12/08/2023 - 23:41

Giữ vững động lực tăng trưởng từ đầu tư công

SONG NGUYÊN

Trong 7 tháng năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 34,47%), tương đương cao hơn gần 81.000 tỉ đồng. Ðầu tư là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia, trong đó có đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Lẽ đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm 2023 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, sự quyết tâm của chủ đầu tư, sự tích cực của các bên liên quan.   

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì đầu tư công của Việt Nam đang ở mức thấp trong khi nhu cầu ngày càng lớn. Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Ðể hoàn thành mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam dự kiến cần duy trì tăng trưởng GDP hằng năm ở mức 7% trong suốt giai đoạn 2021-2030 và từ 6,5% đến 7,5% trong giai đoạn từ 2031-2050. Ðồng thời đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội đạt bình quân từ 32-35% GDP trong cả giai đoạn 2021-2030; trong đó bao gồm đầu tư công ở mức bình quân 7,3% GDP mỗi năm để hỗ trợ xây dựng hạ tầng giai đoạn này.

Trên thực tế, nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, nhưng tổng đầu tư công của Việt Nam đã giảm xuống trong thập kỷ qua. Theo WB tại Việt Nam, tỷ lệ chi đầu tư công so với GDP năm 2011 là 8%, đến năm 2022 giảm xuống còn 6%; đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng thu nhập. Bên cạnh đó, hiệu suất đầu tư công còn hạn chế do những thách thức trong thể chế quản lý đầu tư công và quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền. Hiệu suất phân bổ và hiệu suất thực hiện đầu tư công còn thấp. Cả Trung ương và địa phương đều không thể giải ngân hết dự toán chi đầu tư được phân bổ.

Theo tính toán của WB, giai đoạn 2017-2022, chi đầu tư thực hiện trung bình 77% dự toán; chênh lệch giữa dự toán và thực hiện là 23%, nên buộc phải chuyển nguồn chi đầu tư. Mặc dù phân cấp đầu tư được đẩy mạnh, nhưng hiệu suất đầu tư kém do trùng lặp trong phần bổ vốn, thách thức trong triển khai, huy động nguồn tài chính từ khu vực tư nhân chưa được tối ưu…

Ðể tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, các chuyên gia WB khuyến cáo, thời gian tới Việt Nam cần duy trì bền vững mức đầu tư công/GDP, hợp lý hóa cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các thể chế về quản lý đầu tư công, quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền. Muốn được như vậy, cần cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án nhằm tránh việc đội vốn, điều chỉnh vốn. Ðẩy mạnh triển khai, theo dõi, đánh giá dự án, biến chi đầu tư trở thành công trình hạ tầng một cách hiệu quả sau khi nguồn lực được phân bổ. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài sản công; ngân sách cần được thiết lập theo hướng chiến lược và chương trình; hiện đại hóa các cơ chế quản lý đầu tư và quan hệ ngân sách giữa chính quyền các cấp. Hiện Việt Nam còn dư địa chi đầu tư phát triển, do nợ công đã giảm trong 2 năm gần đây.

Chia sẻ bài viết