08/10/2023 - 22:01

Giải pháp hạn chế khai thác cát sỏi, bảo tồn sinh thái vùng ĐBSCL 

Là vùng đất được hình thành và bồi đắp từ phù sa, cát sông Mekong, tuy nhiên thời gian gần đây lượng phù sa, cát bồi đắp ở vùng ÐBSCL hạn chế, không còn nhiều như trước. Tình trạng này đã và đang đe dọa đến sinh kế, sản xuất, xây dựng của người dân trong vùng. Các giải pháp ứng phó, hạn chế khai thác cát, vật liệu thay thế cát cho xây dựng tại vùng ÐBSCL đang được nhiều nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đặt ra, cần sớm ứng dụng thời gian tới.

Ngành chức năng TP Cần Thơ kiểm tra cát vận chuyển trên sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ.

Ngành chức năng TP Cần Thơ kiểm tra cát vận chuyển trên sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ.

Cạn kiệt nguồn tài nguyên cát

Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), ÐBSCL đang đứng trước thách thức lớn, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và duy trì các chức năng sinh thái tự nhiên. Ở ÐBSCL, cát sông vốn được xem là vật liệu có giá thành rẻ, dễ khai thác tại chỗ đã trở thành thiết yếu trong xây dựng. Từ góc nhìn môi trường, cát sông là thành tố quan trọng của trầm tích cân bằng quá trình lún tự nhiên của đồng bằng, duy trì tính nguyên vẹn và khả năng chống chịu của ÐBSCL trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH). Khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra việc thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô. Ðến hết năm 2022, toàn vùng ÐBSCL có đến 596 vị trí sạt lở bờ sông (với chiều dài 582,7km) và 48 vị trí sạt lở bờ biển (dài 221,7km). Trong đó, có 99 điểm được phân loại sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp với đời sống của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đe dọa trực tiếp hệ sinh thái, môi trường tự nhiên của vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, thuộc WWF châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Giá trị của cát không chỉ nằm ở giá khai thác và vận chuyển, mà còn phải tính đến những chi phí đánh đổi khi chúng ta lấy cát ra khỏi sông, mà cái giá lớn nhất có thể là sự biến mất hoàn toàn của ÐBSCL vào cuối thế kỷ này nếu không có những hành động cấp thiết. Chúng tôi cũng hiểu rằng với nhu cầu phát triển cấp bách hiện nay, việc ngừng khai thác cát ngay lập tức là không thể, nhưng ngân hàng cát giúp chúng ta biết rằng, cát không phải là vô tận, việc khai thác tận thu vì lợi ích kinh tế trước mắt sẽ đem lại những hệ lụy to lớn hơn gấp nhiều lần. Ngay bây giờ chúng ta cần có một chiến lược sử dụng hiệu quả để bảo toàn phần lớn lượng cát còn lại nhằm duy trì một ÐBSCL ổn định và bền vững".

Theo báo cáo kết quả ngân hàng cát của WWF Việt Nam, hiện nay vùng ÐBSCL có trữ lượng cát ở đáy sông từ 367-550 triệu mét khối. Tổng trữ lượng cát này được tính toán chủ yếu dựa trên lớp cát di động. Từ kết quả này cho thấy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện tại, trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ÐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

Giải pháp ứng phó

Ngân hàng cát vùng ÐBSCL được WWF Việt Nam xây dựng dựa trên việc xác định các yếu tố, như lượng cát đổ về ÐBSCL qua 2 nhánh chính (sông Tiền, sông Hậu); lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác trong đồng bằng và trữ lượng cát hiện có ở đáy sông. Trữ lượng cát ở đáy sông đo được là 367-550 triệu mét khối và đã được tích lũy từ hàng trăm năm qua. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 0-0,6 triệu mét khối cát đổ ra vùng ven biển mỗi năm, trong khi đó lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn đã giảm xuống còn 2-4 triệu m3/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện thượng nguồn. Như vậy, có thể thấy với tốc độ khai thác cát hiện tại (35-55 triệu m3/năm), trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.

Dự án giảm thiểu tác động BÐKH và phòng, chống thiên tai (PCTT) được tổ chức WWF-Việt Nam hợp tác cùng Cục Quản lý Ðê điều và Phòng chống Thiên tai Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2019, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Ðức thông qua WWF Ðức. Dự án với những hoạt động chính: xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng trầm tích cho ÐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ÐBSCL; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách PCTT, phát triển bền vững ở ÐBSCL…

Mới đây, tại buổi công bố kết quả nghiên cứu về trữ lượng cát ở ÐBSCL, ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ÐBSCL thuộc WWF Việt Nam, cho biết: Vật liệu thay thế cát sông có thể kể đến là tro trấu. Trong năm 2022, ÐBSCL có khoảng 10,7 triệu tấn vỏ trấu, ứng với 1,9-2,7 triệu tấn tro trấu. Trong thời gian qua, tro trấu đã được ứng dụng làm phụ gia sản xuất bê tông. Vật liệu thay thế cát sông thứ 2 là cát nghiền. Nguồn cát nghiền này có thể lấy từ các mỏ đá trong và ngoài vùng ÐBSCL. Thời gian qua, cát nghiền đã được sử dụng để làm vữa xây, trát, bê tông mác thấp và sản xuất gạch không nung. Vật liệu thay thế cát sông thứ 3 là tro bã mía, có thể lấy từ các nhà máy mía đường có hoạt động đốt bã mía tại Tây Ninh và Sóc Trăng. Trên thế giới, tro bã mía được nghiên cứu để thay thế cát trong vữa, bê tông. Ở Việt Nam trở bã mía đã được nghiên cứu thay thế một phần xi măng trong sản xuất bê tông. Theo số liệu năm 2022, nước ta có 7,5 triệu tấn mía, ứng với 36.000-72.000 tấn tro. Vật liệu thay thế cát sông thứ 4 là bê tông tái chế (sà bần). Nguồn bê tông tái chế có thể được cung cấp 3,28 triệu tấn CTR/năm, ứng với 0,33 triệu tấn sà bần/năm. Thời gian qua, cả nước đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng bê tông tái chế trong xây dựng (gạch, cốt liệu bê tông), giao thông. Vật liệu thay thế cát sông thứ 5 là xỉ đáy, có thể được cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than như Trà Vinh, Ðồng Nai, Hậu Giang với khoảng 940.000 tấn/năm…

Ông Hà Huy Anh kiến nghị trong thời gian tới, các ngành chức năng cần thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế. Ðồng thời, thúc đẩy việc thực hiện các công trình sử dụng tiết kiệm cát hơn. Trong thời gian chuyển đổi từ phụ thuộc cát sông sang các vật liệu thay thế, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để có thể thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế, giúp chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường xây dựng…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết