Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH
Ngoại Lãm sáu mươi tuổi.
Cháu Thanh Luyến, sinh viên đại học ngành dược, được gia đình giao tổ chức lễ mừng thọ ngoại. Cháu gái sưu tập được hàng trăm tấm hình bà, lúi húi chọn những hình đẹp nhất để làm một đoạn phim chiếu mở đầu lễ mừng thọ. Chợt quay ngang thấy ngoại Lãm đang ngồi hàng ba ngóng mây cuồn cuộn trắng trời; suối tóc chảy trắng phau phau lưng ngoại. Thanh Luyến tạm dừng việc chọn hình, cùng ngoại đi dạo quanh sân, cũng không ngăn được ngoại chợt buồn: Tuổi cháu bằng thời gian ngoại từ vườn ra phố chợ ở. Tính thẳng ra là phải sớm hơn vì ngoại ra từ trước khi con chào đời để chuẩn bị chu đáo đón cháu ngoại đầu lòng. Thôi, chuyện làm tiệc thọ từ từ hẵng tính. Ngoại muốn dẫn cháu về quê kỷ niệm tuổi này.
"Ngoại sang nhượng gia viên rồi!", Thanh Luyến lo lắng. "Còn quê! Con học dược cũng nên lội kinh rạch ruộng vườn nhìn sản vật, để lựa sản phẩm mà ra thuốc hay. Giờ lo cái nhà ghe về vườn dăm bữa, con cứ mang máy quay phim, máy tính cầm tay ghi cảnh vật, sự việc, âm thanh... để báo cho thầy thuốc hiện đại biết miệt vườn cũng có khối thứ có giá trị sinh tử với vạn vật đất trời".
***
Bà cháu về quê.
Rạch Ngọn sóng nước phù sa, bao dung biết bao đời người cất nhà lập ấp bấy nay. Bây giờ làng Ngọn nhà nhà xây cất khang trang vườn tược xum xuê, đồng lúa vàng, hầm cá bạc.
Ngoại cười, cho nhà ghe duềnh sóng rạch Ngọn. Chiều vàng. Ngoại cầm lái cho ghe rời bến Chùa chạy dọc làng xóm. Ghe chạy chầm chậm để cô cháu gái quay phim nhà cửa vườn tược câu lưới… Rồi ghe ra đồng làng tới gốc bồ kết rạch Ngọn. Ngoại vội vã lên bờ ngồi thụp xuống đám rễ bồ kết nổi quằn nổi quấn gốc cây. Bồ kết lão vươn cành nhánh chi chít những chùm trái tháng mười chín đen. Ngoại cầm cây lược gỗ nhẹ đưa hàng răng lược trên mái tóc bạc gợi nhớ một thời lừng tiếng "Bồ kết niềng Lãm". Thanh Luyến ôm máy quay phim lên bờ lấy tiếp hình ảnh, lòng mừng nghĩ tới những hình ảnh này sẽ được chiếu ngày chúc thọ ngoại.
Bỗng có chiếc ghe rẽ nước tới. Người phụ nữ chừng tuổi má Thanh Luyến nhào lên bờ với ngoại. Hai người ôm nhau, hai mái đầu cà cà vào nhau cứ như muốn san sẻ những sợi bạc, sợi đen cho nhau. Người phụ nữ không kìm được tiếng vui: "Cô Lãm về! Cô Lãm của Hai Đài về!".
Mấy chục năm trước cũng gốc bồ kết này Hai Đài cũng nhào tới dụi đầu vào cô Lãm: "Cả làng Ngọn ai cũng bảo đây là bồ kết của cô Lãm. Lâu nay cứ nửa đêm cháu ra đây lấy trái chín rớt gội cho mình cũng có mái tóc đen mướt như cô". Rồi Hai Đài khóc: "Cô ơi, cháu có bầu rồi, người ta bỏ đi rồi". Hai Đài phận côi cút, quanh năm cắm mặt buôn bán cá tôm ở chợ, một lần lỡ dại mang thai rồi bị bỏ rơi. Cô Lãm đi lo chuyện thuốc thang cho Đài uống cầm dưỡng thai nhi, lo chuyện ăn uống nghỉ dưỡng đến ngày Hai Đài mẹ tròn con vuông. Món quà kỷ niệm chia tay Đài ngày cô Lãm ra chợ là tặng Đài cái nhà ghe và số đồ gia dụng hằng ngày.
***
Bao lâu gặp lại, câu đầu tiên ngoại Lãm hỏi Hai Đài là bé Lộc sao rồi? "Dạ nó lớn gần bằng Thanh Luyến kia. Cũng mái tóc bồ kết đen đẹp như ngoại Lãm năm nào". Chẳng mấy hồi mà có đôi trai gái chạy ghe tới. "Thằng Nữa và con Lộc sống với nhau mấy năm rồi", Hai Đài kể. Nữa và Lộc mừng ngoại Lãm, quỳ gối tay xá miệng chào rối rít. Ngoại hồ hởi ngồi chen giữa hai cháu, dòm mặt cháu hỏi sinh sống ra sao?
Nữa vui vẻ đáp. Nữa dân là chợ nổi ngoài huyện, bốc vác mướn và "hốt nóng" hàng của các bà, các dì ở vườn ra chợ rồi bỏ mối lại cho các sạp. Thấy niềng Lộc bán rau cỏ nội đồng mái tóc đẹp như mây, Nữa sắm cái nhà ghe mới cảo chèo tới sát xuồng Lộc; mở lời rủ Lộc cùng làm ăn, vốn liếng Nữa lo, Lộc góp kinh nghiệm lo công chuyện, lời chia năm - năm. Lộc nhíu mày bặm môi trả lời: "Má Hai Đài dặn Lộc ra chợ nhớ giữ thân trong sạch". Nói vậy là có ý ngầm khinh rẻ thằng trai dụ gái, Nữa nén bực tức, cất lời thiệt đàng hoàng: "Tôi tìm người biết làm ăn, cho bản thân và cả người hợp tác có được cuộc sống tốt". Lộc nghe nói lặng người… và thế là thành cặp làm ăn! Gì chứ cô Lộc mái tóc xanh dài, đi bán bồ kết gội đầu là ăn khách hết biết. Từ đó cứ nhằm tháng mười, tháng mười một mua bồ kết chín về gọt tách trái phơi cùng vỏ bưởi xả cho khô để bán quanh năm… Trái bồ kết trong dân gian còn trị được nhiều bệnh thông thường. Lộc bảo bồ kết còn chữa bệnh sinh đẻ khó. Ngoại đã lo cứu giữ đời cho cháu Lộc, lại còn để lộc là cây bồ kết Lãm bờ rạch Ngọn. Cám ơn ngoại!
Ngoại Lãm giới thiệu Thanh Luyến với gia đình cô Hai Đài, Thanh Luyến hiểu là ngoại bảo cháu lo tổ chức, lên kế hoạch làm ăn với gia đình bồ kết. Cây bồ kết quý giá từ trái, đến tất cả các bộ phận rễ, gai, lá, chồi và các chất của nó được các nhà khoa học nghiên cứu chiết xuất ra ứng dụng lo tật bệnh sinh tử con người. Mọi người bàn tán vui mừng. Đám chim chóc trên tàng cây tung cánh. Những trái bồ kết chín liệng xuống, Nữa bắt trái bay liệng nhìn ngoại Lãm: "Mơi mốt làm ăn, lấy thương hiệu "Giai nhân bồ kết" ngoại hén!".