04/01/2017 - 21:52

Gỡ khó cho mô hình cánh đồng lớn

Mô hình "Cánh đồng lớn" được xem là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung. Tại Tiền Giang, những năm qua mô hình này đã được chính quyền và nhân dân triển khai thực hiện, từng bước phát huy hiệu quả. Song, thời gian gần đây theo phản ánh của nhiều người dân tham gia cánh đồng lớn, mô hình này còn không ít khó khăn và bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục.

Hiệu quả bước đầu

Cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ, thời gian qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện mô hình "Cánh đồng lớn" (trước đây gọi Cánh đồng mẫu lớn) với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

 

Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè.

Theo Ban Điều hành Cánh đồng lớn (CĐL) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát trong triển khai thực hiện CĐL và có nhiều chính sách hỗ trợ triển khai mô hình này. Cụ thể, ngày 11-12-2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 129/2015/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ phát triển Cánh đồng lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và UBND tỉnh đã có Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngàỵ 24-5-2016 Ban hành quy định mức hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; thành lập Ban Điều hành xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 01-12-2014 về thực hiện Cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc thực hiện CĐL qua việc tuyên truyền, vận động nông dân hình thành tổ chức đại diện nông dân tham gia liên kết; theo dõi nắm tình hình và kịp thời can thiệp giúp nông dân và doanh nghiệp (DN) có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Nông dân đã nhận thức được việc sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của DN và theo định hướng thị trường, nhu cầu tiêu thụ; bước đầu chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao để phù hợp với thị trường của DN.

Vượt qua khó khăn bước đầu đến nay mô hình CĐL đã đạt được những kết quả nhất định. Từ đầu năm đến nay đã xây dựng được 23 CĐL với tổng diện tích 4.719,9ha so với Kế hoạch là 7.559 ha tại 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh, có 5.320 hộ tham gia. Trong đó, Công ty Lương thực Tiền Giang ký kết là 3.408,5ha (đạt 85,2% diện tích trong Phương án được duyệt) mua là 1.992,7ha đạt 58,5% diện tích lúa ký kết; Công ty TNHH Việt Hưng ký kết là 1.218ha (đạt 70,32% diện tích trong Phương án được duyệt) mua 857ha, Công ty Tân Thành ký kết 94,4ha mua đạt 100% diện tích lúa đã ký. Diện tích mua lúa đạt 2.944,1ha, đạt 62,3% so với diện tích ký hợp đồng, với sản lượng đạt 20.117,3 tấn, năng suất bình quân đạt từ 6 - 7 tấn/ha (chiếm 2,18% so với diện tích gieo trồng của tỉnh. Trong đó có 20 CĐL tập trung tại các huyện phía Tây, diện tích bình quân của CĐL là 139 ha, CĐL tại xã Hậu Mỹ Trinh huyện Cái Bè với diện tích 500 ha).

Bộc lộ bất cập

Theo đánh giá của Ban Điều hành CĐL tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, thì mô hình này còn những hạn chế nhất định như: Diện tích CĐL chủ yếu trên cây lúa, còn rất thấp so với diện tích gieo trồng của tỉnh (2,18%), hằng năm tuy có tăng nhưng không nhiều; diện tích thực hiện không đồng đều giữa các vụ (tập trung vào vụ Đông Xuân chiếm trên 66% diện tích CĐL cả năm), số doanh nghiệp tham gia xây dựng phương án CĐL còn rất ít, chỉ có 2/6 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo lập Phương án với diện tích thực hiện trong năm là 5.500 ha đạt 72,8% diện tích so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ thực hiện thành công theo hợp đồng còn thấp (đạt 63,6%).

Thật vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây nhiều người dân tham gia CĐL tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, bức xúc do UBND xã ký hợp đồng với DN tiêu thụ sản phẩm, nhưng đến mùa giá lúa xuống thấp DN không thu mua lúa, làm ảnh hưởng đến nông dân.

Trả lời về việc liên kết giữa DN và nông dân còn khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho biết: năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát trong triển khai thực hiện CĐL và có nhiều động thái hỗ trợ triển khai mô hình này bằng việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CĐL trên địa bàn tỉnh. Kết quả sau hơn 05 năm triển khai đã có 14 DN ký hợp đồng 47 cánh đồng với 16.416ha (chiếm 6,9% diện tích gieo trồng lúa), nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn 3 DN và 1 hợp tác xã duy trì; tỷ lệ thực hiện hợp đồng thành công chỉ đạt khoảng 59% diện tích ký kết, khó khăn nhất là sự liên kết giữa DN và nông dân bởi phía người nông dân vẫn còn một bộ phận lớn chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia và sản xuất trong CĐL, còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và khi tham gia sẽ được mua lúa với giá cao. Ngoài ra, khi giá thị trường biến động, vội vàng bán cho thương lái, mà không thương thảo, đàm phán lại với DN, chưa tin tưởng DN, cũng chưa coi trọng tính chất hợp đồng trong thực hiện CĐL. Còn phía DN thì điều chỉnh giá không theo kịp thị trường, cơ chế xác định giá theo thị trường còn phức tạp nên hợp đồng bị phá vỡ. Ngoài ra, năng lực DN còn hạn chế nên trong quá trình tổ chức sản xuất gặp khó khăn trong khâu thu hoạch và vận chuyển sản phẩm còn bị động; Chi phí đầu tư cao nhưng lợi nhuận chưa tương xứng nên không mặn mà tham gia. Các tổ chức đại diện nông dân (Tổ hợp tác/Hợp tác xã) chưa phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân và DN; một số cơ chế chính sách đã ban hành nhưng chưa đồng bộ...

Để giải quyết các vấn đề trên, trong thời gian tới UBND tỉnh đề ra một số giải pháp cụ thể: Đối với nông dân: tiếp tục tuyên truyền, vận động xây dựng CĐL theo cả chiều rộng và chiều sâu với nhiều hình thức để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia xây dựng CĐL. Đối với DN: Chọn DN đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết xây dựng Phương án CĐL; thiết lập và duy trì được tiếng nói chung giữa DN và nông dân, trong đó cốt lõi là luôn luôn tìm cách chia sẻ lợi ích cùng nông dân. Các DN thực hiện Phương án phải xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, trong đó hợp đồng ký kết với nông dân mang tính lâu dài, bền vững ít nhất là 2 vụ trong năm liên tục theo phương án được duyệt. Khi có tranh chấp xảy ra, DN phải đối thoại, trả lời và giải quyết các vấn đề nông dân đặt ra theo cách đôi bên cùng có lợi.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm của mình và xác định xây dựng CĐL trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giúp nông dân an tâm sản xuất bền vững. Phối hợp, lồng ghép, thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng CĐL. Cụ thể sẽ triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT tại các vùng lúa trọng điểm của tỉnh. Về cơ chế chính sách: UBND tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Khoản 3, Điều 13 của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng bắt buộc các DN xuất khẩu gạo phải xây dựng phương án CĐL...- ông Cao Văn Hóa cho biết thêm.

Bài, ảnh: Trí Dũng

Chia sẻ bài viết