29/12/2020 - 09:06

Giúp dân nâng cao mức sống 

“Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Mặt trận, gia đình tôi được cất tặng nhà, hỗ trợ vay vốn chăn nuôi, có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”. Đó là lời bộc bạch chân tình của bà Nguyễn Thị Rếch, khu vực Tân An, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, một trong những hộ nghèo được giúp đỡ nhiều mặt, vươn lên ổn định cuộc sống.

Cán bộ Ban CTMT khu vực Tân An thăm mô hình làm lú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ Ban CTMT khu vực Tân An thăm mô hình làm lú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Rếch là mẹ đơn thân, chủ yếu đi làm thuê nuôi 2 con, trước đây cuộc sống khá vất vả. Căn nhà cũ của bà sắp sập mà không có khả năng xây sửa lại. Năm 2018, bà được khu vực xét cất tặng nhà Đại đoàn kết. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi heo sinh sản. Con gái lớn của bà cũng được vay vốn để học đại học. Bà Rếch nói: “Hiện nay, con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Con gái út đang học lớp 12. Công việc chăn nuôi của tôi cũng thuận lợi. Lứa heo gần đây, heo nái sinh được 12 heo con, xuất chuồng bán 2,8 triệu đồng/con. Tôi sẽ cố gắng dành dụm để lo cho con gái út học hành đến nơi đến chốn”.

Theo ông Đào Anh Bằng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận (CTMT) khu vực, năm 2016, khu vực còn 22 hộ nghèo. Do đó, một trong những công tác trọng tâm của Ban CTMT khu vực là vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ông Đào Anh Bằng cho biết: “Mỗi năm, khu vực vận động hỗ trợ cất và sửa 3-5 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết. Các đoàn thể bảo lãnh đoàn viên, hội viên vay vốn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia... Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2020, khu vực chỉ còn 5 hộ nghèo”. Trước kia, gia đình bà Lê Thị Kim Tươi, thuộc diện hộ nghèo, do không đất sản xuất. Căn nhà cũ dột nát, nền nhà thấp, bị ngập mỗi khi trời mưa. Bà được khu vực vận động hỗ trợ cất căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 40 triệu đồng. Ba năm nay, bà được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi bò thịt và làm thêm nghề đan lú. Hiện giờ, gia đình bà được xét thoát nghèo.

Cùng chúng tôi đến cơ sở gia công làm lú của vợ chồng chị Đồng Thị Sò và anh Điện Văn Đức, ông Đào Anh Bằng phấn khởi khoe: “Ở khu vực này, nhiều lao động nhàn rỗi, có thu nhập ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng, nhờ nhận hàng gia công làm lú từ cơ sở của vợ chồng chị Sò, anh Đức”. Theo chị Đồng Thị Sò, cơ sở chị mở được khoảng 4 năm nay. Chị nhận vật liệu, giao cho bà con trong xóm thực hiện các công đoạn. Hiện nay, có khoảng 60 lao động đang được giải quyết việc làm từ cơ sở của chị. Cứ mỗi cái lú thành phẩm, nhân công được trả 50.000 đồng. Trung bình mỗi người làm 2-3 cái/ngày. Chị Sò tâm sự, gia đình chị đông con, nhà có 3 công ruộng, làm lúa chỉ đủ gạo ăn chứ không có dư. Từ khi tham gia làm lú và mở cơ sở gia công, kinh tế gia đình khấm khá và còn giải quyết việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Xuân, ngụ cùng khu vực, kể: “Chồng tôi làm hồ. Tôi ở nhà chăm con nhỏ và đan lú, mỗi ngày tôi làm ít nhất 2 cái lú, được trả tiền công 100.000 đồng, làm ngày nào, giao và nhận tiền công ngày đó”.

Ông Nguyễn Thanh Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thuận Hưng, nhận xét: “Ban CTMT khu vực Tân An đã huy động được sức mạnh của nhân dân trong đóng góp nâng cấp cơ sở hạ tầng, chăm lo hộ nghèo. Kết quả đó là nhờ tập thể Ban CTMT đoàn kết, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. 

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết