(CTO) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 0,38% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Những thách thức
Theo Tổng cục Thống kê, số người có việc làm quý II-2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Lao động phi chính thức chiếm hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong 6 tháng là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo có tăng lên nhưng vẫn còn hơn 70% lực lượng lao động chưa có bằng, chứng chỉ, điều này là thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt.

Nguồn: Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê
Trong xu thế phát triển, các doanh nghiệp đều mong muốn tuyển dụng lao động có tay nghề, có thể sử dụng ngay mà không cần phải đào tạo lại. Thực tế này cho thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng, mà còn tạo ra cơ hội mở rộng thị trường lao động trong xu hướng hội nhập kinh tế.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt hơn 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,38%). Trong đó, lao động khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687.900 người và lao động khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492.200 người so với cùng kỳ năm 2023.

Số người có việc làm quý II-2024 tăng là tín hiệu tốt, nhưng vẫn còn thách thức. Ảnh: T.H
Trong quý II, lao động có việc làm khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 40,3% (khoảng 20,7 triệu người); khu vực công nghiệp và xây dựng 17 triệu người; khu vực nông nghiệp 13,7 triệu người. Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2023, quy mô và tỷ trọng lao động khu vực dịch vu đều tăng, lao động khu vực nông nghiệp giảm, riêng khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng nhẹ (tăng 28.400 người).
Mặc dù số lao động có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số liệu thống kê cho thấy, số tăng chủ yếu ở khu vực phi chính thức, còn lao động chính thức giảm. Trong tổng số lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm nay, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023). Điều này cũng phản ánh, thị trường lao động phục hồi và khởi sắc nhưng chưa bền vững, do lao động khu vực phi chính thức còn ở mức khá cao.
Thách thức khác là thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II năm nay giảm so với quý trước, nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình thất nghiệp trong thanh niên 15-24 tuổi ở mức cao và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức và chịu tác động từ bên ngoài, yếu tố cầu trong nước chưa phục hồi vững chắc, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa chuyển biến rõ nét… là những thách thức lớn đặt ra cho việc cân bằng cung - cầu lao động.
Nỗi lo khi thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao
Theo báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024” của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức về thị trường lao động và công bằng xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này ở mức 4,2% trong 2 năm (2024-2025), tương đương với khoảng 87,8 triệu người thất nghiệp năm 2024, nhưng vẫn dưới mức năm 2019 và có sự khác biệt ở các quốc gia.
Dự báo của ILO cho biết, năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Đông Á và Đông Nam Á duy trì mức cao hơn trước đại dịch COVID-19 (tương ứng là 10,2% và 8,8% của năm 2019; năm 2024 là 14,3% và 9,8%). Tại Việt Nam, quý II-2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (tuổi từ 15 đến 24) ở mức 8,01% cao hơn mức cùng kỳ trước đại dịch COVID-19 (quý II-2019 là 6,5%); tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý đầu năm 2024 và cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.

Nguồn: Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê
Theo Tổng cục Thống kê, quý II-2024 cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,2% tổng số thanh niên. Số thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp cả nước là 2,27%, tương ứng khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tăng 4.800 người so cùng kỳ năm 2023.
Các dự báo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp của độ tuổi thanh niên đã tăng đáng kể từ năm 2000 đến 2023. Bên cạnh đó, lao động không sử dụng hết tiềm năng cũng duy trì mức cao (6 tháng năm 2024 tỷ lệ này là 4,3%), đa phần là độ tuổi trẻ (chiếm đến 49%), phản ánh vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II-2024 tăng so với cùng kỳ năm trước 7.300 người (thiếu việc làm quý II là 948.000 người); tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,06%, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng xu hướng thiếu việc làm đang tăng lên, điều này cũng phản ánh sự lệch cung về lao động.

Nguồn: Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở mức cao, cơ hội việc làm cũng giảm theo. Thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng năm 2024 cũng chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023; với mức bình quân là 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế toàn cầu ảm đạm và phục hồi không rõ nét, không đồng đều giữa các nền kinh tế đã để lại nhiều bất ổn cho tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 đã khởi sắc hơn so với năm 2023, đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt lên, nhưng xu hướng này vẫn chưa rõ nét. Vì vậy, gỡ khó cho thị trường lao động cần rất nhiều giải pháp, ngoài giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho lao động đã được Chính phủ ban hành.
SONG NGUYÊN