01/01/2010 - 21:53

Gia tăng tiện ích dịch vụ ngân hàng điện tử

Hiện nay, dịch vụ ngân hàng điện tử đang phát triển mạnh ở rất nhiều ngân hàng thương mại với các tiện ích như tra cứu thông tin tài khoản, chuyển khoản, mua sắm... chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên mạng Internet hoặc điện thoại di động. Đặc biệt, để “giữ chân” nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản của chủ thẻ ATM, lãi suất dịch vụ tiết kiệm điện tử cũng đang trở thành kênh huy động vốn mới mẻ vừa được một số ngân hàng triển khai ra thị trường.

* THÊM NHIỀU TIỆN ÍCH

Sau Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Đông Á (DongABank)... ứng dụng thành công các tiện ích thanh toán điện tử với các đối tác, mới đây Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Jetstar Pacific cũng đã đưa ra dịch vụ thanh toán tiền vé máy bay thông qua hệ thống gần 1.000 máy ATM. Đây là ngân hàng thứ hai cùng với Jetstar Pacific ứng dụng thành công công nghệ này, giúp hàng triệu hành khách thanh toán mua vé máy bay rất dễ dàng qua các dịch vụ thẻ. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã liên kết với Công ty Mobivi và Công ty du lịch Viettravel triển khai hình thức thanh toán tua du lịch trực tuyến bằng ví điện tử Mobivi... Như vậy, điều dễ nhận thấy là sau một thời gian tập trung phát triển tài khoản và thẻ thanh toán cá nhân về số lượng, hiện các ngân hàng Việt Nam đã chú ý nhiều hơn đến việc tăng cường các ứng dụng tiện ích thực tế trên thẻ.

 Thẻ rút tiền tự động ATM tích hợp nhiều tiện ích gia tăng đang trở nên quen thuộc với người sử dụng.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã “gây sốc” trên thị trường bằng việc tung ra sản phẩm thẻ ATM Flexicard. Đây là loại thẻ công nghệ chíp, kết hợp đầy đủ hai tính năng trả trước và ghi nợ, cho phép khách hàng thanh toán chi phí mua xăng dầu tại hơn 1.800 điểm phân phối xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc. Riêng tại TP Cần Thơ, hiện có 2 trạm ATM của chi nhánh PG Bank, trên 10 điểm thanh toán điện tử (POS) tại trạm xăng dầu của Petrolimex và mạng lưới thanh toán thẻ (Banknetvn) ở các trạm ATM ngân hàng khác. Khách hàng sử dụng thẻ Flexicard được tham gia chương trình “Đồng hành cùng thẻ xăng dầu Flexicard” quay số trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến trên 2,5 tỉ đồng. Chương trình “Khách hàng thường xuyên” tích điểm thưởng có thể quy đổi thành tiền mặt và chương trình ưu đãi giảm giá 250-350 đồng/lít khi mua xăng dầu tại trạm xăng Petrolimex.

Theo đánh giá của bà Trương Thị Hoàng Diễm, Giám đốc chi nhánh PG Bank Cần Thơ, sau gần 2 tháng thâm nhập thị trường thẻ ATM, số lượng thẻ Flexicard của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) toàn hệ thống đã đạt 50.000 thẻ. Đối với Petrolimex và PG Bank, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự thành công ban đầu khi một sản phẩm mới được vào thị trường. Với những tính năng vượt trội và lợi ích thiết thực như trên, hy vọng thẻ Flexicard của PG Bank sẽ là một sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam, mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Thực tế hiện nay cho thấy, áp lực huy động tiền gửi trong dân đang ngày càng khó đối với không ít ngân hàng khi nhiều kênh đầu tư khác đang hấp dẫn nguồn vốn nhàn rỗi trong dân hơn. Ngoài ra, nhiều khách hàng thường chưa có thói quen trữ tiền với số lượng nhiều trên tài khoản thẻ ATM vì nhiều nguyên nhân khác nhau như sợ không an toàn, hầu như các ngân hàng chưa chú trọng đến nguồn tiền nhãn rỗi của chủ thẻ, nên lãi suất cũng rất thấp, chỉ dao động khoảng 0,2-0,25%/tháng. Do đó, việc tăng lãi suất tiền gửi điện tử cũng đang trở thành một kênh huy động khá hiệu quả giúp ngân hàng thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của chủ thẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank), tiết kiệm điện tử là một kênh rất hiệu quả giúp khách hàng sử dụng tiền nhàn rỗi để sinh lời khi chưa có dự định đầu tư vào các kênh khác. Đặc biệt với kỳ hạn ngắn 1-2 tuần, những nhà đầu tư chứng khoán hay vàng, trong khi chưa quyết định đầu tư, nếu sử dụng sản phẩm này sẽ rất hữu ích. Dịch vụ tiết kiệm điện tử eSavings của TienPhongBank mới ra đời chưa đầy 4 tháng, nhưng đã có trên 1.500 khách hàng với số tiền gửi khoảng 110 tỉ đồng. Với dịch vụ này, khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn gửi linh hoạt từ 1 tuần đến 36 tháng và tất toán qua Internet Banking ở bất kỳ nơi nào. Ngoài ưu thế tiết kiệm thời gian, dễ dàng khi sử dụng, khách hàng còn được hưởng lãi suất khá cao (10,45%/năm cho kỳ hạn 1-36 tháng) so với gửi tiết kiệm tại quầy. Với các tiện ích về công nghệ giúp tiết kiệm tối đa các khoản chi phí không cần thiết như in ấn, thời gian, nhân công..., nên lãi suất tiết kiệm điện tử được nâng lên khá cạnh tranh.

* THAY ĐỔI THÓI QUEN DÙNG TIỀN MẶT

Sau một thời kỳ tập trung phát triển tài khoản và thẻ thanh toán, hiện các ngân hàng chuyển sang chạy đua phát triển dịch vụ thẻ thanh toán. Thẻ ATM không còn chức năng đơn giản là rút tiền mà các ngân hàng đang bổ sung thêm khá nhiều tiện ích công năng, dịch vụ thẻ, mở rộng hệ thống thanh toán thẻ. Các ngân hàng đã nhắm tới các dịch vụ tiện ích để cung cấp dịch vụ mua bán, thanh toán một số dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, cước điện thoại, taxi... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tài chính, ngân hàng với một cuộc chạy đua mở rộng hệ thống máy rút tiền tự động ATM ở khắp nơi từ khách sạn, siêu thị, chợ... và đến cả cổng trường đại học. Thay vì phát lương bằng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã trả lương nhân viên qua ATM để có thể rút tiền tại bất cứ chỗ nào đặt máy ATM.

Hiện nay, việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin đang được triển khai mạnh trong tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh doanh, thương mại điện tử. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều đơn vị đã nhanh chóng phát triển dịch vụ này để thu hút người dùng, trong đó có các ngân hàng với dịch vụ ngân hàng điện tử. Dịch vụ này đem lại cho khách hàng rất nhiều tiện ích như tính năng giao dịch 24/24, khách hàng không cần đến tận ngân hàng mà vẫn thực hiện giao dịch một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tính từ 2005 trở lại đây, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tâm lý của phần đông khách hàng hiện nay vẫn tỏ ra e ngại sử dụng dịch vụ này về tính xác thực và độ an toàn, nên chủ yếu vẫn nghiêng về giao dịch trực tiếp theo dạng giấy trắng, mực đen, có chữ ký và con dấu. Người dùng vẫn chưa dễ chuyển được thói quen chi tiêu tiền mặt sang nền “văn minh tiền nhựa”.

Cản trở duy nhất về phía khách hàng khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng điện tử là rào cản về mặt tâm lý. Sử dụng tiền mặt đã trở thành thói quen lâu năm của người dân. Muốn thay đổi, chúng ta cũng cần có thêm thời gian để tạo ra một tập quán tiêu dùng mới giúp chủ thẻ làm quen với các hình thức thanh toán đơn giản (hóa đơn tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông...) đến phương thức hiện đại hơn. Thực tế, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng điện tử rất dễ sử dụng, hiệu quả và an toàn, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và cơ hội rất lớn. Xét về mặt bảo mật, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về yếu tố công nghệ và con người. Trong mọi loại hình dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking hay Phone Banking, khách hàng luôn sở hữu một tài khoản đăng nhập và mật khẩu, chỉ duy nhất người sở hữu khóa bí mật mới có thể giải mã và đọc được thông tin. Một biện pháp đảm bảo tính xác thực và an toàn nữa là sau khi giao dịch được báo thực hiện thành công, khách hàng đều nhận được tin nhắn hoặc thư điện tử thông báo đầy đủ các thông tin về giao dịch như thời gian, số tiền, số bút toán... Đây chính căn cứ để khách hàng kiểm tra, khiếu nại bất cứ giao dịch nào.

Bài, ảnh: Văn Tuấn

Chia sẻ bài viết