07/04/2018 - 10:04

Hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4)”

Giọt máu nghĩa tình 

Phong trào hiến máu tình nguyện ở Cần Thơ ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của toàn xã hội, cứu giúp rất nhiều người vượt qua bệnh tật, duy trì cuộc sống. 

Giọt máu cho đi

Ở Khoa Điều trị, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ (BVHH-TMCT) có rất nhiều bệnh nhân chờ được truyền máu. 

Bệnh nhân Nguyễn Cẩm Sang, 59 tuổi, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy kể: "Tôi bị thalassemia (thiếu máu tán huyết kéo dài) đã 3 năm nay. Hằng tháng, tôi đến BVHH-TMCT để truyền máu. Nếu thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, tức ngực, choáng có thể ngất bất cứ lúc nào. Mỗi lần nhập viện, tùy tình trạng thiếu máu mà truyền từ 1-3 bịch máu. Truyền máu vô, tôi khỏe lại, có thể giữ cháu nội để con trai đi làm kiếm tiền. Những giọt máu nghĩa tình đã cho tôi sự sống trong suốt 3 năm nay. Từ khi bị bệnh đến nay, chưa khi nào tôi phải nằm chờ vì không có máu để truyền".

Đông đảo người dân tham gia hiến máu tại BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.

Cùng phòng với bệnh nhân Sang là hơn 10 bệnh nhân thalassemia đang được truyền máu. Bệnh nhân Phạm Thành Trí mới 18 tuổi nhưng đã phải truyền máu suốt 17 năm qua. Mẹ ở nhà phải bán vé số, giữ 2 em nên Trí nằm viện một mình. Trí hồn nhiên: "Bệnh viện như nhà em vậy. Tháng nào cũng qua truyền máu, thải sắt. Mấy năm trước, em truyền máu ở BV tại TP Hồ Chí Minh. Có đợt phải nằm chờ cả tuần mới có máu. Mấy năm nay về BVHH-TMCT, lúc nào cũng có máu để truyền. Nhập viện, truyền máu xong, em khỏe lại, về nhà cơm nước, giữ em cho mẹ đi bán vé số".  

Ở Khoa Điều trị, lượng bệnh trung bình từ 90-100 bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân bị thiếu máu tán huyết kéo dài (thalassemia), bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…Bác sĩ Danh Chường, Trưởng khoa Điều trị cho biết: “Phần lớn bệnh nhân ở khoa mắc các bệnh lý thiếu máu mãn tính hoặc ác tính. Tất cả các bệnh này đều cần thường xuyên truyền máu. Có thể 1-2 tháng truyền 1 lần, cũng có bệnh cách ngày là phải truyền máu. Nhờ tấm lòng của những người hiến máu tình nguyện mà lúc nào chúng tôi cũng có máu để truyền, giúp bệnh nhân duy trì được sức khỏe và giữ được tính mạng".

Tình người ở lại

Ở Cần Thơ, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh mẽ. Số lượng người hiến tặng, số đơn vị máu nhận về năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2008 tiếp nhận được 15.168 đơn vị máu thì đến năm 2017 tăng 266%, với 40.474 đơn vị máu được hiến tặng. Thành phần tham gia hiến máu cũng đa dạng, trước đây chỉ chủ yếu trong lực lượng sinh viên, cán bộ, công chức thì nay đã lan rộng ra toàn xã hội. Thậm chí trong những ngày nghỉ Tết, nhiều người sẵn sàng vào BV cho máu.

Y sĩ Nguyễn Trung An, quận Ô Môn, công tác ở một phòng khám tư nhân, kể: "Ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất, nhận được điện thoại của BVHH-TMCT báo có bệnh nhân cần tiểu cầu, tôi chạy đến BV. Khi ấy trong lòng tôi chỉ mong có thể góp sức mình cứu giúp người qua cơn hoạn nạn". Đây là lần thứ 6, anh An hiến tiểu cầu, cộng với những lần hiến máu toàn phần, anh có hơn 20 lần hiến máu.

Chia sẻ về lý do chuyển từ hiến máu sang hiến tiểu cầu, anh Nguyễn Trung An cho biết, hiến tiều cầu sẽ hiến được nhiều lần hơn vì hiến máu 3 tháng mới hiến được, còn tiểu cầu chỉ sau 2 tuần là hiến được. Ngoài ra, trong các chế phẩm máu, tiểu cầu có nguy cơ thiếu nhiều nên anh đăng ký hiến. Anh An để lại số điện thoại liên hệ để khi có bệnh nhân cấp cứu cần và hợp với nhóm máu, BV sẽ gọi điện. Có hôm nhận được điện thoại từ BV vào khoảng 21 giờ đêm, không quản ngại đường sá xa xôi, một mình anh chạy xe gắn máy hơn 25km, từ quận Ô Môn đến BVHH-TMCT để hiến tiểu cầu; hiến xong đã gần 11 giờ đêm. Dù vất vả nhưng nghĩ đến người bệnh, anh mỉm cười hạnh phúc vì giọt máu của mình đã đem lại sự sống cho người khác. Anh An nói: "Mình còn trẻ, bản thân giúp được gì cho xã hội trong khả năng, sẽ cố gắng làm".

Cũng với tâm niệm như anh An, anh Nguyễn Hữu Toàn, ở quận Ninh Kiều, đã liên tục 5 năm liền hiến tiểu cầu trong dịp nghỉ Tết. Điều đáng quý là trong 46 người hiến tiểu cầu trong những ngày Tết có đến 26 người công tác trong ngành y tế Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BVHH-TMCT cho biết: "Trong Khoa Hiến máu tự nguyện của BV có thùng từ thiện. Rất nhiều người hiến máu nhưng không nhận tiền bồi dưỡng (theo quy định của nhà nước để người hiến máu bồi bổ) mà để số tiền ấy vào thùng từ thiện, giúp trẻ em khuyết tật, mồ côi, tổ chức Tết cho bệnh nhân nghèo… Nghĩa tình ấy thật lớn lao".

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết