“Ðến với đờn ca tài tử bằng niềm đam mê từ rất nhỏ, tôi không nghĩ chỉ là cuộc dạo chơi. Tôi mong muốn theo đến tận cùng đam mê của mình”, Nguyễn Ðức Kiên, chàng trai thuộc thế hệ GenZ chia sẻ như thế, khi vừa dứt tiếng đờn kìm.
Anh Nguyễn Đức Kiên, chàng trai GenZ mê cổ nhạc Nam Bộ.
Trong đêm công diễn Hội diễn Văn nghệ truyền thống Trường Ðại học Cần Thơ mới đây, tiết mục ca cổ “Mẹ Nguyễn Thị Xinh”, một sáng tác của soạn giả Thanh Quang, được thí sinh Thảo Linh, Khoa Ngoại ngữ, trình diễn rất hay, gây được sự xúc động với hàng ngàn khán giả. Từ Phụng hoàng, rồi vô vọng cổ, qua Ngựa ô nam… câu chuyện về một người mẹ anh hùng ở xứ Bạc Liêu được thể hiện trọn vẹn. Góp phần làm nên thành công cho tiết mục này còn nhờ tiếng đờn kìm nhặt khoan, bổng trầm đầy trữ tình, da diết.
Người đờn bài vọng cổ ấy chính là anh Nguyễn Ðức Kiên. Sau buổi diễn báo cáo, Kiên vác đờn ra ngoài sân, ngẫu hứng đờn mấy khúc Xàng xê. Dù nhạc công luôn ở phía sau hào quang sân khấu, nhưng Ðức Kiên vẫn chọn và quyết đi trọn đam mê.
Nguyễn Ðức Kiên sinh năm 2002, quê ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Anh vừa hoàn thành chương trình đại học của Trường Ðại học Cần Thơ, ngành Sinh học. Ðức Kiên chia sẻ rằng, lúc tốt nghiệp THPT, đăng ký tuyển sinh đại học, anh có nhiều ước mơ, dự tính cho tương lai của mình. Nhưng bây giờ, chỉ có một, đó là anh sẽ theo đuổi nhạc công cổ nhạc. Hiện, Ðức Kiên đã trúng tuyển ngành Nhạc công kịch hát dân tộc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, và sẽ tiếp tục học tập để nâng cao trình độ.
Gia đình anh Kiên không có ai làm nghệ thuật hay có năng khiếu ca hát, nhưng hàng xóm của anh là Nghệ sĩ ưu tú, danh cầm Trường Giang, nhạc công của Ðoàn Cải lương Hương Tràm. Từ lúc 6-7 tuổi, anh luôn ấn tượng về những tiếng đờn bổng trầm phát ra từ nhà hàng xóm. Anh kể, có lúc anh trèo lên hàng rào để xem chú Trường Giang làm sao mà phát ra âm thanh hay đến vậy. Rồi anh biết đó là tiếng đờn, anh qua nhà xem ông đờn, học hỏi từ ông, khi mới hơn 8 tuổi. Danh cầm Trường Giang cũng là người thầy đầu tiên dẫn dắt anh vào thế giới cổ nhạc Nam Bộ.
Một thời gian dài học “sơ sơ”, rồi tự tìm hiểu, đến khoảng năm 18 tuổi, anh có thể đờn một số bài bản tài tử, vọng cổ. Bước ngoặt mới chính là khi anh đến TP Cần Thơ học đại học, không khí sinh hoạt đờn ca tài tử, cổ nhạc đầy sôi động đã hun đúc quyết tâm trong anh. Anh tham gia Câu lạc bộ đờn ca tài tử Trường Ðại học Cần Thơ, các câu lạc bộ dân ca, cổ nhạc, sân khấu được thành lập trong sinh viên, quận Ninh Kiều và các phường của quận Ninh Kiều. Tham gia các câu lạc bộ này, anh Ðức Kiên được học rất nhiều từ những nghệ nhân giỏi nghề, và có dịp để trau dồi ngón đờn. Sau những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sau những giờ học trên giảng đường, anh Kiên lại ôm đờn tập luyện, làm sao để tiếng đờn thanh thoát, ngân vang, để tạo được bản sắc riêng cho bản thân.
Anh Kiên cho biết: “Hiện, tôi có thể sử dụng hai cây đờn là ghi ta phím lõm và kìm, nhưng tôi tự tin và sở trường vẫn là cây đờn kìm”. Ðờn kìm được mệnh danh là “quân tử cầm”, là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc tài tử, đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật sử dụng thuần thục, phong phú. Anh Kiên biết và lại thích vì điều đó, bởi anh luôn muốn thử thách bản thân. Theo anh, đờn kìm có tiếng nhạc trầm ấm, quyến rũ, cái khó là nhấn chữ đờn sao cho “tới” mà vẫn “mượt”. Mỗi khi chinh phục được một bài bản mới, anh thấy mình có thêm động lực. Và đó cũng là lý do anh theo học ngành Nhạc công Kịch hát dân tộc. “Tôi học để biết, để thỏa đam mê và quan trọng là để nâng cao trình độ. Ước mơ của tôi là sẽ học lên tiếp đại học, thạc sĩ về nhạc công cổ nhạc”, chàng trai sinh năm 2002 nói.
Hiện tại, anh Kiên vẫn thường cùng các nghệ nhân ca hỗ trợ các lớp truyền dạy đờn ca tài tử ở Trường Ðại học Cần Thơ, Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều… Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng, người từng gắn bó với anh Ðức Kiên ở nhiều lớp truyền nghề đờn ca tài tử, nói rằng: “Dù tuổi còn trẻ nhưng Ðức Kiên rất yêu đờn ca tài tử, chịu khó học hỏi, trao đổi và phục vụ mọi người. Cái quý ở Kiên còn là theo đuổi đam mê nghiêm túc, đến cùng”.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH