30/10/2020 - 09:47

Gia đình tài tử với nỗ lực truyền nghề 

Trong 6 nghệ nhân vừa được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của TP Cần Thơ, có nghệ nhân Lê Nam, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Nghệ nhân Lê Nam không chỉ có nhiều cống hiến và thành tích cho phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) ở địa phương, mà còn là người “giữ nghiệp truyền nghề” đầy tâm huyết.

Gia đình tài tử Lê Nam.

Ðến chợ Bông Vang (đoạn giáp xã Giai Xuân, huyện Phong Ðiền với phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) hỏi nhà ông Lê Nam, ai cũng biết. Bà con ngưỡng mộ gia đình này vì tài văn nghệ. Vợ chồng ông Nam và 2 con đều giỏi chuyện đờn ca, nhiệt tình với phong trào ở địa phương. Trong ngôi nhà nhỏ, hễ rảnh việc là các thành viên lại cùng nhau ca hát. Chỗ nào vợ, con ca chưa mùi, vô nhịp chưa êm hay luyến láy chưa chuẩn, ông Nam chỉnh sửa, chỉ dẫn từng chút.

Cách đây 5 năm, chúng tôi biết em Lê Thị Ngọc Hương, con gái ông Nam, khi em tham gia chương trình “Sân khấu học đường” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tại Cần Thơ vào năm 2015. Giờ đã là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ nhưng Ngọc Hương tuổi 18 vẫn yêu thích ÐCTT như ngày nào. Ngọc Hương kể: “Cha em thương con nhưng khó tính và nghiêm khắc trong tập dượt bài ca. Em mà thiếu tập trung hay lơ là là cha rầy liền. Cũng nhờ vậy mà tình yêu ÐCTT trong em cứ lớn dần từ giọng hát của cha”.

Nghệ nhân Lê Nam không chỉ là thầy dạy ca đầu đời của Ngọc Hương mà còn của nhiều đứa trẻ trong thôn xóm. Ðơn cử nữa là Quách Phú Thành, cậu bé từng tạo tiếng vang trong một chương trình truyền hình thực tế. Nhận thấy tố chất của Phú Thành, ông Lê Nam đã tập dượt cho em ca bản Nam Ai, tham gia Liên hoan ÐCTT quận Bình Thủy năm 2015 và đoạt giải. Sau đó, Phú Thành tham gia chương trình “Sân khấu học đường” rồi “Thử tài siêu nhí”, được huấn luyện bởi những nghệ sĩ giỏi nghề và hiện đang theo nghề ca hát. Nghệ nhân Lê Nam chính là người “đãi cát tìm vàng”.

Ở phường Long Tuyền, CLB ÐCTT 3 thế hệ hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Nghệ nhân Lê Nam là chủ nhiệm và cũng là người “giữ lửa” phong trào. Ðiểm đặc biệt ở CLB là có hơn chục thành viên còn đang là học sinh. Nghệ nhân Lê Nam và các thành viên lớn tuổi đã kỳ công quy tụ và đào tạo lực lượng kế thừa này. Ví như nam sinh lớp 11 Nguyễn Thanh Mạnh, từ chỗ “bù trất” về ÐCTT nhưng nhờ được chỉ dẫn nay đã ca được khá nhiều bài bản, bài vọng cổ.

54 tuổi nhưng đã có khoảng 40 năm theo nghiệp ÐCTT, nghệ nhân Lê Nam giờ xem di sản này như một phần cuộc sống của mình. Ông nhớ lại, trong xóm có ông Năm Chi là một nghệ nhân ÐCTT và nhạc lễ rất giỏi nghề. Ông Lê Nam bị cuốn hút bởi tài nghệ của ông Năm Chi và quyết chí học nghề. Chịu khó học hỏi, trau dồi, ông Lê Nam ngày càng vững vàng trong ca 20 bài bản Tổ của ÐCTT rồi vọng cổ, cải lương, thậm chí là Hò Cần Thơ. Trong đó, bài ca theo điệu Nam Xuân là ông Lê Nam tự tin và sở trường nhất. “Chuyện đờn ca này không có một khuôn khổ, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm dừng, vì vậy mình phải học hỏi thêm hoài”, ông Lê Nam tâm sự.

Căn nhà ông Nam đầy ắp bằng khen, giấy khen - thành quả sau mấy mươi năm “rút ruột nhả tơ” của một nghệ nhân yêu nghề, yêu di sản dân tộc. Hơn 60 giải thưởng các cấp, nhiều học trò đã thành danh, gầy dựng phong trào ÐCTT ở địa phương ngày càng lớn mạnh, nghệ nhân Lê Nam thỏa lòng với những cống hiến đó. Bà Trương Thị Lệ Hằng, công chức văn hóa - xã hội phường Long Tuyền, cho biết: “Nghệ nhân Lê Nam yêu nghề và tâm huyết trao truyền nghề ÐCTT cho rất nhiều người. CLB ÐCTT 3 thế hệ của phường hoạt động tốt thời gian qua cũng là nhờ ông làm đầu tàu”.

Nói về chuyện được đề cử xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông Lê Nam không giấu được niềm vui. Tuy nhiên, ông cũng thật tình chia sẻ: “Ðược tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thì quá tuyệt vời còn không thì tôi vẫn cứ làm nghề và truyền nghề. Làm sao để di sản ÐCTT được phát huy và phát triển thêm nữa”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết