|
Nông dân Cờ Đỏ, TP Cần Thơ mua phân bón để sản xuất lúa vụ 3. |
Từ đầu tháng 7-2008 đến nay, giá hầu hết các loại phân bón có xu hướng “hạ nhiệt” sau một thời gian tăng giá mạnh. Hiện nhiều loại phân DAP đã giảm 100.000-200.000 đồng/bao (50kg) so với tháng 6-2008. Còn giá nhiều loại phân bón khác như: Urê, NPK, Lân, Kali đang bình ổn hoặc giảm nhẹ vài chục ngàn đồng một bao so với tháng trước...
NHU CẦU NHÀ NÔNG GIẢM
Hiện giá phân DAP Trung Quốc (loại hạt đen, bán lấy tiền liền) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố đang còn ở mức 1.000.000-1.100.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt xanh và DAP Philippines: 1.200.000 -1.250.000 đồng/bao. Còn giá Urê Phú Mỹ ở mức 480.000-500.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu trâu của Nhà máy Bình Điền 770.000 đồng/bao; Lân (Ba lá xanh): 220.000 đồng/bao; Kali (Canada) 760.000 đồng/bao, Kali (Nga, Trung Quốc) từ 650.000-680.000 đồng/bao.
Giá phân bón đang “hạ nhiệt” nhưng đa phần nông dân chưa vui, do trong thời điểm không có nhu cầu mua phân bón nhiều. Mặt khác, giá phân bón giảm chủ yếu là phân DAP. Còn phần lớn các loại phân bón khác chưa giảm. Nhưng nhu cầu loại phân DAP đang rất ít. Thời gian qua do giá phân DAP quá cao, nhiều nông dân chuyển sang sử dụng các loại phân đơn gồm: Urê, lân, kali và phân hỗn hợp NPK. Thông thường nông dân bón phân DAP cho lúa trong các đợt bón đầu tiên nhằm giúp lúa xanh, nhanh vượt và tẻ bụi mạnh. Ít ai bón DAP trong các đợt sau vì sợ lúa dễ bị úng. Trong khi đó, hiện nhiều nông dân đã bón phân đợt 1 và đợt 2 cho lúa vụ 3. Nhiều diện tích lúa vụ 3 đang bị nhiễm sâu rầy, nên nông dân đang có nhu cầu tiêu thụ nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Từ đầu tháng 7-2008 đến nay, giá các loại thuốc BVTV đã tăng thấp nhất từ 12-15% so với trước, riêng giá nhiều loại thuốc BVTV của các hãng lớn (như: Syngenta) đã tăng tới 30% so với trước.
Ông Nguyễn Văn Vui, ở ấp Tân Phước 2, xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt, cho biết: “Giá phân DAP tăng quá cao nhà nông đã phải chuyển sang dùng các loại phân thay thế khác giá rẻ hơn như phân hỗn hợp NPK, nhưng trong lòng bất an do liên tiếp nghe thông tin về các loại phân NPK kém chất lượng được bán tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Vì vậy, nhà nông thường chọn phân NPK của các hãng lớn có uy tín hoặc sử dụng các loại phân đơn như: Urê, Lân, Kali. Riêng về các loại thuốc BVTV, nhà nông rất khó lựa những loại hàng giá rẻ. Khi có sâu rầy hại lúa nông dân phải ưu tiên lựa loại thuốc nào có hiệu quả nhất, giá cao cũng phải chấp nhận”.
Hiện nhiều nông dân ở TP Cần Thơ cho rằng, giá phân bón tuy đang bình ổn trở lại nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Trong khi đó, giá lúa và nhiều loại hoa màu, cây ăn trái chẳng những không tăng mà còn có xu hướng giảm và nhiều loại nông sản đang khó tiêu thụ. Ông Trương Văn Phát ở phường Thới Long, quận Ô Môn, cho rằng: “Nếu so giá lúa với phân bón, hiện phân bón vẫn đang tăng giá. Vào thời điểm cuối năm 2007, bán khoảng 3-4 giạ lúa đã mua được 1 bao Urê và khoảng 7-8 giạ lúa đủ mua một bao DAP. Nhưng giờ phải hơn 5 giạ lúa mới mua được 1 bao Urê và 10-12 giạ lúa mới mua được 1 bao DAP”.
Trên thực tế, hiện giá nhiều loại phân bón tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn rất nhiều so với hồi đầu năm 2008. Cụ thể, giá các loại phân DAP đang ở mức cao hơn từ 350.000- 600.000 đồng/bao so với tháng 1-2008. Riêng phân Urê và nhiều loại NPK cao hơn bình quân khoảng 150.000-200.000 đồng/bao so với đầu năm.
LO DOANH NGHIỆP HẠN CHẾ BÁN THIẾU
Nhưng lo lắng nhất của nhiều nông dân là việc nhiều doanh nghiệp (DN) và cửa hàng vật tư nông nghiệp đã không còn cho nông dân mua phân bón, thuốc BVTV thiếu nợ tiền như trước hoặc chỉ cho thiếu chút ít.
Hiện nay, nhu cầu phân bón phục vụ cho sản xuất lúa vụ 2 (lúa hè thu) hầu như đã hết, còn lúa vụ 3 nhiều nông dân không sản xuất nên nhu cầu cũng ít. Cùng với nguồn vốn tự có, các DN kinh doanh phân bón thường phải vay thêm vốn ngân hàng. Nhưng nhiều DN và cửa hàng vật tư nông nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất tiền vay ngân hàng tăng cao, nợ khó đòi tăng. Nguyên nhân do nhiều nông dân mua phân bón thiếu nợ tiền phân bón vụ lúa hè thu vừa rồi chưa thể thanh toán tiền nợ, vì giá lúa giảm lại chưa tiêu thụ được. Trước tình hình trên, để trả nợ ngân hàng, nhiều DN và cửa hàng kinh doanh phân bón đã chấp nhận bán phân bón với giá giảm chút ít hoặc bán huề vốn. Chính vì vậy, nhiều DN và cửa hàng vật tư nông nghiệp đang rất hạn chế việc bán nợ phân bón cho nông dân.
Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp tại thành phố, trong 6 tháng qua, sức tiêu thụ phân bón vẫn không bị giảm so với cùng kỳ năm trước, do lúa có giá nên nông dân phấn khởi. Đến thời điểm này, sức mua phân bón mới giảm mạnh. Bởi hàng năm, sản xuất lúa vụ 3 thường không trúng bằng các vụ trước nhưng nhiều rủi ro như: bị nước lũ, sâu rầy... Ông Lý Ngọc Hải, Chủ đại lý vật tư nông nghiệp Ngọc Hải ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho hay: “ Trong nhiều tháng qua, giá phân bón cứ liên tục tăng, với mức độ trượt giá chóng mặt. Bán xong lô hàng trước thường không đủ tiền để mua lại lô hàng sau, nên đồng vốn cứ liên tục bị thu hẹp. Hiện nay, các DN và cửa hàng vật tư nông nghiệp làm ăn rất dễ bị thâm vốn, trong khi nợ khó đòi có xu hướng tăng. Nhiều món nợ sau khi thu hồi được, cộng thêm tiền lãi bán theo dạng nợ, tính ra người bán phân bón bị lỗ do lãi suất tiền vay ngân hàng đã tăng với mức cao hơn. Do đó, các DN và cửa hàng kinh doanh phân bón buộc phải hạn chế tối đa việc bán hàng nợ tiền. Nếu có bán thì chỉ bán cho những khách hàng thật sự tin tưởng”. Còn ông Nguyễn Mạnh Vân, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân, ở thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Với tình hình lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, cộng với việc các nhà cung cấp phân bón không cho mua hàng gối đầu như trước mà phải trả tiền liền nên các cửa hàng kinh doanh phân bón buộc phải hạn chế bán thiếu nợ. Từ trước tới nay, nhiều nông dân bị thiếu vốn sản xuất nên phải chấp nhận mua phân bón với giá cao đến cuối vụ trả tiền. Hình thức mua bán này giúp hỗ trợ cho việc sản xuất của nông dân rất nhiều và nó tiện lợi hơn so với đi vay vốn ngân hàng. Do đó, tới đây nhiều nông dân sẽ phải gặp khó do nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón không cho nông dân mua hàng đến cuối vụ mới trả tiền”.
Cũng theo giới kinh doanh, hiện giá phân bón đang tạm lắng trở lại do nguồn hàng về nhiều, trong khi sức tiêu thụ phân bón yếu. Về lâu dài, nhất là vụ đông xuân tới, giá phân bón sẽ còn có nhiều biến động khó đoán, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, ước nhập khẩu phân bón các loại khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối tháng 9-2008, để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và dự trữ, Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 120.000 tấn. Riêng phục vụ cho vụ đông xuân (từ cuối tháng 9-2008 đến cuối tháng 3-2009) cả nước cần nhập thêm khoảng 300.000 tấn (cho cả lượng dự trữ).
Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) cho biết, sản lượng phân bón sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2008 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2007. Từ nay đến cuối năm, tổng công ty tiếp tục triển khai các giải pháp linh hoạt, đảm bảo không để thiếu phân bón và thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp. |