16/06/2016 - 21:02

VIỆN LÚA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

GÓP SỨC TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Với việc tạo ra các giống lúa mới và đưa vào sản xuất, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cùng nông dân nâng sản lượng lúa toàn vùng tăng từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên 25 triệu tấn năm 2015. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

* Thành quả từ cây lúa

Theo Viện Lúa ĐBSCL, trong gần 40 năm qua, Viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất 165 giống lúa, xây dựng được một số bộ giống đóng góp lớn cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trước năm 2000, nhiều giống của Viện được chọn lọc từ các giống của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Kể từ năm 2000 đến nay, viện đã chủ động lai tạo thành công nhiều giống lúa có đặc điểm nổi trội về năng suất, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày xuống 90-105 ngày. Các giống lúa có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi khá tốt, giúp nông dân trong vùng thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ. Để tăng thu nhập, giảm rủi ro cho nông dân, Viện Lúa tập trung nghiên cứu lai tạo các giống lúa chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi. Nhiều giống lúa có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL không chỉ trồng tốt ở vùng ĐBSCL mà còn lan tỏa trong cả nước và vươn ra một số nước như Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Cuba, các nước Nam Á và châu Phi.

Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những thành quả nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống.

Bên cạnh việc chuyển giao giống mới vào sản xuất, hằng năm Viện Lúa ĐBSCL tổ chức sản xuất và cung ứng hàng trăm tấn giống siêu nguyên chủng, hàng ngàn tấn giống nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các địa phương. Nhờ đó, tổng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn các cấp từ dưới 10% năm 1999 lên trên gần 50% như hiện nay. Viện Lúa cũng đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp quốc gia với 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của Viện đã góp phần đưa năng suất lúa nước ta đứng đầu khu vực ASEAN với năng suất bình quân trên 5,8 tấn/ha/vụ. Sản lượng lúa toàn vùng đạt 25 triệu tấn vào năm 2015.

Viện Lúa ĐBSCL là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn-Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Lợi thế của Viện Lúa ĐBSCL là có lực lượng cán bộ đông đảo, được đào tạo bài bản tại IRRI, Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Ý... Viện cũng xây dựng được mối quan hệ hợp tác tốt với các viện nghiên cứu trong nước, các địa phương và đặc biệt là hợp tác quốc tế. Nguồn lực con người đã có song để phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, Viện Lúa ĐBSCL rất cần Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho Viện như khu nhà làm việc, khu nhà điều hành, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, khu ruộng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng nghiên cứu, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm đủ điều kiện phục vụ chọn tạo giống và kiểm soát chất lượng sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

* Phát huy truyền thống nghiên cứu

Thời gian qua, Viện được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm và các khu thí nghiệm đồng ruộng đáp ứng các yêu cầu cơ bản cho công tác nghiên cứu về cây lúa. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, nhất là việc tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu thì cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại của Viện, nhất là hệ thống phòng thí nghiệm còn khá khiêm tốn và chưa đồng bộ. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: Để phục vụ cho công tác nghiên cứu giống lúa và các loại cây trồng cạn khác trên nền đất lúa đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, các giống lúa không chỉ thực hiện thương mại hóa trong nước mà còn có thể xem xét bán bản quyền giống lúa ra nước ngoài sau khi đã khai thác trong nước. Vấn đề là nhà nước cần có cơ chế chính sách, các quy định cụ thể để thực thi hiệu quả vấn đề tác quyền, bản quyền, tạo nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp Viện tiến tới cơ chế tự chủ về tài chính.

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu triển khai việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tác quyền sở hữu trí tuệ để dần áp dụng Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập" cho đơn vị mình. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ rất đồng tình và sẵn sàng hỗ trợ Viện Lúa ĐBSCL tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, phát huy hiệu quả nghiên cứu khoa học. Bên cạnh các giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt, Viện nên nghiên cứu thêm các giống lúa có tính chống chịu tốt, có giá trị thương mại cao hơn, xây dựng các gói kỹ thuật sản xuất lúa với chi phí thấp và bền vững để nông dân áp dụng. Đặc biệt, Viện Lúa ĐBSCL cần nỗ lực hơn nữa để góp phần tạo chuyển biến tích cực cho ngành lúa gạo, phấn đấu có những giống lúa tốt có thể đưa giá gạo Việt Nam đạt mức 600-1.000USD/ tấn thay vì chỉ xấp xỉ mức 400 USD/ tấn như hiện nay.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Phát biểu tại buổi làm việc với Viện Lúa ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Viện Lúa đối với quá trình phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan tham gia giải quyết các kiến nghị của Viện Lúa ĐBSCL, nhất là tìm cơ chế phù hợp để thực thi tác quyền giống lúa, tạo nguồn thu từ công tác nghiên cứu khoa học. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục tập trung nghiên cứu các giống lúa chống chịu với biến đổi khí hậu, chống chịu mặn cùng các giống lúa phẩm chất tốt, giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tham gia tích cực vào cải cách ngành lúa gạo Việt Nam. "Hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Sản phẩm lúa gạo của Việt Nam không chỉ sản xuất trong nước mà còn phải phục vụ xuất khẩu và có sự đóng góp rất lớn của vùng ĐBSCL. Do đó, phải tính toán hài hòa lợi ích cho người trồng lúa, để người nông dân ĐBSCL có thể sống được nhờ cây lúa, có thể xây nhà, mua xe, cho con ăn học nhờ cây lúa, nâng cao thu nhập nhờ cây lúa. Để làm được điều này, Viện Lúa ĐBSCL cần phát huy hơn nữa truyền thống nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết