07/12/2008 - 20:19

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp ĐBSCL nâng cao sức cạnh tranh?

Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Ảnh: KHÁNH TRUNG.

Hội thảo “Nâng cao tính cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế” do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) thành phố tổ chức mới đây đã thu hút được nhiều người quan tâm. Tại Hội thảo, các nhà chuyên môn đã phân tích nguyên nhân dẫn đến sức cạnh tranh của DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa cao, đồng thời nêu ra nhiều giải pháp giúp các DN nâng cao tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…

* Vì sao DN ĐBSCL giảm sức cạnh tranh?

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL với 17 triệu dân là thị trường tiêu thụ lớn (chiếm 18-20% thị phần bán lẻ của cả nước), nhưng số lượng các DN trong vùng chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng số DN cả nước. Phần lớn các DN trong vùng có quy mô sản xuất nhỏ, còn hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ và trình độ quản lý, lao động qua đào tạo nghề còn thấp, ít chuyên sâu... Mặt khác, phần lớn chủ DN đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ nên cũng có nhiều hạn chế. Do đó, các DN trong vùng có nhiều thua thiệt so với các DN ở các vùng khác trong cả nước và DN nước ngoài. Ở ĐBSCL, số lượng DN có qui mô dưới 200 lao động hiện chiếm 97,8% trên tổng số DN trong vùng, trong khi cả nước số DN có dưới 200 lao động chỉ chiếm 95,8%; còn số lượng DN có vốn dưới 1 tỉ đồng chiếm 48%, trong khi con số này, xét trên phạm vi cả nước chỉ 28%. Lợi nhuận của các DN ĐBSCL thuộc hàng thấp nhất so với các vùng khác. Tỷ lệ lao động kỹ thuật, lao động được qua đào tạo nghề còn thấp, mới đạt khoảng 14,3% trong khi trung bình cả nước đạt 20%. Về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, hiện chỉ mới tập trung nhiều ở các DN chế biến thủy sản và dược phẩm, còn lại các ngành khác chưa đáng kể...

Theo ông Lê Đình Tiến, Chuyên gia tư vấn độc lập, Giảng viên Chương trình đào tạo của Hiệp hội DN TP Cần Thơ, hiện nay nhiều DN tại ĐBSCL bị giảm sức cạnh tranh do DN chưa tổ chức và quản lý tốt quá trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm các chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Sự quan tâm của lãnh đạo DN đến cán bộ quản lý và bộ phận sản xuất chưa phù hợp, công tác hoạch định và kiểm soát các nguồn lực vật chất trong quá trình sản xuất chưa tốt. Nhiều DN còn đánh giá quá trình sản xuất thông qua kết quả và số lượng sản phẩm làm ra chứ chưa đánh giá bằng hiệu quả. Do đó, đã để cho quá trình sản xuất còn nhiều lãng phí. Ông Lê Đình Tiến phân tích: “Có 3 lĩnh vực ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN là chất lượng sản phẩm, tính linh hoạt, chi phí tốt. Nhưng hiện nay, chủ DN thường chỉ coi số lượng sản phẩm làm ra có đảm bảo chất lượng và đủ sản lượng chưa, chứ ít ai quan tâm đến những lãng phí trong quá trình sản xuất. Trong khi chi phí sản xuất là một yếu tố bao trùm và có nhiều quyết định đến sức cạnh tranh sản phẩm của DN”.

Ngoài những nguyên nhân từ nội tại của DN, thì sức cạnh tranh của nhiều DN ĐBSCL còn bị tác động từ các yếu tố khách quan như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu. Anh Nguyễn Phương Nam, Trưởng Phòng Doanh nghiệp vừa và nhỏ - VCCI Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu và thiếu đã làm tăng giá thành sản xuất và kinh doanh, khiến DN bị giảm sức cạnh tranh so với các DN ở các vùng khác. Cụ thể, ngành vận tải biển tại các tỉnh, thành ĐBSCL còn rất yếu, phải trung chuyển hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh. Nếu cơ sở hạ tầng giao thông ở ĐBSCL tốt hơn bây giờ, thì các DN có thể tiết kiệm được từ 7-10 USD/tấn hàng hóa trong khâu vận chuyển và bốc vác.

* Nâng cao tính cạnh tranh: cách nào?

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cảng, giao thông, quy trình giải quyết các hồ sơ thủ tục...), đồng thời có các chính sách hỗ trợ thích hợp cho DN. Chẳng hạn như, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực, có sự bảo hộ mạnh mẽ và có hiệu quả đối với quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)... Bên cạnh đó, điều quan trọng là các DN phải tự nâng cao tính cạnh tranh bằng cách đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm. Theo ông Lê Đình Tiến, DN cần nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Cung cấp công cụ và phương pháp quản lý, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và loại trừ lãng phí. Quan tâm nhiều đến những lãng phí trong quá trình sản xuất, có biện pháp hoạch định và kiểm soát các nguồn lực vật chất trong sản xuất sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất. DN sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh nếu chi phí sản xuất thấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Văn phòng Đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, bảo hộ và phát triển quyền SHTT cũng là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam. SHTT chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bí mật kinh doanh. Tuy là công cụ đắc lực, nhưng thực tế SHTT chưa được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng một cách có hiệu quả để phát huy tối ưu những lợi ích mà nó mang lại trong sản xuất kinh doanh. DN Việt Nam có 95% là DN vừa và nhỏ, hạn chế về vốn nên gặp khó trong đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Công tác thực thi quyền SHTT cũng còn hạn chế. Việt Nam đã là thành viên của WTO nên các DN cần phải đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của SHTT, bảo vệ SHTT của DN. Chúng ta đã tham gia vào “sân chơi” mang tính toàn cầu. Không sử dụng hoặc sử dụng không đúng công cụ SHTT không những không thể khai thác tính đắc lực của công cụ này mà chúng ta có nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” vì vi phạm “luật chơi”...

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chính quyền TP Cần Thơ đã, đang và sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hội nhập và vươn ra thị trường quốc tế. Nhưng các DN cũng cần chủ động khai thác những điều kiện thuận lợi, khẳng định thế mạnh và sức cạnh tranh của mình”. Theo ông Trần Tuấn Anh, ĐBSCL phát triển còn chậm hơn một số vùng miền khác trong nước, nên DN trong vùng cũng có nhiều khó khăn so với các vùng khác như: nguồn nhân lực, vốn, quy mô sản xuất, môi trường kinh doanh còn hạn chế... Do đó, có nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Chính quyền các địa phương trong vùng phải có sự phân tích và loại trừ những điều còn hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh, có sự hỗ trợ cần thiết cho DN. Đặc biệt là hỗ trợ về mặt chính sách, có quy trình giải quyết các hồ sơ thủ tục nhanh, hỗ trợ DN trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận vốn. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong nước với DN nước ngoài và giữa các DN tư nhân với quốc doanh...

KHÁNH TRUNG – ANH KHOA

Chia sẻ bài viết