Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu đôi nét về hai hiện vật có liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh”
![Hai Bảo vật quốc gia về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220430/images/so-truc-ban.jpg)
Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ảnh: toquoc.vn
|
Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” là sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25-4 đến ngày 1-5-1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 1-10-2012.
Theo hồ sơ di sản, tư liệu của Cục Di sản văn hóa, Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” có chất liệu bằng giấy, kích thước hình chữ nhật dài 21cm, rộng 16cm. Sổ có bìa nhựa màu xám nâu, giấy carô, viết bằng tay, dày 54 trang. Bìa sổ ghi dòng chữ “Sổ trực ban CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 01 tháng 05 năm 1975”. Sổ ghi tên người trực ban, tình hình chiến sự quân ta và quân địch, tình hình lương thực, vũ khí, các mũi tấn công, các mục tiêu chính tại Sài Gòn...
Về giá trị tiêu biểu của Bảo vật quốc gia này, theo Cục Di sản văn hóa, đây là cuốn sổ được các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những diễn biến tình hình chiến sự, từ ngày 25-4 đến ngày 1-5-1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuốn sổ như một minh chứng lịch sử ghi lại những sự kiện tác chiến gay go, quyết liệt của các đơn vị, các mũi, các hướng tham gia chiến dịch đã diễn ra dồn dập trong 6 ngày đêm lịch sử, ghi dấu những khoảng khắc hào hùng và anh dũng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn sổ này được sưu tầm tại nhà ông Nguyễn Hoàng Vỵ, nguyên là trợ lý tác chiến Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh
Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 53/QĐ-TTg, ngày 14-1-2015, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
![Hai Bảo vật quốc gia về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: toquoc.vn](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220430/images/ban-do-quyet-tam.jpg)
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: toquoc.vn
Bản đồ này được thực hiện từ ngày 15-4 đến ngày 21-4-1975, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại xã Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Tấm bản đồ được hoàn thiện sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, xin ý kiến của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 22-4-1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch duyệt lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy Chiến dịch, cùng ký lên Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bản đồ hình chữ nhật, phía trên nổi bật dòng chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trên bản đồ, mũi vẽ màu đỏ thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng, các đơn vị vào giải phóng Sài Gòn. Các hướng: Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Đông, Tây Nam trên bản đồ đều thể hiện các hướng tiến công, đánh chiếm căn cứ địch của các Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Đoàn 232.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tấm bản đồ này đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 đến năm 1990. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trao tặng tấm Bản đồ này cho Bảo tàng Quân đội, nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
DUY KHÔI