03/04/2019 - 20:55

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ:

Giới thiệu tinh hoa và giá trị bánh dân gian Nam bộ ra thế giới 

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (BDGNB) lần VIII năm 2019 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16-4, với chủ đề “Hương sắc phương Nam”, tại Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ. Lễ hội năm nay với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, được kỳ vọng sẽ góp phần tôn vinh chiếc bánh và người làm bánh, đưa tinh hoa và giá trị BDGNB vươn ra thế giới. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Lễ hội BDGNB, cho biết:

-Lễ hội năm nay có trên 220 gian hàng trưng bày giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản vùng miền và nguyên liệu phụ trợ làm bánh… của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và nghệ nhân đến từ 9 quận, huyện của TP Cần Thơ và 18 tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Lễ hội còn có sự tham dự các đơn vị doanh nghiệp, gian hàng giới thiệu các món ăn, sản phẩm của 8 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ý, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Đây là lần thứ 8 lễ hội được tổ chức, đã trở thành sự kiện thường niên tại Cần Thơ, nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam bộ với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây là dịp để du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam.

Học sinh trải nghiệm làm bánh tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2018. Ảnh:  DUY KHÔI

*Thưa ông, đâu là những điểm nhấn tại lễ hội lần này?

- Điểm nhấn đầu tiên là Hội thi BDGNB do Cục Văn hóa cơ sở chủ trì tổ chức, được mở rộng quy mô toàn quốc. Dự kiến sẽ có trên 60 loại bánh dự thi. Ban tổ chức mong muốn qua hội thi sẽ phát hiện và giới thiệu những bí quyết làm bánh, những loại bánh ngon ở các địa phương trên cả nước.

Không gian Trình diễn chế biến bánh dân gian sẽ tái hiện lại quang cảnh ngày xưa với các dụng cụ, nghệ nhân trực tiếp thực hiện và giới thiệu cách làm các loại bánh dân gian có tính đặc trưng vùng miền. Cũng không thể không kể đến Không gian Chè Nam bộ qua hình thức giới thiệu và mua bán với trên 15 loại chè và thức uống dân gian, từ truyền thống đến sáng tạo. Ngoài ra, Không gian BDGNB và tuổi thơ được mở ra để giới trẻ có dịp trải nghiệm và hiểu hơn về nét văn hóa ẩm thực của đất phương Nam.

Tại Lễ hội này, Ban tổ chức đã mời doanh nghiệp Làng bột Sa Đéc (đại diện của tỉnh Đồng Tháp) tham gia làm khách mời danh dự và sẽ giới thiệu các loại bánh ngon, trình diễn chế biến bánh đặc trưng Đồng Tháp như: bánh phồng tôm, các loại gạo làm bột khô để làm bánh...

Dạ hội Áo Bà Ba cũng là điểm nhấn hứa hẹn thu hút khách thưởng lãm. Nhằm tôn vinh vẻ đẹp, nét duyên của chiếc áo bà ba truyền thống, trang phục đặc trưng Nam bộ và gắn liền với sinh hoạt của người dân Nam bộ qua các thời kỳ, các nghệ sĩ, người mẫu sẽ mang đến hàng trăm chiếc áo bà ba, tái hiện từ thuở khai hoang, qua kháng chiến đến hiện đại của người phương Nam.

* Lễ hội năm nay sẽ có hoạt động gì nhằm tôn vinh bánh dân gian và người làm bánh, thưa ông?

- Lễ hội năm nay sẽ có không gian trình diễn dành cho các nghệ nhân và bánh dân gian nổi bật. Ngoài ra, dịp lễ hội này, các nghệ nhân đoạt giải thưởng cao, nhiều tại các kỳ Hội thi BDGNB trước đó sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen.

Năm nay, những loại bánh nổi danh, có nguy cơ thất truyền sẽ được các nghệ nhân trình diễn tại Lễ hội. Đây là nỗ lực của Ban tổ chức sau thời gian dài đi tìm và mời nghệ nhân. Có thể kể đến như nghệ nhân đến từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trình diễn se bánh tằm, giới thiệu món bánh tằm bì lá mơ, bánh tằm xíu mại Ngan Dừa; nghệ nhân Bến Tre giới thiệu quy trình quết, cán, phơi bánh phồng Sơn Đốc; nghệ nhân An Giang mang đến quy trình chế biến bánh bò, bánh gói với các phụ gia, phụ liệu từ đường thốt nốt, hương và màu trái thốt nốt, làm bánh gói bằng lá thốt nốt...

Riêng TP Cần Thơ, nghệ nhân sẽ biểu diễn và giới thiệu nhiều loại bánh như: bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), bánh bò cơm rượu (Vĩnh Thạnh), bánh canh xắt bột trên chai...

* Được biết, trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có tọa đàm với chủ đề “Thị trường nào cho bánh dân gian?”. Kỳ vọng của Ban tổ chức ở tọa đàm này là gì, thưa ông?

- Tọa đàm do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức. Sẽ có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp, nhà quản lý, truyền thông cùng với nghệ nhân làm bánh. Họ sẽ cùng trao đổi để tìm tiếng nói chung, góp phần tìm thị trường cho các sản phẩm BDGNB; bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao thu nhập của nghệ nhân làm bánh.

Có thể nói, Lễ hội BDGNB là điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát huy các loại bánh dân gian. Đây cũng là dịp để giới thiệu những tinh hoa và giá trị BDGNB ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa ẩm thực truyền thống, đặc biệt là các loại bánh dân gian của người dân Nam bộ.

* Thưa ông, chuyện vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tự nâng giá… đã được Ban tổ chức khắc phục tốt qua từng năm. Năm nay, những vấn đề này sẽ được thực hiện như thế nào?

- Ban tổ chức xác định, đây là những vấn đề quan trọng nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho Lễ hội. Vì vậy, năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên, liên tục trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội. Như những năm trước, chúng tôi hạn chế tối đa những gian hàng không thuộc lĩnh vực bánh dân gian, ẩm thực và ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trong khu vực của Lễ hội. Các bãi giữ xe cũng đã được bố trí rộng rãi, hợp lý, tránh tình trạng ùn tắc...

Các đơn vị tham gia đều được gửi nội quy Lễ hội và ký cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, thực phẩm, thức ăn; giá cả bán đúng với niêm yết công khai. Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng rất mong ý thức tốt từ khách tham quan trong việc bỏ rác đúng chỗ, giữ vệ sinh chung, để tạo không gian, cảnh quan văn hóa chung.

* Xin cảm ơn ông!

DUY KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết