16/06/2008 - 22:26

Giọt nước mắt muộn màng

Hai phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến ma túy vào tháng 3 và tháng 5-2008 đã kết thúc, nhưng có lẽ trong lòng những người tham dự phiên tòa vẫn còn đọng lại một nỗi xót xa. Bị cáo là những thanh niên còn rất trẻ, con gia đình nghèo ở nông thôn. Vì không được học hành, thiếu sự quản lý của gia đình, thiếu bản lĩnh trước sự cám dỗ của cái xấu, họ nhanh chóng thành những tên tội phạm.

Phiên tòa lưu động ngày 29-5-2008 tổ chức tại trụ sở UBND phường Phước Thới, quận Ô Môn rất đông người dân đến dự. Những người chứng kiến không khỏi xót xa khi nhìn gương mặt non trẻ, của một bị cáo mới hơn 20 tuổi. Đó là Nguyễn Hoàng Chiến ở ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Cờ Đỏ. Theo người thân và hàng xóm thì bị cáo từng là một đứa con ngoan, hiền lành, biết chịu khó giúp mẹ từ khi còn rất nhỏ.

Tin Chiến bị bắt vì mua bán ma túy làm bà Trương Thị Lem, người mẹ của Chiến ngã bệnh. Còn bà ngoại của Chiến thì cứ khóc ròng. Bà Lem đưa đôi bàn tay nứt nẻ, thô ráp, ôm mặt tức tưởi, nói: “Giá như tui có thời gian để mắt đến con thì sự thể không đến nỗi nào. Hôm nay, tòa xử nó mà cả nhà giấu không cho bà ngoại nó hay. Anh của nó đi làm mướn ở Vũng Tàu không có tiền về để gặp em...”.

Người cha thiếu trách nhiệm của Chiến bỏ đi từ lúc mẹ Chiến đang mang thai đứa em út. Một nách nuôi 5 đứa con, bà Lem phải đi ở mướn để lấy tiền nuôi con. Tiền công ít ỏi của bà nuôi không đủ nuôi mấy miệng ăn nên anh em Chiến đều không được đến trường. Năm 13 tuổi, Chiến đi chăn vịt thuê, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em, nuôi bà ngoại già yếu.

Một lần Chiến ghé quán cà phê Trinh Nữ của Lê Văn Hiệu (ở khu vực Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn) để kiếm bạn nhưng không gặp. Hiệu đã dụ dỗ Chiến bán ma túy rồi cho tiền xài. Ngày 23-1-2008, tại quán cà phê của Hiệu, Chiến đã bị lực lượng công an bắt giữ khi đang bán 2 tép ma túy cho “con nghiện”. Hay tin Chiến bị bắt, tên Hiệu - người từng kết nghĩa anh em với Chiến đã trốn mất.

Mẹ của bị cáo Chiến (người có đánh dấu x)
đang ôm mặt khóc sau khi nghe HĐXX tuyên án.  

Trước phiên tòa, Chiến đã thành thật khai báo, không quanh co chối tội. Chiến cúi đầu nói lời sau cùng: “Trong những ngày bị bắt giam, bị cáo rất hối hận. Mong HĐXX giảm án để bị cáo mau chóng về với gia đình, phụ mẹ nuôi em, nuôi bà già yếu”. Trong lúc Tòa nghị án, Chiến ngồi trước vành móng ngựa, ngoái đầu về phía sau nhìn mẹ và người thân bằng ánh mắt buồn bã. HĐXX tuyên mức án 6 năm tù dành cho Chiến về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bên ngoài hành lang, bà Lem tựa lưng vào tường, khóc nấc lên, nhìn theo chiếc xe chở phạm nhân từ từ khuất xa.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến ma túy, vào tháng 3-2008, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Ô Môn cũng đã tuyên phạt hai “con nghiện”: Trần Diệp Sĩ (SN 1983), ngụ ấp Thới Khánh, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, 2 năm tù; Trương Phát Đạt (SN 1982), ngụ khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, 1 năm 6 tháng tù, về tội trộm cắp tài sản.

Còn trẻ, sớm dính vào ma túy nên Đạt và Sĩ rủ nhau trộm cắp tài sản để có tiền tiêm chích. Ngày 8-12-2007, cả hai đến Trường Tiểu học Số 3 thuộc khu vực 10, phường Châu Văn Liêm, thấy cổng rào không khóa, cả hai liền vào lấy trộm máy vi tính, âm ly, đầu đĩa bỏ vào bao tải, thuê xe ôm định đem bán nhưng đã bị lực lượng công an bắt quả tang. Tại cơ quan công an, Sĩ và Đạt còn khai nhận, chưa đầy 1 tuần trước đó, cả 2 tên đã cùng nhau lấy trộm 2 đồng hồ nước của một hộ dân ở khu vực 14, phường Châu Văn Liêm.

Trong lúc phiên tòa đang xét xử, một người phụ nữ tuổi gần 50, ngồi ngoài hành lang của phòng xử án che chiếc nón lá lụp xụp, áo quần dính đầy bụi cám, tức tưởi khóc. Hỏi ra mới biết bà là mẹ của bị cáo Sĩ. Bà bảo: “Tui không dám vào dự phiên tòa vì đau lòng quá. Tui cũng giấu 2 đứa em nó, vì sợ chúng buồn”. Đưa đôi mắt thâm quầng, hốc hác nhìn về xa xăm, bà Nhị (mẹ của Sĩ) kể lại: “Hàng ngày nó đi bán vé số. Thương con cực khổ nên tôi không nỡ nhận tiền bán vé số mà con kiếm được. Không ngờ như vậy đã hại nó. Bị bạn xấu lôi kéo, nó dính vào ma túy. Biết được, tôi hết lời khuyên can. Nó hứa sửa đổi nhưng do tôi không có thời gian để theo dõi sát, nên nó không dừng lại, ngày càng lún sâu, giờ thì trở thành tội phạm. Cả gia đình tôi, cả đời lao động vất vả nhưng mọi người sống lương thiện, nay chỉ có nó trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp, xấu hổ quá”. Nói đến đây bà lại bật khóc, đưa bàn tay chai cứng quẹt nước mắt.

Mỗi ngày, cứ tờ mờ sáng, bà Nhị phải đạp xe đến làm công cho một nhà máy xay xát lúa gạo gần nhà. Có khi bà làm cả đêm, tới sáng sớm mới về. Cả cuộc đời bà Nhị là những chuỗi ngày đau khổ, bất hạnh nối tiếp. Cha của Sĩ bỏ rơi mẹ con Sĩ theo người phụ nữ khác. Bà Nhị những tưởng đi thêm bước nữa để có người đỡ đần nhưng cha dượng của Sĩ cũng lại bỏ mẹ con bà đi tiếp, để lại cho bà 2 đứa con nhỏ. Từ đó, bà Nhị phải oằn lưng làm việc cật lực với mong muốn có đủ cái ăn cái mặc cho con. Chính vì vậy, bà không còn thời gian để quan tâm, tìm hiểu những tâm sinh lý biến đổi của con. Đến lúc biết được con mình dính vào ma túy thì đã muộn.

Bà Nhị nói: “Lúc đầu, tui tưởng đâu con chỉ tụ tập vui chơi, chứ đâu ngờ nó dính vào ma túy rồi lại đi ăn trộm của người ta. Cũng tại tui ít quan tâm dạy dỗ con nên mới ra nông nỗi. Mong những bậc cha mẹ thấy được hậu quả của gia đình tui mà quản lý con mình tốt hơn, đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc như gia đình tôi”. Giọng bà Nhị nghẹn lại.

Trong khi cái nghèo vẫn còn đeo đẳng, nỗi cơ cực vẫn chưa nhẹ trên vai hai người mẹ nghèo kia thì con của họ đã phải vào tù để trả giá hành vi phạm tội của mình. Giá như, hai thanh niên trẻ này biết yêu quí gia đình đủ sáng suốt nhận thấy hậu quả của những việc mình đang làm, thức tỉnh trước khi quá muộn thì họ đâu phải đánh mất tuổi xuân vì cảnh lao tù, đâu để lại nỗi đau quá nặng nề cho người thân bởi những hành động nông nổi của mình.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết