25/02/2025 - 14:46

Giải pháp để tăng trưởng thị trường nội địa 

Xuất khẩu gặp nhiều thách thức và khó khăn, thị trường trong nước được xem là “điểm tựa” vững chắc cho sản xuất trong nước. Ngay tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, trong đó có TP Cần Thơ ghi nhận mức tăng trưởng. Theo Bộ Công Thương, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi. Ðể tăng trưởng thị trường nội địa 2025, Bộ Công Thương đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là: kích cầu tiêu dùng, đảm bảo nguồn cung, phát triển hạ tầng thương mại, kết nối cung cầu.

Khách hàng mua sắm Tết Ất Tỵ 2025 tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Điểm tựa

Ðể trợ lực cho thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thị trường thông qua các hội nghị kết nối cung cầu và định hướng tiêu dùng ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó đã hỗ trợ kết nối cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp và người tiêu dùng trao đổi hàng hóa thông qua bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ðồng thời hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử; thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin phân tích và dự báo thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước…

Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với sở công thương các địa phương tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, chương trình khuyến mãi tập trung, tổ chức các điểm bán hàng OCOP, chương trình bán hàng hóa trong các dịp lễ, Tết; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương…

Cùng với cả nước, những năm qua, ngành Công Thương TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết. Nhờ vậy, trên địa bàn  thành phố không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá; hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ ngay ở giai đoạn mua sắm cao điểm. Bên cạnh đó, ngành Công Thương thành phố nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu thông qua các chương trình hợp tác giữa các địa phương; hoạt động kết nối giữa nhà phân phối với hợp tác xã, hộ nông dân tìm đầu ra cho hàng nông sản; tích cực trong công tác hỗ trợ cho các đơn vị bán lẻ, các tiểu thương thực hiện chuyển đổi trong kinh doanh như phát triển mô hình chợ dùng tiền mặt…

Với hệ thống bán lẻ trải dài khắp cả nước, trong những năm qua, Liên hiệp hợp tác xã  Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của các thương hiệu bán lẻ: Co.opmart, Co.op Food, Co.oponline, Sense market, Sense city…) luôn tích cực cùng với các địa phương trong công tác ổn định giá, bình ổn thị trường. Ngay thời điểm đầu năm Ất Tỵ (tháng 2-2025) Saigon Co.op tổ chức hội nghị nhà cung cấp 2025 nhằm khẳng định mối quan hệ hợp tác cùng có lợi trong quá trình hợp tác kinh doanh. Ðây cũng là hoạt động nhằm đảm bảo cung ứng nguồn hàng mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.  

Xuyên suốt nhiều năm qua Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!) thực hiện thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã; cung cấp thông tin và tín hiệu thị trường để người nông dân dựa vào đó để lên kế hoạch sản xuất, tránh lâm vào tình trạng “được mùa mất giá”…

Giải pháp

Năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực để thị trường nội địa giữ đà tăng trưởng, trở thành “tuyến phòng ngự” vững chắc cho kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng trong năm 2025 đạt khoảng 12%. Với mức tăng trưởng 9,5% trong tháng 1, trong 11 tháng còn lại, trung bình mỗi tháng mức tăng trưởng cần duy trì tối thiểu 12,2%. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Bộ Công Thương xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Bộ Công Thương xây dựng các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Việc kích cầu tiêu dùng được thực hiện bằng việc tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao. Ðồng thời, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, phát động phong trào gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên nền tảng số.

Ðảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số bằng các giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng. Ðặc biệt, quan tâm đến việc cải tạo và nâng cấp hạ tầng thương mại truyền thống, kết hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại như ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ truyền thống.

Tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định thị trường thông qua các giải pháp như tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng. Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cân đối cung cầu, bình ổn giá cả, đặc biệt trong các dịp cao điểm để tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Năm 2025, TP Cần Thơ nỗ lực đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 139.523 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tháng 1-2025, thành phố ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,08% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 12.467,89 tỉ đồng.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, năm 2025 ngành Công Thương thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ và năng lượng thuộc lĩnh vực công thương. Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngành Công Thương về công tác chuyển đổi số…

Xác định những việc làm cụ thể cho ngành Công Thương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Hè cho rằng: Ngành Công Thương phải có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn để phối hợp tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi, các sự kiện, hội chợ triển lãm để kích thích tiêu dùng. Ðẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá, tìm kiếm doanh nghiệp, nhà đầu tư. Liên kết ngành, liên kết các địa phương để kết nối tiêu thụ, trao đổi hàng hóa. Ðồng thời quan tâm triển khai việc chuyển đổi số của ngành theo đúng kế hoạch; tiếp tục tham mưu phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua kênh phân phối hiện đại…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết