18/01/2010 - 09:24

TRƯỜNG BỔ TÚC HOA VĂN TP CẦN THƠ

Góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa trong cộng đồng người Hoa

Trong một lớp học tiếng Hoa tại Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ. Ảnh: P.L

Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào người Hoa trong thành phố về việc dạy tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc mình và bổ túc tiếng Hoa cho người lớn, được sự chỉ đạo của Ban Khoa giáo Tỉnh ủy Cần Thơ (trước đây) và sự hỗ trợ của Ban Công tác người Hoa, năm 1982, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ được thành lập. Trải qua gần 28 năm hình thành và phát triển, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ không chỉ đáp ứng nguyện vọng dạy tiếng nói, chữ viết cho con em đồng bào người Hoa, mà còn là một trung tâm đào tạo ngoại ngữ tiếng Hoa uy tín trong vùng.

Thành phố Cần Thơ hiện có 15.665 người Hoa sinh sống, chiếm 1,45% tổng dân số toàn thành phố, tập trung đông nhất ở các phường Tân An, An Lạc (quận Ninh Kiều), quận Cái Răng và quận Ô Môn... Người Hoa có đức tính cần cù, chịu khó và giỏi về kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nên đời sống kinh tế đa phần rất ổn định. Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, đặc biệt là dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc luôn được đồng bào người Hoa quan tâm.

Cô Quách Mộc Liên, Quyền Hiệu trưởng Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ, cho biết: Từ sau ngày thống nhất đất nước, ở TP Cần Thơ, việc dạy chữ dân tộc trong trường phổ thông cho con em người Hoa tiếp tục được duy trì ở hai trường Khải Trí (nay là Trường THCS Tân An) và Thọ Nhơn (nay là Trường Tiểu học Lê Quí Đôn). Tháng 9-1982, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ chính thức hình thành, cơ sở đặt tại Trường Tiểu học Lê Quí Đôn hiện nay, với số lượng ban đầu khoảng 300 học viên và 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, có lúc số học viên của trường vượt trên 700 học viên và 20 giáo viên đứng lớp. Hiện nay, trường có hơn 400 học viên, trong đó có học viên là người dân tộc Kinh. Nhằm kiểm tra kiến thức, đánh giá năng lực của học viên, hàng năm, trường tổ chức đoàn đưa học viên đủ trình độ lên TP Hồ Chí Minh dự thi các chứng chỉ A, B, C. Riêng từ năm 1995 đến nay, để thuận tiện việc đi lại cho học viên, trường đã liên kết với các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh tổ chức thi lấy chứng chỉ ngay tại trường, kết quả thi đạt khoảng 95%-100%. Với chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, đa số các học viên của trường đều có thể sử dụng tiếng Hoa vào công việc. Hiện tại, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ đã trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà tuyển dụng, công ty có nhu cầu tuyển dụng các vị trí thư kí, phiên dịch viên tiếng Hoa ở trong và ngoài thành phố...

Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự cố gắng của mỗi học viên, có phần đóng góp công sức rất lớn của đội ngũ thầy cô giáo, hầu hết là người Hoa luôn tâm huyết, nhiệt tình với nghề. Thầy Trần Phi Long, giáo viên đang dạy tại Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ, cho biết: “Để phù hợp với đối tượng học viên chủ yếu là người Kinh, học tiếng Hoa như một ngoại ngữ, tôi luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép các kiến thức văn hóa lịch sử vào bài học để học viên dễ tiếp cận”. Để giúp học viên dễ tiếp thu bài học, các thầy cô của trường luôn chú ý đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ truyền đạt những kiến thức có trong sách vở, mà tùy theo từng đối tượng, độ tuổi của học viên, thầy cô thường xuyên liên hệ thực tế cũng như lồng ghép giới thiệu những kiến thức văn hóa, xã hội, những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa người Hoa, giúp học viên nâng cao kiến thức và làm phong phú thêm hiểu biết. Ngoài giờ lên lớp, những vấn đề học viên còn thắc mắc, chưa hiểu đều được các giáo viên giải thích, hướng dẫn cặn kẽ... Anh Trần Phỏng Diều, học viên đang theo học lớp 5 của trường, bộc bạch: “Tôi đang giảng dạy môn Hán Nôm tại một trường Cao đẳng, nhờ học thêm tiếng Hoa đã hỗ trợ tôi nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu thêm phong tục, truyền thống văn hóa của dân tộc Hoa, giúp tôi giảng dạy ngày một tốt hơn”.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội, từ khóa 48 trở đi, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ tăng cường thời lượng dạy đàm thoại ở các lớp vỡ lòng, giúp học viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nói ngày một tốt hơn. Hàng năm, trường tổ chức những buổi tập huấn chuyên môn, mời giáo viên Khoa Trung văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh về giảng dạy nhằm giúp đội ngũ giáo viên của trường có điều kiện tiếp cận những kiến thức mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả hơn. Thời gian qua, trường còn tạo điều kiện cho giáo viên sang Trung Quốc tập huấn cũng như học tiếp bậc Đại học. Thầy Cao Đức Thuận giáo viên của trường, chia sẻ: “Được cử đi học chương trình Đại học sư phạm tại Trung Quốc, tôi đã cập nhật được những kiến thức, phương pháp sư phạm mới nên khi trở về trường công tác, tôi thấy chất lượng giảng dạy của mình có nhiều tiến bộ”.

Ngoài nhiệm vụ chính là dạy và học tiếng Hoa, Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ còn thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: họp mặt đầu xuân, duy trì các lớp học hát, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát múa, kể chuyện, thi viết thư pháp, viết chữ đẹp... qua đó vừa góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hoa. Riêng đội văn nghệ của trường là lực lượng nòng cốt, thường xuyên đại diện cho đồng bào dân tộc Hoa biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, tham gia các liên hoan, giao lưu văn hóa - văn nghệ của đồng bào người dân tộc thiểu số trong khu vực và toàn quốc.

Cô Quách Mộc Liên, Quyền Hiệu trưởng Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ, phấn khởi cho biết: “Năm 2006, được sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định xây dựng trường Phổ thông Dân lập Việt- Hoa. Hiện nay, Ban Kiến thiết trường đã vận động đồng bào Hoa trong và ngoài thành phố, các Hội đoàn và nhà hảo tâm đóng góp xây dựng hoàn thành 1/3 khối lượng công trình. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên thiếu, nhưng Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên Trường Bổ túc Hoa văn TP Cần Thơ đang tiếp tục đoàn kết, phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng giảng dạy cho con em đồng bào dân tộc Hoa và những người có nhu cầu học ngoại ngữ tiếng Hoa, đồng thời tăng cường các hoạt động duy trì và phát huy văn hóa dân tộc, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

ĐOÀN PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết