19/12/2008 - 20:54

Thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi

Giá giảm chưa đủ vực dậy sức mua

Gần đây, giá các loại phân bón trong nước liên tục giảm do giá phân bón thế giới giảm mạnh. Tương tự, giá các loại thức ăn chăn nuôi cũng giảm dần sau một thời gian đứng ở mức cao kỷ lục. Đây là một tín hiệu vui cho nhà nông. Song, điều nhà nông mong đợi còn có cả việc giá đầu ra các loại nông sản cần được cải thiện hơn. Hiện nay, do giá nhiều loại nông sản còn thấp nên sức mua nhiều loại vật tư nông nghiệp vẫn yếu.

* XU HƯỚNG GIẢM GIÁ

Giá nhiều loại phân bón (Urê, DAP, NPK,...) hiện đã giảm thêm 50.000-80.000 đồng/bao/50kg so với cuối tháng 11-2008. Giá phân Urê (Urê Quata và Phú Mỹ) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố chỉ còn 260.000-280.000 đồng/bao/50kg; Urê Trung Quốc (bao bì in bằng tiếng Anh): 255.000 đồng/bao; phân DAP (Trung Quốc): 580.000-650.000 đồng/bao, DAP (Tunasi, hạt đen): 530.000 đồng/bao; riêng DAP (Philippines, hạt đen):1.020.000 đồng/bao. Giá phân NPK 16-16-8 (Việt Nhật, Trung Quốc, Con Cò Pháp, Philippines) dao động từ: 450.000-660.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu, loại cao cấp: 665.000 đồng/bao; phân Kali (Canada): 550.000-580.000 đồng/bao; Lân (Long Thành): 165.000 đồng/bao.

Các năm trước, mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới, giá phân bón thường tăng hoặc đứng ở mức cao. Còn năm nay, các tỉnh, thành ĐBSCL bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân nhưng giá phân bón lại liên tục giảm, do nguồn cung trong nước dồi dào và giá phân bón trên thế giới giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp muốn giải phóng hàng tồn kho nhằm giảm áp lực lãi suất tiền vay ngân hàng đã chủ động hạ giá bán hàng, thậm chí chấp nhận chịu lỗ. Giới kinh doanh cho biết, gần 2 tháng qua giá phân bón đã liên tục giảm và hiện giá nhiều loại đã giảm khoảng 30-40% so với lúc giá lên đỉnh điểm hồi tháng 4 và tháng 5-2008. Tuy nhiên, hiện giá nhiều loại phân bón trong nước vẫn còn cao hơn giá thế giới do có tốc độ giảm chậm hơn. Với tình hình sức tiêu thụ nhiều loại phân bón có dấu hiệu giảm so với năm trước, dự đoán giá nhiều loại phân bón sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Nông dân chọn mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Danh ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. 

Hiện nay, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi (thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản) cũng giảm thêm 5.000-7.000 đồng/bao (25kg) so với tháng trước, do sức tiêu thụ yếu và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Tính chung, trong hơn 1 tháng qua, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi giảm khoảng 15-20%. Dù vậy, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức khá cao. Cụ thể, giá thức ăn gia súc công nghiệp loại dành cho heo con tại nhiều cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi khoảng: 290.000-305.000 đồng/bao; Hi-gro loại dành cho heo thịt: 190.000-200.000 đồng/bao. Giá thức Hi-gro loại cho gà vịt con: 185.000 đồng/bao/25kg; cho vịt thịt: 160.000 đồng/bao; thức ăn Con Cò (loại cho gà, vịt con): 295.000 đồng/bao/25kg; loại cho gà, vịt lớn khoảng: 210.000 đồng/bao/25kg. Giá thức ăn thủy sản Catfish (loại 30% đạm) ở mức 250.000 đồng/bao/25kg, loại 22% đạm:195.000 đồng/bao.

Theo giới kinh doanh, bên cạnh việc giá thức ăn chăn nuôi còn cao thì sự giảm giá giữa các loại gia súc, gia cầm và thủy sản đang cũng không đồng đều. Một số loại thức ăn giá giảm mạnh, nhưng cũng có loại hầu như chưa giảm, đặc biệt là các loại thức ăn thủy sản từ 30% độ đạm trở lên và các loại thuốc thú y. Bà Hồ Thị Thanh Giang, Chủ một cửa hàng thức ăn chăn nuôi ở quận Ô Môn, cho rằng: Giá các loại thức ăn chăn nuôi phải giảm thêm vài chục phần trăm nữa mới hợp lý so với giá các nguyên liệu đầu vào đang giảm. Hiện giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đang có mức giảm chưa bằng mức tăng của vài tháng trước đây.

* SỨC TIÊU THỤ YẾU

Chủ nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón tại thành phố cho biết sức tiêu thụ phân bón tại cửa hàng đang giảm 20-25% so với cùng kỳ năm trước. Sức tiêu thụ giảm do nhiều nông dân đang có xu hướng sử dụng phân bón tiết kiệm hơn. Trong khi đó, do các khoản nợ tiền phân bón từ vụ lúa hè thu và thu đông trước vẫn chưa thu hồi được nên nhiều cửa hàng hạn chế bán thiếu chịu tiền, làm doanh thu bị giảm. Anh Lý Ngọc Hải, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Hải ở quận Ô Môn, cho biết: “Dù nhiều nông dân chưa bán được lúa hoặc phải bán với giá rẻ và bị thiếu vốn sản xuất nhưng vụ này vẫn phải cố gắng đầu tư để sản xuất do đông xuân là vụ sản xuất chính, lúa có năng suất, chất lượng tốt nhất trong năm. Có điều, khi đầu tư mua phân bón, nông dân đã cân nhắc mua với số lượng hạn chế. Riêng về phía các cửa hàng, trước tình hình giá phân bón liên tục giảm và nợ khó đòi tăng, hầu hết đều không dám lấy hàng về nhiều mà chỉ lấy tới đâu bán tới đó, hạn chế tối đa việc bán thiếu”.

Gần đây, giá lúa đã nhích lên, song vẫn ở mức thấp nên nông dân vẫn còn lưỡng lự khi mua phân về bón cho lúa. Giá các loại lúa hạt tròn tại thành phố vẫn ở mức 2.800-3.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, bây giờ giá phân rẻ trở lại nhưng phải xài tiết kiệm, do hầu hết cửa hàng vật tư nông nghiệp đều không cho thiếu nợ tiền nữa. Bên cạnh đó, vụ lúa đông xuân nông dân ĐBSCL thường sử dụng phân bón ít hơn các vụ khác do sau mùa lũ đồng ruộng được bồi lắng một lớp phù sa màu mỡ. Mặt khác, trong bối cảnh giá lúa đầu ra chưa thuận lợi, nông dân phải cố gắng áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng phân bón và các chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thắng ở ấp Tân Qưới, xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt, phân tích: “So với vụ trước, hiện giá phân bón rẻ hơn nhiều. Song, tôi lo nhất là giá lúa đầu ra, giá lúa vụ đông xuân tới đây phải ở mức từ 4.000 đồng/kg, nông dân mới có lời. Tôi làm 7 công ruộng, vụ trước xài 50kg phân bón các loại/công nhưng vụ này tôi giảm xuống chỉ còn khoảng 40kg/công. Thời gian qua, có nhiều loại phân NPK giả bán trên thị trường nên tôi không xài phân NPK mà chỉ xài phân Urê, Lân và Kali. Riêng phân DAP tôi cũng không xài”.

Còn theo giới kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chưa bao giờ sức tiêu thụ mặt hàng này bị giảm mạnh như hiện nay. Tại nhiều cửa hàng trong thành phố, sức tiêu thụ các loại thức ăn gia súc, gia cầm giảm 50-60%, các loại thức ăn thủy sản giảm 80-90% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, một số cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi đang phải tạm thời nghỉ bán các loại thức ăn thủy sản do có quá ít người mua. Anh Hoàng Xuân Đạt, Chủ cửa hàng thức ăn Thủy sản Hoàng Xuân Dũng ở xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt, lý giải: “Thời gian gần đây, do giá cá tra và nhiều loại thủy sản đang ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên nhiều người sản xuất cá giống cũng như nuôi cá thịt bị thua lỗ buộc phải “treo ao”. Cụ thể, với giá cá tra đang ở mức 13.000-14.200 đồng/kg, hầu như người nuôi cá tra nào cũng bị lỗ. Bởi giá cá tra đầu ra đang thấp hơn giá thành sản xuất ít nhất khoảng 2.000 đồng/kg”. Thời gian qua, nhiều người nuôi gia súc, gia cầm cũng bị lỗ nặng do giá sản phẩm đầu ra bấp bênh và bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm thịt nhập khẩu có giá rẻ. Hiện nay, giá các loại thức ăn gia súc giảm nhưng mức giảm còn thấp, chưa đảm bảo cho người chăn nuôi có lời. Theo tính toán của nhiều người nuôi heo, giá thức ăn và các chi phí đầu vào (như con giống) giảm đã kéo chi phí chăn nuôi heo cũng giảm từ mức 3,4-3,5 triệu đồng/tạ xuống còn 2,9-3,2 triệu đồng/tạ. Giá heo hơi đang ở mức khoảng 3,1 triệu đồng/tạ, nuôi heo vẫn bị lỗ. Người chăn nuôi mong muốn giá các loại thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm thêm nữa thì mới bảo đảm có lời.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết