28/08/2008 - 21:13

Giun chỉ - bệnh nguy hiểm cần đề phòng

Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Văn Cương
(Khoa Bộ môn Ngoại - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)

Thời gian gần đây, tại khoa Ngoại - Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phát hiện và phẫu thuật điều trị thành công 2 trường hợp “bìu voi” do giun chỉ gây ra. Đặc biệt, có trường hợp người bệnh phải mang “bìu voi” nặng đến 25 kg trong nhiều năm qua, đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Qua những trường hợp phát hiện trên cho thấy mọi người cần phải hiểu rõ và đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Hiện trên thế giới có tới 120 triệu người tại 80 quốc gia mắc bệnh giun chỉ bạch huyết. Bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở các nước nhiệt đới, không có ở các nước phương Tây. Tại Việt Nam số người bị nhiễm giun chỉ khoảng gần 700.000 người tập trung chủ yếu vùng Đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh Tây Nguyên, miền Trung (theo Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) công bố tháng 6-2006). Một nghiên cứu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng đã xét nghiệm ngẫu nhiên hơn 90 nghìn người ở 15 tỉnh và phát hiện hơn 5.400 người mang ấu trùng giun chỉ (6%).

Có nhiều loại giun chỉ ký sinh và gây bệnh cho người như: Wuchereria bancrofti, Brugia malagi hoặc Brugia timori... nhưng ở Việt Nam chủ yếu có hai loại Wuchereria bancrofti, Brugia malagi gây bệnh giun chỉ (filarial worms). Giun chỉ thường sống ký sinh trong hạch bạch huyết và cuộn lại với nhau như chỉ rối, ấu trùng giun chỉ thường lưu thông trong tuần hoàn máu. Sau khi giao hợp với giun chỉ đực, giun chỉ cái đẻ ra ấu trùng. Các ấu trùng này từ hệ thống bạch huyết di chuyển vào máu và thường vào ban đêm xuất hiện nhiều ở máu ngoại vi (từ 20 giờ đến 3 giờ sáng).

Giun chỉ trưởng thành có tuổi thọ cao, có thể sống tới hàng chục năm và có kích thước khá dài, con đực dài 25- 40mm, ngang 0,1mm và con cái dài hơn 60 -100mm, chiều ngang khoảng 0,2mm. Do chúng sống trong các hạch bạch huyết nên gây tổn thương, viêm tắc hệ bạch huyết và tổ chức, để lại những di chứng hết sức nặng nề như: phù chân voi, đái dưỡng chấp, bìu voi, da phù nề, phồng rộp...

Nguyên nhân bệnh lây truyền từ người này qua người khác là do muỗi đốt. Các loại muỗi hay gặp như: Culex, Anophenes, Aedes, Mansonia... sau khi đốt, hút máu người mắc bệnh giun chỉ, chúng lại mang ấu trùng giun truyền cho người khác. Ấu trùng giun chỉ vào máu đến hệ bạch huyết phát triển thành giun chỉ trưởng thành. Những người dân sống tại các khu vực có dịch có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Khi bị bệnh nhiễm giun chỉ, đa số không có biểu hiện bệnh lý gì ra ngoài nhưng hầu như bị tổn thương ở hệ bạch huyết và tới 40% có tổn thương ở thận, với sự xuất hiện của hồng cầu và protein trong nước tiểu. Khoảng 4% bệnh nhân nhiễm giun chỉ có biểu hiện chân voi, do tắc nghẽn mạch bạch huyết khiến gây ứ đọng dịch, làm ảnh hưởng đến toàn bộ tay, chân hoặc bộ phận sinh dục (của nam giới), gây “bìu voi”, hoặc da ở vùng tổn thương dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, trở nên cứng và dày. Ngoài những đau đớn thể xác, người bệnh còn có thể bị xã hội hắt hủi. Nhiều người không có khả năng lao động kiếm sống.

Phương pháp chẩn đoán bệnh đơn giản nhất là lấy máu người bệnh vào ban đêm từ 20 giờ -3 giờ sáng và soi kính hiển vi tìm giun chỉ. Việc điều trị bằng thuốc diệt giun chỉ có hiệu quả cao nhất nếu được áp dụng từ sớm. Tuy nhiên, do bệnh thường được phát hiện muộn nên thuốc không phát huy nhiều tác dụng. Khi bị các di chứng thì việc phẫu thuật có thể giúp ích trong các trường hợp bìu to (bìu voi), đái dưỡng chấp, nhưng phương pháp này không hiệu quả đối với những chiếc “chân voi”. Khi chỉ định dùng thuốc diệt ấu trùng giun chỉ, cần điều trị kết hợp diethylcarbamazine (DEC) liều 6mg/kg x trọng lượng cơ thể x (6- 12 ngày), tổng liều 72mg/kg và albendazonle liều 400mg/kg x trọng lượng cơ thể trong 3 tuần. Cần chú ý, nếu sau đợt điều trị này, xét nghiệm máu vẫn còn ấu trùng giun chỉ, chứng tỏ con giun trưởng thành vẫn còn sống và chưa chết.

Bên cạnh đó, cần lưu ý kết hợp một số biện pháp khác như: Rửa sạch sẽ vùng bị tổn thương bằng nước và xà bông mỗi ngày có thể làm giảm một cách hiệu quả các triệu chứng không liên quan trực tiếp tới giun chỉ bạch huyết mà là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng thứ phát do bội nhiễm gây ra. Kê cao chân, tay bị tổn thương và thường xuyên tập vận động cho những bộ phận này để giúp bạch huyết lưu thông tốt hơn. Hiện nay, có một loại thuốc có tác dụng chống, diệt được giun chỉ trưởng thành đó là Doxycyclin, mặc dù phát hiện mới này còn đang tiếp tục nghiên cứu, nhưng các kết quả báo cáo ban đầu là hết sức khả quan. Khi uống Doxycyclin một đợt với liều 100mg x 2 lần mỗi ngày liên tục trong 6 tuần, có tác dụng tiêu diệt một loại vi khuẩn sống bên trong giun chỉ, khiến loài ký sinh này chết theo, làm hầu hết giun trưởng thành đã bị tiêu diệt. Hơn nữa, triệu chứng phù nề có từ trước cũng thuyên giảm.

Tóm lại, bệnh giun chỉ là bệnh để lại những di chứng rất nặng nề, khả năng lây nhiễm cao do các loại muỗi. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ các biện pháp diệt muỗi, ngủ màn (mùng) có thuốc tẩm hóa chất diệt muỗi. Khi bị nhiễm giun thì nên uống thuốc phòng ngừa đủ liều. Khi bị các di chứng như phù chân voi, đái dưỡng chấp, bìu voi, chân voi thì cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, hoặc liên hệ với Khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để được tư vấn, giúp đỡ điều trị.

Chia sẻ bài viết