17/08/2011 - 21:06

Google - Motorola: "Biển động" ở châu Á

Gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ Google vừa bỏ ra đến 12,5 tỉ USD để mua lại mảng di động của Motorola. Thương vụ này có thể tạo ra một viễn cảnh cạnh tranh gay go với các công ty châu Á, những nhà sản xuất điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android lớn nhất thế giới, như HTC, Samsung Electronics, LG Electronics và Huawei Technologies.

 

HTC của Đài Loan, từng là một nhà sản xuất thiết bị cầm tay theo hợp đồng nhỏ, trong mấy năm gần đây đã trở thành một trong những nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu thế giới nhờ tạo ra những thiết bị Android nổi tiếng như Evo và Thunderbolt. Trong quí 2, hãng đã xuất xưởng 11% số điện thoại thông minh trên toàn cầu, tăng hơn 4% so cùng kỳ năm ngoái, theo công ty nghiên cứu IDC. Samsung, LG và Sony Ericsson, cũng đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị Android. Huawei và ZTE, cả hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc vừa mới đẩy mạnh sản xuất thiết bị cầm tay, cũng chiếm được thị phần không ngừng tăng cho điện thoại thông minh giá dưới 200 USD.

Google đang nỗ lực trấn an các mối lo ngại về việc thương vụ này có thể ảnh hưởng tới những công ty kể trên, khi mà tổng giám đốc điều hành Larry Page nói trên trang blog chính thức của hãng rằng thương vụ Motorola sẽ không thay đổi cam kết là Android vẫn là một nền tảng mở và Motorola sẽ vẫn kinh doanh độc lập. Theo Larry Page, nhiều đối tác phần cứng đã đóng góp cho thành công của Android và Google sẽ tiếp tục làm việc với tất cả đối tác để cung cấp những trải nghiệm người dùng hấp dẫn.

Một nữ phát ngôn viên của HTC cho biết họ ủng hộ thương vụ này, một phát triển tích cực cho hệ sinh thái Android, và họ tin rằng sẽ mang lại lợi ích cho việc xúc tiến điện thoại Android của HTC. Samsung cũng ủng hộ Google, cho rằng bước đi này cho thấy cam kết sâu sắc của Google với hệ điều hành Android. LG Electronics cũng nói rằng hãng không lo lắng về kết cục của thương vụ này. LG sẽ tiếp tục ủng hộ hệ điều hành Android và không lo ngại về thay đổi trong môi trường Android.

Tuy nhiên, Neil Mawston, một nhà phân tích của Strategy Analytics, thì cho rằng việc mua lại Motorola của Google mang đến cả cơ hội và mối đe dọa cho các nhà sản xuất thiết bị Android khác. Thương vụ này sẽ làm cho hệ sinh thái Android ít hấp dẫn hơn một chút cho các đối tác phần cứng Android khác, như Samsung và HTC. Motorola sẽ có quyền ưu tiên tiếp cận một số cập nhật Android mới nhất. Nếu như các đối tác trở nên lung lay, sự không chắc chắn sẽ mở đường cho các nền tảng đối thủ như hệ điều hành Windows Mobile của Microsoft. Thông cáo báo chí của Google có đoạn, Motorola Mobility sẽ có được đặc quyền của Android và Android vẫn cho phép các hãng điện thoại khác sử dụng.

Samsung là một tên tuổi lớn trong thị trường Android, do đó rất có khả năng Google sẽ giữ quan hệ đối tác lâu dài gần gũi với Samsung, nhưng thương vụ này sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt hơn giữa LG và Motorola do công ty Mỹ sẽ có vị thế tốt hơn trong việc tiếp cận công nghệ phần mềm Android so với đối thủ Hàn Quốc.

Ông Mawston cũng nhận định các bằng sáng chế mà Google có được từ Motorola cũng sẽ giúp Google bảo vệ tốt hơn trước nhiều vụ kiện sở hữu trí tuệ đang leo thang từ Microsoft, Apple và các đối thủ khác, mang đến nhiều tự tin hơn cho các nhà sản xuất thiết bị Android. Bên cạnh đó, Google cũng có thể sẽ phải đối mặt với các thách thức tiềm ẩn trong việc quản lý kinh doanh ở Trung Quốc của Motorola, mà các nhà phân tích cho rằng là một trong những khu vực phát triển quan trọng của hãng. Motorola đã tiến những bước dài trong việc tăng cường hiện diện ở Trung Quốc, bao gồm sản xuất nhiều thiết bị được thiết kế riêng cho người dùng Trung Quốc, với khả năng nhập liệu chữ viết tay, hai thẻ SIM, các chip nhỏ kết nối mạng di động.

Lê Phi (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết