23/10/2010 - 21:32

"Gió đưa cây cải về trời..."

Nguyễn Ánh – vua Gia Long. Nguồn: tapchisonghuong.com.vn

Sau thời gian trốn tránh ở vùng Long Xuyên (Cà Mau), Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, phải cùng một số tướng sĩ thân tín chạy ra đảo Côn Lôn, lại bị rượt nà, buộc phải dong thuyền lẩn khuất ở các đảo, các hòn ở vùng biển Tây Nam vô cùng gian nan, vất vả. Tháng 7 năm Quý Mão (1783), từ Phú Quốc, Nguyễn Ánh sai người mời Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) là giáo sĩ người Pháp, đang ở tại Chân Bôn (Chantabun hay Chantaburi, một địa danh của Xiêm La), trước thường qua lại giảng đạo ở Chân Lạp, Gia Định, từng vào yết kiến xin hiệu dụng, nay đòi đến, rằng: “Ngươi cũng biết rõ; ngươi có thể về Đại Pháp nhờ quý quốc đem quân sang giúp ta được không? Các nước giao hiếu với nhau, đem con làm tin; con ta là Cảnh mới 4 tuổi, vừa rời tay mẹ; ta giao Cảnh cho ngươi, nhờ ngươi trông nom cho, núi sông cách trở, đường sá khó đi, như có biến gì thời ngươi bảo hộ Cảnh mà tránh”. Bá Đa Lộc lập tức lên đường.

Chuyện Nguyễn Ánh cho Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc là đồng nghĩa theo Tây – “Tây dương”, “đạo Tây”. Nguyễn Đình Chiểu trong “Dương Từ – Hà Mậu” viết: “Dân mà theo đạo Tây rồi, Nước người Tây lấy mấy hồi nhọc lo”, được dân gian văn nghệ hóa với một thủ pháp dụng ngữ thật tài tình qua câu hát: “Gió đưa cây cải về trời”.

Tháng 3 năm Giáp Thìn [1784] Nguyễn Ánh sang Xiêm kể hết đầu đuôi những lúc dầm dãi phong trần, và yêu cầu viện binh phục quốc. Vua Xiêm tiếp đãi và giúp đỡ rất trọng hậu. Phật vương (vua Xiêm) lấy nghĩa trong lân giao hứa hẹn cử binh giúp Nguyễn khôi phục” (“Gia Định thành thông chí”).

Ngày 9 tháng 6 năm Giáp Thìn, Nhị vương(1) cho hai người cháu là Chiêu Tăng(2) làm súy tướng, Chiêu Sương làm Tiên phong đem 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền, định ngày 9 tháng 6 khởi hành đưa Nguyễn Ánh về nước, Châu Văn Tiếp đi theo hộ giá.

“Liên quân Xiêm – Nguyễn” cho quân tiến đánh các vùng từ Vịnh Xiêm La đến Tiền Giang. Hơn 3 tháng thì quân Xiêm chiếm được Cần Thơ, rồi Sa Đéc. Quân Xiêm tràn đến đâu giết người cướp của đến đó, tàn ngược không sao kể xiết. Nhân dân muôn người đều than oán!

Tây Sơn tuy binh ít, thế yếu nhưng vẫn chống trả cầm cự để chờ viện binh. Hai bên đụng độ nhiều trận rất ác liệt, đáng kể nhất là trận đánh ngày 18 tháng 10 năm Giáp Thìn tại Mân Thít (Măng Thít, thuộc Vĩnh Long), quân Nguyễn chụp đánh thủy binh của Phò mã Trương Văn Đa (rể của Nguyễn Nhạc), quân Tây Sơn tử thương rất nhiều, bỏ thuyền chạy. Liên quân Xiêm – Nguyễn thâu được ghe thuyền của Tây Sơn nhiều không xiết kể, Phò mã Đa phải trốn về Long Hồ cùng Đô đốc Trấn cố thủ. Liên quân Xiêm – Nguyễn tuy thắng nhưng tổn thất nặng. Bình Tây Đại đô đốc Châu Văn Tiếp nhảy sang thuyền Tây Sơn bị đâm trọng thương, cách mấy ngày sau thì chết. Còn ở trận Ba Lai Bắc (thuộc Bến Tre nay) và Trà Tân (cách Rạch Gầm khoảng 15km, thuộc vùng Cai Lậy, ven sông Mỹ Tho) Chưởng cơ quân Nguyễn là Đặng Văn Lượng cũng bị tử trận!

Từ Qui Nhơn, ngay khi được tin nguy cấp, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ tức tốc đem hết binh mạnh đi thuyền vào, đặt bản doanh tại Mỹ Tho cách vàm rạch Xoài Mút khoảng 6km. Biết quân Xiêm chỉ là bọn hữu dũng vô mưu, Nguyễn Huệ triển khai thế trận phản công cho quân mai phục những nơi hiểm yếu: đặt nhiều đại bác trên cù lao Thới Sơn (nay là địa danh du lịch sinh thái miệt vườn), đồng thời cho thủy binh gói quân tại một khúc sông Mỹ Tho, chỗ cù lao Thới Sơn, dài chừng 6 km, đoạn từ Rạch Gầm đến Rạch Xoài Mút (sách “Quốc triều chánh biên toát yếu” ghi là sông Xuy Miệt – sau, cũng có tên là Xoài Hột), đưa một số chiến thuyền căng chặn ngang sông trong tư thế rất lơ là, hờ hững để nhử giặc. Chiêu Tăng không biết địa lý, lại quen thắng trận luôn nên kiêu ngạo.

Hoàng tử Cảnh.
Nguồn: maxreading.com

Nhân dân căm phẫn; người Xiêm chủ quan, Nguyễn Ánh thừa biết trước sau thế nào cũng chiến bại, nên buộc phải nghĩ đến “chước thứ ba mươi sáu” (dĩ đào vi thượng), bí mật ra lệnh cho Tham tướng Mạc Tử Sanh lui về Trấn Giang đóng giữ ở Long Hồ với ý đồ tránh xa chiến địa “để phòng khi có sự gì bất trắc thì có đường mà chạy trốn”.

Hôm ấy quân Xiêm xua quân đánh. Quân Tây Sơn giả vờ khiếp sợ – vừa chống cự vừa rút chạy để nhử giặc. Trời đã sụp tối, nước xuôi, gió xuôi, quân Xiêm ồ ạt đuổi theo. Khi toàn bộ quân Xiêm đã lọt trọn vào ổ phục kích thì quân Tây Sơn quay lại phản kích, quân phục kích cũng từ tứ phía túa ra. Trên bờ, phía cù lao Thới Sơn đại bác Tây Sơn nã xuống. Dưới sông, quân Xiêm đứa bị đâm lòi ruột đứa bị chém đứt đầu. Sông Mỹ Tho loang máu! Gần 2 vạn quân Xiêm bị tiêu diệt, còn 300 thuyền chiến thì đều bị nhận chìm! Tàn quân sống sót chỉ khoảng vài ngàn, cùng 2 bại tướng xô đạp nhau chạy thục mạng về nước.

Đại bại, Nguyễn Ánh sai bộ hạ là Chánh cơ Mạc Tử Sanh và Chánh cơ Trung sang Xiêm báo tin. Phần mình thì trú tất ở Thổ Châu, bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt nên Nguyễn Ánh phải liên tục lẩn tránh.

Rạch Gầm là con rạch tự nhiên khá rộng và sâu, dài 11 km, cách tỉnh lỵ Mỹ Tho 13 km, chảy ngang tổng Thuận Bình (Long Định) qua các làng Long Tiên, Mỹ Phong, Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn rồi ăn ra hạ lưu Tiền Giang.

Một chi lưu của Rạch Gầm là rạch Rau Răm. Đó là một con rạch quanh co trong một vùng toàn rừng buôi. Nói đủ là “Rạch Gầm – Xoài Mút”, chỉ toàn khu vực nơi diễn ra chiến trận. Còn người xưa – dân gian ở địa phương – thì nêu rõ ngay nơi địa đầu nhử giặc rồi “khóa đít”, phản kích, tức nơi khởi nổ cuộc đụng độ ác liệt giữa hai bên của chiến trường: là rạch Rau Răm. Sách “Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí” của Thượng Tân Thị cho biết: “Rạch Gầm ở về hướng Bắc hạ lưu sông Trước, cách hướng Tây tỉnh lỵ 28 dặm. Trong bờ hướng Tây có chợ do hướng Đông Bắc vô 7 dặm, ở bờ hướng Đông có chợ Thung Lại hai dặm đến ngã ba giáp nước. Ngã hướng Tây 17 dặm hiệp với rạch Rau Răm chảy ra sông Trước. Ngã hướng Bắc 4 dặm đến ngọn cùng Giồng Lữ có chợ Thuộc Nhiêu (Vương Hồng Sển – “Tự vị tiếng Việt miền Nam”).

Theo sách “Gia Định thành thông chí”, tập Thượng “Sông Sầm (Sầm Giang – Rạch Gầm): ở phía Bắc hạ lưu Tiền Giang, cách phía Tây trấn 28 dặm rưỡi. Bờ Đông và Tây làm phân giới cho huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Đăng. Bờ phía Tây có chợ nhỏ, ngược dòng lên Đông Bắc 7 dặm rưỡi, tại bờ phía Nam có chợ Xuân, quán xá trù mật; chảy 2 dặm rưỡi đến ngã ba: ngã phía Tây chảy 17 dặm rưỡi hiệp với sông Rau Răm rồi chảy vào hạ lưu sông Tiền Giang, ngã phía Bắc chảy 24 dặm đến Giồng Lữ là nơi cùng nguyên, nơi đây có chợ Thuộc Nhiêu, ruộng vườn mầu mỡ, nhân dân chuyên nghề nông tang”.

Có thể tác giả dân gian nào đó đã sáng tác câu ca dao để đời, khéo “vật hoá” hoàng tử Cảnh là “cây cải” (câu trên) để đối rất chỉnh với “Rau Răm” (câu dưới – một địa điểm lịch sử “mồ chôn xác giặc”).

Đã là “chuyện lá cải” (“cây cải”) lại gia thêm vị “rau răm”, càng tăng phần... cay nghiệt!

* * *

Trong mưu đồ “phục quốc”, Nguyễn Ánh đã không ngần ngại cầu Pháp. “Voi Pháp” chưa kịp đến đã vội dẫn “voi Xiêm” về! Trên bước đường cùng Nguyễn Ánh chọn một lối thoát cho mình: “Rước voi về giày mả tổ”! Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhất là những trường hợp mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến nội chiến, nếu đã có hàng chục kẻ xâm lăng đem quân tràn vào để nhân danh cái gọi là “phò A diệt B”, cho dù là đế quốc binh hùng tướng mạnh đến mức nào, vũ khí tối tân đến thế mấy..., càng vênh váo càng chuốc lấy thất bại thảm hại: hoặc làm ma không đầu, hoặc khẩn khoản hạ gối xin được cuốn cờ cút hết về nước!

Qua câu hát cũ đầy oán hờn trách cứ được truyền miệng từ bao đời nay cho thấy, đồng bào miền Nam đa phần vốn rất thiện cảm với nhà Nguyễn, nhưng cũng chính họ lại không dễ tha thứ hành vi đáng tội ấy. Có một câu hát cũ tuy lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng kẻ gây ra cớ sự không thể không “đau”. Bên cánh võng, các bà các chị vẫn ầu ơ... vừa để nhắc nhớ vừa như giáo dục đàn hậu tấn đừng bao giờ quên một “chuyện buồn đầy tủi nhục”:

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay!

Suy nghiệm, câu ca dao trên đâu chỉ đơn thuần là lời ta thán về một sự kiện lịch sử cụ thể đã qua trên 200 năm nhưng vẫn mãi là một bài học cho đời sau.

NGUYỄN HỮU HIỆP


(1) Xiêm (Siam – sử cũ thường dùng tiếng đôi là Xiêm La, hay Tiêm La, sau này, từ năm 1939 đổi gọi là Thái Lan) có 3 vua: vua thứ nhất là Chất Tri – người Xiêm tôn sùng đạo Phật nên gọi vua ấy là vua Phật hay Phật vương. Nhị vương là Sô Si (em của Chất Tri). Tam vương là Ma Lặc (cháu của Chất Tri).

(2) Chiêu là chức tước chứ không phải họ. Chính chữ là chiếu, nhưng do là “chữ kiêng dùng” (triều Gia Long qui định: cáo, dụ, mạng, lệnh của vua đều dùng chữ chiếu) nên sử thần nhà Nguyễn phải viết tránh là chiêu. Chiêu Tăng và Chiêu Sương đều là cháu của Nhị vương.

Chia sẻ bài viết