26/12/2014 - 09:03

Gỡ vướng để Cần Thơ xứng với vai trò trung tâm, động lực vùng ĐBSCL

Triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Quyết định số 366 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay TP Cần Thơ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại … Qua đó, nhiều lĩnh vực, ngành của thành phố đang từng bước trở thành vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, mức đầu tư từ Trung ương cho thành phố chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Kết quả bước đầu...

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị (NQ 45) đã xác định mục tiêu TP Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước. Cần Thơ phải là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn vùng.

Ngày 20-3-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 366/QĐ-TTg (QĐ 366) ban hành Kế hoạch triển khai tiếp NQ 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2009-2015. Sau gần 6 năm thực hiện QĐ 366, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn được thành phố triển khai thực hiện khá đầy đủ. Bước đầu đạt nhiều kết quả như: trở thành đô thị loại I trước năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, bình quân đạt 13,07% và hằng năm thành phố đóng góp khoảng 12-12,5% GDP của toàn vùng. Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, thu nhập dân cư ngày càng tăng. Huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể. Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn thấp; xuất khẩu tăng về giá trị, nhưng chưa ổn định; việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch còn chậm. Môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài hạn chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng và các mục tiêu phát triển xã hội của thành phố...

Cầu Cần Thơ hoàn thành đang góp phần kết nối vùng ĐBSCL.

Theo QĐ 366, tổng số có 66 công trình, dự án ưu tiên đầu tư; trong đó 20 danh mục công trình do Trung ương quản lý và 46 danh mục công trình do thành phố quản lý. Đối với 20 danh mục các công trình, dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn (tương ứng 21 công trình), Trung ương chuyển lại cho thành phố làm chủ đầu tư 4 công trình, thành phố bàn giao lại cho Trung ương 2 công trình. Trên cơ sở đó, Trung ương quản lý 19 công trình, tương ứng mức đầu tư 79.820 tỉ đồng, đã có 2 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng là: nâng cấp mở rộng Sân bay Quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 1) và nâng cấp mở rộng Cụm Cảng Cần Thơ; còn 12 công trình đang trong quá trình đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư và 5 công trình chưa thực hiện. Đối với 47 danh mục công trình do thành phố quản lý (tương ứng 105 công trình), tổng mức đầu tư 50.470 tỉ đồng, vốn đã bố trí 10.737 tỉ đồng, giảm quy mô 1.720 tỉ đồng, nhu cầu vốn còn lại 38.013 tỉ đồng. Đến nay, đã có 57 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tổng mức đầu tư 6.963 tỉ đồng như: đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc, tuyến Bốn Tổng-Một Ngàn, đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn Cái Sơn - Hàng Bàng đến Mỹ Khánh - đường tỉnh 923), Bờ kè Xóm Chài… Còn 29 công trình đang triển khai, tổng mức đầu tư 15.836 tỉ đồng như: Kè sông Cần Thơ, Bệnh viện Nhi Đồng. 19 công trình chưa khởi công, tổng mức đầu tư dự kiến 27.671 tỉ đồng.

Gỡ vướng cho thành phố

Tại hội nghị sơ kết QĐ 366, thành phố kiến nghị Chính phủ: Chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND thành phố rà soát các kết quả thực hiện QĐ 366; đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai tiếp NQ 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn 2016 – 2020 để thay thế QĐ 366 (vì QĐ366 thời gian thực hiện chỉ đến năm 2015). Cho thành phố chủ trương điều chỉnh Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg ngày 16-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, tài chính ngân sách ưu đãi theo hướng ưu đãi hơn cho TP Cần Thơ. Cho thành phố điều chỉnh danh mục đầu tư đính kèm theo QĐ 366 dự kiến gồm 29 danh mục công trình do Trung ương quản lý và 115 danh mục công trình thuộc thành phố quản lý đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng Cần Thơ rà soát danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, xác định thời gian khởi công - hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định... Ngoài ra, TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm bố trí nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 cho các công trình trọng điểm cấp vùng theo Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát danh mục các dự án ODA, ưu tiên dành nguồn vốn ODA để thực hiện danh mục các dự án cấp vùng. Các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thực hiện để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2015-2020...

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ Lư Thành Đồng cho biết: Trên cơ sở QĐ 366, Trung ương đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng, có tính chất kết nối liên vùng ĐBSCL. Đến nay, cơ bản đã đổi mới cả đường bộ, đường thủy và hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Hướng tới, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại và bền vững; một số dự án chưa được đầu tư theo kế hoạch, quy hoạch cần ưu tiên thực hiện. Nhất là đối với các công trình danh mục đầu tư 2015-2020 như: tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – TP Cần Thơ, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp quốc lộ 91 (đoạn km 0-km 7), đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (giai đoạn II), quốc lộ 1 -Vòng Cung - quốc lộ 80, tuyến nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu, xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng: Khoảng 10 năm trở lại đây, TP Cần Thơ đổi mới rất nhiều, từ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật cho đến giáo dục, y tế, cho thấy QĐ 366 từng bước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho thành phố phát triển tốt trong những năm qua và thời gian tới. Để hỗ trợ TP Cần Thơ trở thành đầu mối giao thông vùng ĐBSCL, những năm qua Bộ đã ưu tiên đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng ĐBSCL, đồng thời kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều công trình đã hoàn thành như: cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Cần Thơ, nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn Cần Thơ – Mỹ Thuận), đường Nam Sông Hậu, đường Cần Thơ-Vị Thanh giai đoạn 1, Sân bay Quốc tế Cần Thơ. Đang triển khai các công trình như: nâng cấp quốc lộ 91, quốc lộ 61 (đoạn Vị Thanh – Rạch Giá), cầu Vàm Cống, Bộ cũng khởi động trở lại nạo vét kênh Quan Chánh Bố cho tàu lớn vào sông Hậu, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến tháng 1-2015 khởi động lại, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dự kiến khởi động trong tháng 6-2015… Trong 7 nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ GTVT theo QĐ 366, đến nay Bộ đã hoàn thành một số việc, còn một số việc đang triển khai hoàn thành trong 2-3 năm nữa…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, hướng tới, Cần Thơ cần thảo luận và phân tích sâu các điểm nghẽn của thành phố, nhất là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông. Đây cũng là trở ngại lớn trong thu hút đầu tư của thành phố. Thành phố cần có giải pháp đẩy mạnh huy động vốn xã hội để thực hiện các dự án trọng điểm, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn Trung ương rất khó. Huy động vốn cho hạ tầng giao thông hiện chưa có nguồn, Chính phủ nên xem xét cho chủ trương bổ sung vốn đầu tư cho thành phố bằng cơ chế tăng dư nợ (để lại khoản thu trong ngân sách hoặc phát hành trái phiếu…) cho các dự án mang tính chất vùng…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị và gần 6 năm thực hiện QĐ 366 của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện các mục tiêu định hướng lớn một cách đầy đủ, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao. TP Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm về kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL như Nghị quyết 45 đã xác định. Thời gian tới, TP Cần Thơ quan tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chọn theo hướng thương mại-dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao trong vòng 5 năm tới. Tiếp tục rà soát lại quy hoạch chung, phê quyệt quy hoạch chuyên ngành. Quản lý quy hoạch cho tốt trên từng lĩnh vực. Các bộ, ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục đánh giá trách nhiệm của mình trong thực hiện QĐ 366 để thực hiện tốt hơn; đồng thời tiếp thu kiến nghị của Cần Thơ, đề xuất cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực đầu tư hạ tầng, rà soát danh mục đầu tư theo QĐ 366 để thực hiện theo thứ tự ưu tiên và có giải pháp triển khai hiệu quả.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết