12/09/2010 - 21:09

Giúp các em hoàn cảnh khó khăn vững bước vào đời

Các em có hoàn cảnh khó khăn ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng đặt câu hỏi giao lưu với chủ cơ sở tại buổi tư vấn học nghề.

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, các em phải nghỉ học sớm đi làm để có tiền phụ giúp gia đình. Được học nghề căn cơ, bền vững, các em sẽ có việc làm ổn định, có điều kiện hội nhập xã hội và phát triển bản thân, tránh được nguy cơ rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, việc hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đang gặp không ít vấn đề nan giải…

Tại 2 buổi tư vấn, hỗ trợ học nghề cho các em có độ tuổi từ 12-19, là con gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, hầu hết các em đều mong muốn được học nghề và có việc làm ổn định với nghề mình học. Các em không những được giới thiệu về nhiều nghề mà còn được tư vấn, gặp gỡ và giao lưu với chủ cơ sở dạy nghề để biết thêm thông tin về nghề mình muốn học. Tuy nhiên, sau 2 buổi tư vấn với sự tham gia của 60 em thì chỉ có 2 em đăng ký học nghề.

Điểm chung là các em đều đã nghỉ học sớm và mong muốn được học một nghề theo sở thích, năng khiếu của mình. Các em băn khoăn, nếu đi học nghề thì phải bỏ dở công việc đang làm, trong khi tiền có được từ việc làm hiện tại của các em là một phần thu nhập của gia đình. Em Thanh Thảo 15 tuổi, ở khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, nói: “Em thích nghề nấu ăn và em mơ ước sau này em sẽ là một đầu bếp. Hiện tại em đang phụ chạy bàn cho quán cơm, một tháng em được trả công 1 triệu đồng. Nếu em không làm nữa mà đi học nghề thì em không có tiền chi tiêu và phụ cha mẹ nuôi 2 đứa em”. Còn Tuấn, 17 tuổi, ở khu vực 1, phường Hưng Phú, cho biết: “Học hết lớp 9, em theo cha làm phụ hồ. Một ngày em kiếm được 70.000-80.000 đồng từ công việc phụ hồ. Em thích được làm nghề sửa điện thoại để sau này có việc làm ổn định, nhưng em không thể nghỉ công việc phụ hồ. Thêm nữa là nếu em đi học nghề thì cuộc sống gia đình sẽ càng khó khăn, vì cả nhà em chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập làm phụ hồ của cha và em”. Mặt khác, tâm lý không muốn gia đình xem bản thân là người ăn bám nên các em quan tâm đến việc kiếm tiền trước mắt hơn là chú tâm đến chuyện học nghề để sau này có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh vì cuộc sống chật vật, họ không quan tâm đến việc cho con em học nghề, họ lại mong các em sớm đi làm có tiền chi tiêu cho bản thân các em và phụ tiếp gia đình.

Một thực trạng là hầu hết các em sau khi nghỉ học thì sẽ làm nhiều nghề miễn sao có tiền như bán vé số, bán dạo, chạy bàn quán cà phê, phụ hồ... Lao động trong những môi trường này, các em có nguy cơ cao bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, bị mua bán, dụ dỗ sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Mặt khác, tuy những công việc thu nhập không cao, nhưng nó đáp ứng tức thời nhu cầu hiện tại trong cuộc sống của các em nên các em nên các em không còn sự lực chọn.

Làm sao giúp các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được học nghề và có việc làm ổn định, đó là mong muốn của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị. Thời gian qua, bên cạnh công tác chăm lo, đào tạo nghề miễn phí cho thanh thiếu niên gia đình nghèo, hộ cận nghèo, nhiều tổ chức phi chính phủ đã có những dự án, chương trình hội nhập xã hội nghề nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó, trẻ em có nguy cơ đường phố ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn. Ông Đỗ Văn Sanh, Phó trưởng khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, trăn trở: “Yếu tố gia đình có tính chất quyết định đến việc học nghề của các em. Có không ít trường hợp khi chúng tôi đến vận động các em tham gia lớp đào tạo nghề mở tại địa phương, các em đồng ý học, nhưng cha mẹ lại không muốn các em đi học mà chỉ muốn các em đi làm. Có trường hợp cha thì say xỉn, còn mẹ thì cờ bạc, không quan tâm đến cuộc sống, tương lai con em nên các em phải tự lo cuộc sống của mình. Vì vậy, các em phải đi làm để có tiền, bất kể là công việc gì, có phù hợp với khả năng các em hay không”.

Nếu được học nghề, các em có nhiều cơ hội ổn định cuộc sống trong tương lai. Lê Trung Hiển, ở quận Ninh Kiều, là một trong rất nhiều trường hợp được hỗ trợ học nghề từ Chương trình hội nhập xã hội nghề nghiệp của Dự án Bình Minh. Mẹ mất sớm, Hiển và em gái về sống với ông bà nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hiển học tới lớp 9 thì nghỉ học. Sau khi được dự án hỗ trợ học nghề sửa xe gắn máy, Hiển đã dần có cuộc sống ổn định, có thể tự lập nghiệp và hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Hiện tại, Hiển đã ra nghề và đang cùng vài người bạn mở tiệm sửa xe gắn máy trên đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều. Hiển cho biết: “Khi được các anh, chị giáo dục viên vận động đi học nghề, em đắn đo lắm. Nếu đi học nghề thì em không đi làm hồ được. Điều đó cũng có nghĩa là em không có tiền chi tiêu cho ăn uống, các sinh hoạt khác của bản thân. Lúc đó, mỗi ngày em thu nhập từ 80.000-90.000 đồng từ công việc phụ hồ. Cuối cùng, em quyết định đi học nghề, vì nếu sau này em lớn tuổi mà không có nghề nghiệp gì thì cũng không có sức khỏe để tiếp tục làm phụ hồ. Nghĩ đến cuộc sống tương lai, em quyết định nghỉ làm phụ hồ để đi học nghề”. Có được nguồn hỗ trợ chi phí học nghề, Hiển vừa học nghề vừa phụ chủ cơ sở dạy nghề làm thêm. Vừa học vừa làm, mỗi tháng Hiển được chủ trả một khoản tiền nho nhỏ đủ để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Hiển cho biết, em đang cố gắng dành dụm vốn để mở tiệm sửa xe riêng.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có những mô hình đào tạo nghề miễn phí và giới thiệu việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ đường phố như Dự án Koto (Dự án đào tạo nghề miễn phí cho trẻ em đường phố). Trong quá trình học nghề, các em được hỗ trợ chi phí ăn, ở nhằm giúp các em yên tâm theo học nghề. Những mô hình này đều rất thành công. Các em có việc làm ổn định ngay sau khi ra nghề, có cơ hội phát triển khả năng, năng khiếu của bản thân.

Làm sao để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được học nghề và quyết định học nghề, đòi hỏi có sự tác động không nhỏ của các đơn vị, ban ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng. Giúp các em hoàn cảnh khó khăn có nghề nghiệp, việc làm ổn định, sẽ góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, hạn chế tệ nạn xã hội.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết