20/02/2019 - 09:30

Giữ nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bài cuối: Phát triển bền vững tài nguyên nước 

Theo các nhà khoa học, hiện nay và tương lai, tài nguyên nước (TNN) ở ĐBSCL phải tiếp tục đối diện với năm thử thách thường xuyên. Trong đó có hai vấn đề về số lượng nước (lũ lụt và hạn hán) và ba vấn đề về chất lượng nước (nhiễm mặn, nhiễm phèn và nhiễm bẩn). Chính vì thế các giải pháp giữ nước cho vùng ĐBSCL cần được nghiên cứu tổng thể giúp khu vực này có thể phát triển bền vững TNN trong tương lai…

Theo các nhà khoa học, cần bảo tồn các vùng đất ngập nước đặc trưng sông nước của vùng ĐBSCL. Ảnh chụp tại Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.

Thay đổi từ nhận thức

Theo quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 cần khoảng 1,97 triệu m3/ngày; đến 2025 cần khoảng 2,65 triệu m3/ngày và đến năm 2030 con số này sẽ là 3,27 triệu m3/ngày. Trong khi đó, TNN không phải vô hạn mà có giới hạn, do vậy, quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả là rất cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL. Trong bối cảnh nguồn nước bị tác động nghiêm trọng như hiện nay nếu không có giải pháp hiệu quả thì nguy cơ người dân ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt và sản xuất. Một trong những yếu tố cốt lõi, đó chính là phải thay đổi nhận thức của cộng đồng “Nước không còn là tài nguyên vô hạn” cần có cách ứng xử đúng đắn hơn. Cùng với đó, hình thành ý thức xem TNN là hàng hóa, người sử dụng phải trả phí, TNN là nguồn lực để phát triển.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Không có nước là không có đồng bằng! Thành công đầu tiên trong bảo vệ TNN phải đến từ con người. Bởi khi con người hiểu sâu sắc về vấn đề sẽ dẫn đến hành vi đúng đắn. Từ đó, có thể bàn bạc, xây dựng những mô hình thành công trong quản lý TNN. Luật pháp chỉ xử lý khi hành vi đã xảy ra. Do vậy, thông qua tăng cường tuyên truyền, tác động vào ý thức mỗi người dân cùng giữ gìn, bảo vệ TNN. Với định hướng đúng đắn kết hợp cùng tài nguyên bản địa và yếu tố con người sẽ dẫn đến mô hình thành công, bền vững.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng Ban điều phối viện trợ nhân dân PACCOM cho rằng: TNN tại ĐBSCL đang chịu tác động từ con người thông qua việc sản xuất công nghiệp và từ việc sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực thì không phải chỉ là nỗ lực của Nhà nước mà còn là nỗ lực của các cấp, của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ nguồn TNN đơn giản bằng việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả TNN trong sinh hoạt hằng ngày và trong hoạt động sản xuất.

Mặt khác, để giảm ô nhiễm xả thải vào nguồn nước, nhiều ý kiến cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường chỉ đạo rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các điểm nóng môi trường người dân thường phản ánh. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam- thành viên dự án “Tham vấn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong giám sát và phản biện xã hội về kiểm soát ô nhiềm nước tại ĐBSCL”, cho rằng: Các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương cần tăng cường sự tham gia trong giám sát trực tiếp nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, giải quyết kịp thời sự ô nhiễm ngay từ khi mới xuất hiện. Đồng thời, phát huy vai trò cầu nối phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức người dân về quản lý TNN; huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức phi chính phủ để triển khai các sáng kiến bảo vệ môi trường nước ĐBSCL…

Lâu nay, vùng ĐBSCL chưa có sự điều phối chung để phân phối, sử dụng TNN một cách có hiệu quả. Điều đó dẫn đến TNN tiếp tục bị suy giảm, mâu thuẫn về nước ngày càng tăng trong khi tiềm năng về nước chưa được phát huy đầy đủ, khai thác hiệu quả. Theo các chuyên gia, “cứu nguy” cho vùng ĐBSCL cần có một cách nhìn tổng thể, trong đó, toàn bộ hệ thống của vùng: Vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, kinh tế, xã hội phải được “đối xử” như là một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực Mekong thì mới có chiến lược hài hòa. Để quản lý TNN của khu vực một cách hiệu quả, đồng bộ, ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và TNN thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, kiến nghị: ĐBSCL cần có 1 tổ chức đầu mối nhằm liên kết, điều phối các địa phương trong khu vực phối hợp quản lý TNN một cách thống nhất và hiệu quả...

Thông qua nhiều hình thức, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tích cực phối hợp các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN, hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong sản xuất nông nghiệp, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, việc đầu tiên là phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả, thì dần dần mở, bỏ đê bao. Bên cạnh đó, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, các biện pháp công trình trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt…

Đến giải pháp tổng thể

Đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và sản xuất là vấn đề hàng đầu được các địa phương trong vùng quan tâm, nhất là vào mùa khô hạn. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kiến nghị: Trong những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến cực kỳ phức tạp, đã gây ra những hậu quả nặng nề cho sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Do đó, đề nghị Trung ương cần ưu tiên xem xét xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình trữ nước ngọt cho toàn vùng. Cụ thể là đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt và hệ thống phân phối nước thô cho các tỉnh, thành trong khu vực. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong những năm khô hạn, ĐBSCL cần phải tránh canh tác vào mùa khô và chuẩn bị trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô. Cụ thể, cần khôi phục chức năng trữ lũ của hai túi nước tự nhiên ở ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Để cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho rằng: Trước mắt, ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Đối với nguồn nước mưa cần xây dựng hồ lưu trữ, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Về giải pháp dài hạn, đến năm 2025, ĐBSCL phải hoàn thành xây dựng các nhà máy nước theo quy hoạch cấp nước vùng song song với chú trọng đến các giải pháp về công nghệ bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngập lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: ĐBSCL phải lấy TNN là yếu tố cốt lõi, là trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. TNN phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn TNN ngọt.

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết