30/09/2019 - 14:02

Gian nan giải bài toán sạt lở ở Cà Mau 

Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu làm cho tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp. Ngày qua ngày, diện tích rừng phòng hộ bờ biển Đông bị sóng biển “lấn chiếm”; còn tại vùng ven biển Tây, nguy cơ vỡ đê biển đang dần hiện hữu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây và sạt lở bờ biển Đông, bờ sông để có hướng khắc phục.

Sạt lở ven biển tại Cà Mau đang làm mất đất, mất rừng và uy hiếp các khu dân cư.

►Mất gần 9.000ha rừng phòng hộ

Tại bờ biển Đông, cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đang là điểm sạt lở nguy cấp của tỉnh. Gia đình ông Trần Văn Hận đã về ở tại cửa biển này hơn 30 năm nên rõ tiến trình “lấn đất" của biển khơi. Hiện toàn bộ căn nhà của gia đình ông đã không còn nền đất bên dưới. Cạnh nhà ông là 2 căn nhà trơ bộ khung đã mục nát, phía trước nhà là ngọn hải đăng nằm lẻ loi cách bờ biển hàng chục mét, còn trạm hải đăng đã mãi mãi nằm lại dưới đại dương... Nguyên nhân dẫn đến khung cảnh buồn trên được ông Hận giải thích là do sạt lở.

Nhiều năm qua, sạt lở là nỗi lo thường trực của những hộ dân sống hai bên bờ cửa biển Vàm Xoáy. Sạt lở đã và đang tiếp tục làm mất đất rừng bên ngoài khu dân cư mà hiện đã khiến nhiều hộ dân nghèo sống ở cửa biển này phải di dời đi. “Cách đây khoảng 10 năm, trước nhà tôi còn 2 lớp nhà nữa mới tới con đường bê tông 2,5m. Bây giờ con đường đã nằm lại dưới biển, còn đất dưới nền nhà cũng không còn miếng nào. Ở đây để bám biển kiếm sống nhưng mỗi khi sóng to gió lớn ai cũng sợ” - ông Hận nói.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở của địa phương diễn ra trên khoảng 105km. Từ năm 2007 đến nay, đã mất gần 9.000ha đất rừng phòng hộ. Hiện nay, tình hình sạt lở nguy hiểm vẫn đang diễn ra ở bờ biển Đông với chiều dài 48km. Có 8 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 27km cần xử lý khẩn cấp. Tình trạng sạt lở đang uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Trước thực trạng thiệt hại vì sạt lở, tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp đê biển Tây và bờ biển Đông, bờ sông.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tuyến bờ biển Tây hiện nay tương đối ổn định, tuy nhiên bờ biển Đông đang sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt có những nơi sạt lở mạnh với tốc độ từ 50-80m/tháng. Ngoài cửa biển Vàm Xoáy thì cửa biển Hố Gùi (huyện Năm Căn) cũng đang sạt lở, rất cần có cơ chế khẩn cấp nhằm thực hiện các giải pháp công trình bảo vệ tài sản người dân và giữ đất rừng”.

►Cần những giải pháp khẩn cấp

Trước tình hình sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn kiểm tra thực tế tình hình sạt lở và công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở khu vực ĐBSCL. Chiều 25-9, sau khi đi kiểm tra thực tế sạt lở, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị tỉnh đang rất cần Trung ương hỗ trợ hơn 947 tỉ đồng để khắc phục các điểm sạt lở khẩn cấp ở bờ biển Đông và bờ sông. Ngoài ra, một vấn đề nan giải với tỉnh hiện nay là tái định cư. Địa phương cần di dời người dân trong vùng sạt lở vào nơi an toàn, tuy nhiên nguồn kinh phí quá lớn, vượt ngoài khả năng của tỉnh, đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ.

Tỉnh Cà Mau đang rất cần vốn để thực hiện tái định cư cho người dân vùng thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài nhất trong vùng ĐBSCL với 254km. Thời gian qua, các hình thái khí hậu gây tác động tiêu cực và Cà Mau phải chịu tổn thương bờ biển nặng nề nhất trong vùng. Địa phương đã chủ động trong việc đưa ra các giải pháp xử lý, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các công trình, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tỉnh Cà Mau phải rà soát lại các công trình đang hoàn thành, làm sao đảm bảo phát huy được hiểu quả cao nhất. Đối với nhóm công trình, dự án đã có nguồn kinh phí thì phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để thực hiện. Còn các điểm sạt lở đang rất bức xúc mà chưa có nguồn thì phải nhanh chóng rà soát kỹ, có kiến nghị một cách thống nhất. “Thực tế cho thấy, nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, gây thiệt hại lớn đến tài sản, kể cả tính mạng người dân. Do đó, các hộ dân sinh sống ven sông, tỉnh phải chủ động di dời, tái định cư cho người dân”- ông Cường nói.

UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn giai đoạn 2006-2015. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện, với tổng diện tích quy hoạch hơn 945ha để bố trí cho hơn 13.800 hộ dân. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương còn hạn chế, đến nay, toàn tỉnh chỉ mới bố trí được hơn 1.500 hộ ở các vùng nguy cơ thiên tai cao. Do đó, tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh đồ án Quy hoạch di dân tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 và lộ trình tới năm 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỉ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết