20/04/2016 - 20:25

Tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thủy sản

Giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất hiệu quả

Theo các chuyên gia về năng lượng, sử dụng năng lượng trong sản xuất chế biến thực phẩm và thủy sản chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm nên tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thủy sản là rất lớn. Cùng với đó, việc triển khai các dự án, mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm với sự trợ lực từ các ngành, các cấp cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại để cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.

Năng lượng chiếm 30% giá thành sản phẩm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính mức tiêu thụ điện của ngành chế biến chiếm hơn 1% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước, tiêu thụ hơn 2,2 triệu tấn dầu DO và hàng chục ngàn tấn dầu FO, gas và than đá mỗi năm. Hiện cả nước có 633 nhà máy chế biến thủy sản, tính bình quân tổng chi phí năng lượng tiêu thụ của một nhà máy chế biến tôm, cá trong khâu cấp đông, trữ đông và làm đá chiếm trên 70% điện năng. Do đó, trong chuỗi giá trị sản phẩm, chi phí năng lượng đứng hàng thứ 3 sau nguyên liệu và công lao động. Ngoài ra, ngành thủy sản nước ta đang chịu áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới khá gay gắt. Trong đó, giá thành sản xuất là yếu tố then chốt, quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí nguyên liệu đầu vào, điện, nước và bao bì ngày càng tăng, nhưng giá bán sản phẩm không tăng. Trước thực tế này, tiết giảm chi phí năng lượng đã và đang được các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến thủy sản ưu tiên hàng đầu.

Vừa qua, tại hội thảo "Tiềm năng tiết kiệm năng lượng- Giảm HCFC trong ngành chế biến thủy sản" do VASEP phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, nhiều chuyên gia về năng lượng cho rằng, chi phí sử dụng năng lượng trong sản xuất chế biến thực phẩm và thủy sản chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm. Do đó, áp dụng tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Theo ước tính, nếu thực hiện tốt các quy trình quản lý năng lượng, bảo dưỡng thường xuyên và có hệ thống, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 5-10% chi phí năng lượng. Ngoài ra, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đều đang áp dụng các hệ thống quản lý HACCP, ISO 14000, BAP… Đây chính là nền tảng tốt để doanh nghiệp tích hợp với hệ thống quản lý năng lượng.

 Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tập trung đầu tư đúng mức các giải pháp tiết kiệm năng lượng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng sức
cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu trên thị trường... (Trong ảnh: Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu).

Để doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư và thực hiện tốt những giải pháp tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương đã và đang triển khai "Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam" (VEEIE) do WB tài trợ vốn. VEEIE góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng. Cụ thể như: Doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thay thế nâng cấp các nồi hơi, thay đổi công nghệ sử dụng nhiên liệu, lắp đặt máy phát điện đồng phát; nâng cấp hệ thống sử dụng điện như hệ thống khí nén, kho lạnh, thiết bị chiếu sáng, công nghệ chế biến và xử lý; thu hồi nhiệt thải, sử dụng cộng nghệ năng lượng tái tạo… Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia dự án VEEIE là doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, có dự án tiết kiệm năng lượng khả thi và được các chuyên gia của dự án VEEIE thực hiện kiểm toán năng lượng. Từ đó, các chuyên gia sẽ triển khai các bước tìm hiểu nhu cầu thực tế sử dụng của từng doanh nghiệp và có tư vấn chi tiết, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp tiết kiệm lượng điện, than… từ quy trình sản xuất và chế biến, góp phần giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Cơ hội cho doanh nghiệp

 Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và các ngành hữu quan phối hợp triển khai thực hiện mô hình ESCO (mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng). Mô hình ESCO đã và đang góp phần hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đang được triển khai như: Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, Dự án hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả (VNEEP)… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và thủy sản tại ĐBSCL có nhiều cơ hội để đầu tư các dự án, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Với những ưu đãi về vốn và những hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, dự án VEEIE sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL có nhu cầu đầu tư cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: VEEIE triển khai không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh trên thị trường mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt tại vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Hoàng Khoa, Trưởng Phòng Cơ điện, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp chủ động ứng dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quy trình sản xuất, từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới có khả năng tiết kiệm điện. Cụ thể: Đối với hệ thống chiếu sáng, doanh nghiệp sử dụng hệ thống đèn led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng; ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng… Hiện tại, doanh nghiệp có nhu cầu thay máy nén mới trong hệ thống lạnh. Song để việc thay thế các thiết bị mới trong hệ thống lạnh đạt kết quả tối ưu, doanh nghiệp rất cần các chuyên gia kiểm toán năng lượng. Qua đó, giúp doanh nghiệp nắm được tình hình sử dụng năng lượng tại các khâu trong quy trình sản xuất cần thực hiện tiết kiệm. "Hy vọng với những hỗ trợ từ các chuyên của các dự án tiết kiệm năng lượng từ các bộ, ngành sẽ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản xác định chi tiết và đưa ra số liệu hợp lý trong quy trình sản xuất. Từ đó, giúp doanh nghiệp định hướng và lựa chọn được các giải pháp đầu tư hiệu quả để ứng dụng vào thực tế"- ông Nguyễn Hoàng Kha cho biết.

Ông Giảng Mai Thảo, cán bộ kỹ thuật, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải, cho biết: Hiện nay, chi phí năng lượng sử dụng trong sản xuất chế biến thủy hải sản, nhất là đối với hệ thống làm lạnh chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. Với 3 nhà máy chế biến tôm của Minh Hải, tiền điện lên đến gần 1 tỉ đồng/tháng. Vì vậy, nhu cầu đầu tư cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng. Hiện, doanh nghiệp có nhu cầu thay thế các thiết bị cũ để thực hiện tối ưu hóa công suất máy nén trục vít trong hệ thống làm lạnh. Với các giải pháp kỹ thuật được triển khai từ dự án VEEIE đã giúp đội ngũ cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp định hướng thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết