tục đối với các tờ khai hải quan.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở Cảng Trà Nóc. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

* Theo ông, đâu là những khó khăn khi triển khai hải quan điện tử trong thời gian tới?

- Cái khó nhất là nhận thức từ đội ngũ cán bộ công chức và cả DN tham gia hoạt động XNK. Bởi lẽ, những người làm công tác hải quan và cả phía DN chưa hình dung đầy đủ hình thức, hoạt động, vận hành... của hải quan điện tử như thế nào, thì chưa thể có tin tưởng tuyệt đối. Điều này chưa nói đến tâm lý sợ rủi ro của cán bộ công chức hải quan và cả DN. Vì từ xưa đến nay, giải quyết các thủ tục XNK theo phương thức quản lý hải quan truyền thống, tất cả hồ sơ là giấy tờ, nhìn bằng mắt thường. Ngay cả việc khai báo hải quan từ xa, các DN cũng phải đến hải quan để nộp các hồ sơ, chứng từ bằng giấy. Nhưng khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, tất cả hồ sơ toàn là những dữ liệu điện tử, nằm hoàn toàn trên mạng...

Đặc biệt, khi nói đến hải quan điện tử là phải nói đến cơ sở vật chất (máy tính, mạng, đường truyền...) nhưng việc đầu tư của nhà nước cho công tác này cũng chưa đồng bộ. Hơn nữa, đường truyền internet của nước ta vẫn chưa tốt; phần cứng được trang bị rất nhiều đợt, nhiều chủng loại khác nhau; phần mềm chưa hoàn thiện, con người sử dụng chưa thành thạo; hệ thống dự phòng cho hải quan điện tử cũng còn hạn chế... Thêm vào đó, cái khó chính là kêu gọi được sự đồng thuận của các DN. Bởi đa số DN tham gia hoạt động XNK là các DN vừa và nhỏ, thường hoạt động mang tính chất gia đình. Chủ DN thường lo những việc lớn như lập các phương án sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường... để cho DN ngày càng phát triển, ít quan tâm đến thủ tục hải quan bằng thủ công hay điện tử. Chính vì thế, không chỉ riêng trong lĩnh vực hải quan, phần lớn việc quan hệ với các cơ quan hành chính do bộ phận trung gian (nhân viên, người thân... của chủ DN ) trực tiếp đảm nhiệm. Khi triển khai hải quan điện tử, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyền lợi, nhất là quyền lợi về mặt kinh tế của bộ phận trung gian này...

* Vậy làm gì để tháo gỡ những khó khăn này? Cục Hải quan TP Cần Thơ đã chuẩn bị gì cho việc triển khai hải quan điện tử trong thời gian tới, thưa ông?

- Nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng đối với cán bộ công chức hải quan trong việc triển khai hải quan điện tử, đó việc làm có thể thực hiện được. Theo tôi, để tạo sự đồng thuận cao của DN, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những ích lợi, nhu cầu tất yếu của việc triển khai hải quan điện tử đến với DN, đặc biệt là tầng lớp trung gian. Đồng thời, phải có kế hoạch đào tạo cho cán bộ công chức, DN nâng cao trình độ mọi mặt về kỹ năng khai thác, vận hành, thực hiện tốt thủ tục hải quan điện tử. Song song đó, bất kỳ công cuộc cải cách nào cần sự đồng thuận của xã hội, nhất là sự nhập cuộc của các phương tiện truyền thông đưa những lợi ích của hải quan điện tử đến với từng DN, để DN cùng với hải quan thực hiện.

Nhờ có bước chủ động triển khai công tác khai báo từ xa, bước tập dợt quan trọng cho việc khai báo hải quan điện tử nên Cục Hải quan TP Cần Thơ đã sẵn sàng về mặt nhân sự, kế hoạch, chuẩn bị tập huấn nghiệp vụ... Đồng thời, Cục Hải quan TP Cần Thơ cũng đã có bước khảo sát, bước đầu lựa chọn khoảng 30 DN hoạt động XNK loại hình kinh doanh đủ điều kiện tham gia cho việc triển khai hải quan điện tử tại Cục Hải quan TP Cần Thơ dự kiến triển khai tại 3 Chi cục (Hải quan Tây Đô, Hải quan Cửa khẩu cảng Cần Thơ và Hải quan cửa khẩu Vĩnh Long) vào tháng 8-2010. Ngoài ra, Cục Hải quan TP Cần Thơ đã đưa website của đơn vị (www.haiquancantho.gov.vn) vào hoạt động. Đây là kênh thông tin chính thức, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách của Nhà nước cũng như văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP Cần Thơ và đây cũng sẽ là kênh đối thoại giữa DN với Cục Hải quan TP Cần Thơ.

Đảm bảo việc triển khai hải quan điện tử đúng theo kế hoạch, Cục Hải quan TP Cần Thơ đang đề nghị Tổng cục Hải quan nhanh chóng triển khai việc đầu tư trang thiết bị, máy móc... Đồng thời, để hoàn tất về mặt cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, Cục Hải quan TP Cần Thơ đề nghị Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung Cục Hải quan TP Cần Thơ vào danh sách các địa phương triển khai hải quan điện tử trong năm 2010.

* Xin cảm ơn ông!

HÀ TRIỀU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết