01/10/2021 - 08:27

Gỡ khó cho chuỗi ngành hàng cá tra 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong khi, giá cá tra giảm xuống ở mức thấp, khó tiêu thụ, nhưng giá thức ăn chăn nuôi, cùng nhiều chi phí đầu vào tăng cao đã làm cho người nuôi cá tra thua lỗ nặng, phải thu hẹp hoạt động sản xuất cá giống và cá nuôi thương phẩm. Ðiều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn giống và thiếu cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu trong thời gian tới...

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Giảm diện tích thả nuôi mới

Từ tháng 7 đến nay, ngành hàng cá tra đã đối mặt với nhiều khó khăn khi các tỉnh, thành vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra giảm công suất chế biến và giảm xuất khẩu hàng do gặp khó về nguồn lao động và các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính để thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” nên đã giảm thu mua cá nguyên liệu. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu vốn bị giảm thấp kéo dài từ năm 2019, nay càng giảm thêm và khó tiêu thụ, cá tới lứa thu hoạch tồn đọng phải chờ doanh nghiệp thu mua. Người nuôi cá tra tốn thêm chi phí thức ăn và chăm sóc cá, càng bị thua lỗ nặng và không thể tái sản xuất ngay, cũng không dám mở rộng diện tích nuôi vào lúc này. Giá cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương hiện ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, giảm thêm ít nhất 500 đồng/kg so với hồi tháng 6-2021. Còn giá cá tra giống loại 30 con/kg ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn trước đây ít nhất 1.000-1.500 đồng/kg.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chế biến xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội. Doanh nghiệp đã phải tạm đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động do không đáp ứng các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, phát hiện ca F0, thiếu lao động, thiếu nguyên liệu, phụ liệu... Thời gian qua, có 69/119 cơ sở, nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại 8 tỉnh, thành có nuôi cá tra xuất khẩu ở vùng ÐBSCL phải ngừng hoạt động. Xuất khẩu cá tra tháng 8-2021 giảm 30,66% so với tháng 7 và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết, diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 7 và tháng 8, sản lượng cá tra thu hoạch giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với cùng kỳ 2020. Ðặc biệt nửa đầu tháng 9-2021, sản lượng cá tra thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi cá tra mới tính đến ngày 15-9-2021 đạt 3.516ha, bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020. Lượng con giống cá tra sản xuất trong tháng 7 và 8 vừa qua đã giảm khoảng 15% so với trước đây.

Gỡ khó cho khâu chế biến

Cá tra nuôi tại vùng ÐBSCL chủ yếu phục vụ chế biến, xuất khẩu là đầu ra và động lực để thúc đẩy sản xuất toàn chuỗi giá trị cá tra. Ngành chức năng cần quan tâm tháo gỡ kịp thời khó khăn giúp doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất kinh doanh kịp thời đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu trong dân với mức giá đảm bảo cho người nuôi có lời, mới khuyến thích người dân mở rộng diện tích nuôi. Theo ông Trần Ðình Luân, việc các nhà máy giảm công suất chế biến xuất khẩu đã dẫn đến dư thừa cá nguyên liệu, cả chuỗi cá tra bị ảnh hưởng. Do vậy, cần hỗ trợ để các nhà máy chế biến sớm hoạt động trở lại với công  suất tối đa. Song song đó, cần kiểm soát chặt chẽ giá cả và chất lượng vật tư đầu vào sản xuất. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn về nhân lực và vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ cá, cung ứng vật tư… giữa các địa phương.

Thiếu hụt nhân lực và thiếu tài chính, đặc biệt tâm lý người lao động còn sợ bị bệnh do chưa tiêm vaccine và doanh nghiệp sợ bị truy cứu trách nhiệm khi để xảy ra các ca bệnh… đang là trở ngại lớn. Dịch bệnh tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL dần được kiểm soát tốt, các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội. Song, việc di chuyển của lực lượng lao động và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp vẫn còn gặp trở ngại và doanh nghiệp khó duy trì, mở rộng mô hình “3 tại chỗ” vì chi phí quá cao, không đảm bảo hiệu quả lâu dài. Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Phương án “3 tại chỗ” chỉ là tạm thời trong tình hình dịch bệnh, khó có thể duy trì được lâu dài do các khó khăn về ăn ở và tâm lý của công nhân bất ổn, cũng như chỉ cần chủ quan một chút thì có thể xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh cho doanh nghiệp trong tình hình mới nhằm duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả và an toàn.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vĩnh Hoàn, kiến nghị ngành chức năng cần ưu tiên tiêm vaccine, cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá tra liên tỉnh, đơn giản hóa và thống nhất thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Bởi doanh nghiệp muốn đưa con cá về nhà máy chế biến thì phải qua nhiều bước và cần có lực lượng lao động có tay nghề, nếu có sự quản lý khác nhau (giữa các chốt) rất khó cho người lao động, làm chậm tiến độ và ách tắc khâu sản xuất của doanh nghiệp. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bên cạnh ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng cá tra, các bộ ngành Trung ương cần khẩn trương đưa vào cuộc sống chính sách hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, giãn nợ và nâng tỷ lệ giảm tiền điện từ 10% lên 20-30% để giúp doanh nghiệp và người nuôi cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Có giải pháp kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra ở cả trong và ngoài nước để kịp thời giải quyết hết lượng cá tra tồn đọng.

Để khôi phục phát triển chuỗi ngành hàng cá tra, chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng Bộ quy tắc chung về phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy chế biến cá tra và cách xử lý khi có sự cố xảy ra. Xem xét cho doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, chứ không nên áp mô hình “3 tại chỗ” cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh, giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới. Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm đổi mới, không đầu tư các nhà máy chế biến tập trung tại một nơi như trước đây mà chia ra nhiều nơi, linh hoạt tổ chức các kíp công nhân và nhiều dây chuyền sản xuất...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết