 |
Hiện nay, nông dân phải mua phân urê với giá khoảng 470.000 đồng/bao. |
Thời gian qua, giá đầu ra nhiều loại cây trồng và vật nuôi cứ “nóng-lạnh” thất thường. Thêm vào đó, nhiều loại dịch bệnh (như cúm gia cầm, heo tai xanh...) vẫn còn diễn biến phức tạp, tạo nhiều rủi ro trong sản xuất của nhà nông. Trong bối cảnh đó, nhà nông phải đối mặt với tình trạng giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi cứ tiếp tục “leo thang”...
NỖI LO TĂNG CHI PHÍ SẢN XUẤT
Khoảng 2 tuần qua, giá nhiều loại phân bón đã bình ổn, không còn tiếp tục tăng thêm nhưng vẫn ở mức rất cao. Cụ thể: phân DAP (Trung Quốc) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố ở mức: 1.250.000 -1.270.000 đồng/bao; phân Urê Phú Mỹ: 470.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu: 770.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 Việt -Nhật: 660.000 đồng/bao; Kali (Canada) 670.000 đồng/bao; Lân Long Thành: 225.000 đồng/bao. Với mức giá trên, nhiều loại phân bón đang ở mức cao hơn từ vài trăm nghìn đồng/bao so với hồi đầu năm 2008. Còn so với cách nay 1 tuần, hiện giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật đã tăng từ 15-20%. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại thuốc trừ sâu, rầy. Ông Nguyễn Phú Quốc, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phú Quốc ở xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng nên nhà sản xuất đã điều chỉnh tăng giá các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nếu so với hồi đầu năm, hiện giá một số loại thuốc trừ sâu, rầy đã tăng gấp đôi”.
Khoảng 1 tuần qua, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi (như: thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản) tại TP Cần Thơ cũng tăng thêm bình quân khoảng 200 đồng/kg so với hồi đầu tháng 6-2008. Giá thức ăn Hi-Gro (loại đậm đặc dành cho heo thịt) tại nhiều cửa hàng trong thành phố đang ở mức 293.000 đồng/bao (25kg); thức ăn Hi-Gro loại viên (dành cho heo con): 259.000 đồng/bao; Hi-Gro loại hỗn hợp dành cho heo từ 15kg trở lên: 200.000 đồng/bao; giá thức ăn Kim Long (dành cho heo lớn và vịt) đang ở mức khoảng 175.000 đồng/bao. Còn giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho thủy sản ở mức từ 11.000 -15.000 đồng/kg, tùy theo độ đạm.
Bên cạnh giá các loại vật tư nông nghiệp tăng, nhà nông cũng đang gặp khó khăn trong việc thuê mướn nhân công do lao động từ khu vực nông thôn có xu hướng di chuyển về khu vực thành thị. Hiện nay, giá thuê mướn nhân công phục vụ cho việc sản xuất và thu hoạch lúa đang ở mức rất cao. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở ấp Tân Hưng, xã Tân Hưng, Thốt Nốt, cho biết: “ Chi phí bỏ ra để sản xuất một công lúa đang ở mức từ 1,3-1,5 triệu đồng. Hiện giá thuê cắt lúa ở mức từ: 100.000-120.000 đồng/công (lúa đứng) và 180.000-210.000 đồng/công (lúa ngã); công vạn (thu gom, vác lúa) 120.000 đồng/công; Công suốt 80.000 -90.000 đồng/công... Tuy nhiên, vào những khi bước vào vụ thu hoạch rộ lúa lại rất khó tìm thuê mướn nhân công”.
NÔNG DÂN ĐỐI PHÓ RA SAO?
Hiện nay, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Thời điểm này giá lúa hè thu sớm ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, cao hơn 700-800 đồng/kg so với tháng 3-2008 (lúc còn thu hoạch rộ lúa đông xuân 2007-2008). Nhưng nhà nông vẫn không vui do chi phí sản xuất cũng tăng mạnh. Với giá bán lúa hiện nay nhà nông không có lời nhiều, thậm chí bị lỗ. Anh Lý Tiền Minh, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, nhẩm tính: “Bây giờ, giá gạo bán trên thị trường đã ở mức trên 10.000 đồng/kg, còn gạo thế giới tới 1.000 USD/tấn nhưng giá lúa nông dân bán còn thấp. Vụ này tôi làm 2 công, lúa chỉ đạt năng suất 20 giạ/công. Trừ đi chi phí (chưa kể công nhà) tính ra chỉ huề vốn”. Còn ông Nguyễn Văn Nhân, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, than thở: “Với giá vật tư tăng cao như hiện nay làm ruộng rất ngán nhưng hổng lẽ bỏ đất trống. Vụ này tôi làm 4 công, đạt năng suất 35 giạ/công (công 1.300m2) nhưng với giá bán hiện tại tính ra tôi chỉ thu lời được khoảng 500.000 đồng/công. Bây giờ giá cả hàng hóa cái gì cũng tăng, giá lúa phải ở mức khoảng 6.000-7.000 đồng/kg nhà nông mới dễ thở. Các năm trước, giá lúa tuy thấp nhưng phân bón cũng thấp. Bây giờ phân bón quá cao, bán trên 10 giạ lúa mới mua được 1 bao DAP!”.
Song, đa số nhà nông vẫn chấp nhận chịu thiệt thòi, bỏ công làm lời để duy trì việc sản xuất lúa. Còn hiện nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều nhà nông đã bắt đầu hạn chế phát triển nuôi nhiều loại vật nuôi như: heo, vịt, thủy sản... Nguyên nhân do phải bỏ chi phí đầu tư cao nhưng độ rủi ro nhiều và các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi không còn cho mua chịu tiền thức ăn chăn nuôi như các năm trước.
Anh Lê Thanh Ngọc ở ấp 4, xã Thới Hưng, huyện Thốt Nốt, giải thích: “Giá heo hơi đang ở mức 4 triệu đồng/tạ, nông dân khó có lời, phải 4,5 triệu đồng/tạ mới thu được lợi nhuận. Hiện có 90% số hộ dân trong ấp tôi đã nghỉ nuôi, chỉ những hộ có heo nái là còn giữ con giống lại nuôi heo thịt do giá con giống và thức ăn đều rất cao. Bây giờ giá heo giống (loại khoảng 8kg/con) cũng đã ở mức trên 1 triệu đồng/con. Trước đây, tôi có nuôi 10 con heo thịt nhưng do giá thức ăn tăng cao quá mà giá heo hơi luôn bấp bênh nên tôi nghỉ nuôi. Hiện tôi chỉ còn 2 con heo nái để lấy heo con bán”.
Bà Hồ Thị Thanh Giang, Chủ một cửa hàng thức ăn chăn nuôi ở Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Do giá thức ăn tăng cao, nhiều nông dân hạn chế nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, nên sức tiêu thụ nhiều loại thức ăn thủy sản đang giảm 30%, còn thức ăn cho heo và gia cầm giảm 50% so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng bình quân 1-2 lần/tháng, với mức tăng từ 3.000 -5.000 đồng/bao(25kg)/lần. Để bảo toàn vốn, hiện tôi rất ít bán chịu thức ăn chăn nuôi cho nông dân”. Còn ông Phan Doản Tặng, Chủ Cơ sở cá giống Tư Đại ở Ô Môn, TP Cần Thơ, cũng cho hay: “Hiện nay, sức tiêu thụ nhiều loại cá giống tại cơ sở đang giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Theo tôi sức tiêu thụ giảm chủ yếu do giá thức ăn thủy sản tăng cao, chứ không phải do giá cá giống. Trong khi đó, giá đầu ra nhiều loại thủy sản chỉ tăng nhẹ hoặc thấp hơn giá thành sản xuất, nên nhiều người ngán ngại phát triển nuôi các loại cá”.
Với tình hình giá các chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, thiết nghĩ, việc “liên kết 4 nhà” và tổ chức lại việc sản xuất, buôn bán hàng sao cho hợp lý, tiết kiệm chi phí là điều rất cần thiết hiện nay, nhằm tránh cho nhà nông bị chịu thiệt nhiều!
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG