Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Mặt trời còn thấp tè trên ngọn cây xa xa, nắng còn mong manh trên mặt sông dập dềnh sóng, thì xóm chợ nổi đã có tiếng mũi ghe này cọ vào mũi ghe kia, tiếng máy nổ giòn tan. Bà con thương hồ đem trái khóm, trái ổi, bắp cải… treo lên cây bẹo ngoài mũi ghe thay cho lời rao hàng.
Ðó cũng là lúc tôi mở cửa ghe, leo lên trên mui bày biện, trưng trổ những trái khóm vàng như ướp nắng ra bên ngoài để thu hút ánh nhìn của khách du lịch. Tàu ghé qua ghe tôi, mua hay không mua, hào phóng nói nhiêu mua nhiêu hay chần chừ trả giá, thì việc gọt một trái khóm chín mùi vị ngọt đậm đà đãi khách là chuyện nhỏ.
Trồng khóm lâu năm, từ khi còn đi trồng thuê cho người khác cho đến khi có được đất rẫy của riêng mình, tôi hiểu được tâm tính của giống cây trồng không dễ cũng chẳng khó này. Mỗi lần thu hoạch, tôi ước lượng sao cho khi cắt khóm rời khỏi thân cây, vừa chở khóm bằng chiếc ghe nhiều năm đi lại trên những dòng sông miệt châu thổ này đến chợ nổi là lúc khóm chín vàng, chín tự nhiên mà không hề bị ép buộc. Bán hết số khóm trên ghe, tôi lại dong ghe về rẫy nhà. Mỗi chuyến đi như thế có khi kéo dài mười ngày, nửa tháng hoặc hơn. Và dù có đi hay về thì tôi cũng một mình.
Mấy lần cu Bin kéo áo tôi khi thấy tôi hì hụi gom chén đũa, nồi niêu, áo quần xuống ghe chuẩn bị một chuyến đi dài đến chợ nổi:
- Má đừng đi bán khóm nữa, đừng ra chợ nổi nữa, kêu lái tới mua đi má. Con thấy má cực quá.
Tôi dỗ dành:
- Má đi vài bữa má về. Ði buôn bán ở chợ nổi vậy chớ vui lắm, đồng lời cũng nhiều hơn...
Lúc cu Bin chưa tới tuổi đi học, tôi cũng đưa con đến chợ nổi cùng mình. Trong mui ghe tôi che chắn kín đáo, không dễ gì gió máy lọt vô, tôi lại cẩn thật rào chắn chỗ cửa trước, cửa sau nên cu Bin chỉ việc ngồi trong mui chơi đồ chơi, nhìn cảnh chợ nổi sầm uất qua vuông cửa nhỏ. Tới lúc cu Bin đi học, tôi quyết định để cu Bin ở nhà với má tôi, một mình đi ghe. Tôi vốn quen với công việc bươn chải trên những dòng sông bạt ngàn sóng trắng này từ thuở còn nhỏ dại theo má đi ghe mua bán hàng bông và đã quen thuộc chợ nổi từ bấy giờ.
* * *
Ngược xuôi chợ nổi nhiều năm, từ hồi tóc tôi còn đen mượt dài chấm lưng, từ hồi cu Bin chưa xuất hiện trên cõi đời này, cho đến khi tóc tôi thi thoảng điểm vài sợi bạc, ngắn hơn ít nhiều và cu Bin lớn lên từng ngày. Bao nhiêu năm trôi qua, những cuộc đi xa và trở lại, những chia ly và hội ngộ vẫn âm thầm diễn ra trên chợ nổi. Tôi thường ngồi trước mũi ghe trong những buổi chiều, hoàng hôn như tấm màn mỏng manh màu tim tím, đo đỏ, lam lam buông xuống dòng sông nước lớn. Nhà cửa hai bên bờ sông đã lên đèn, từng đốm sáng in hình xuống nước, lung linh như những ngọn hoa đăng được thả trên bến chùa trong ngày rằm, dịp lễ hội.
Những buổi chiều như thế, biết tôi đã rảnh, Nam thường gọi cho tôi, hỏi thăm chuyện buôn bán trong ngày, chuyện cụ Bin, sức khỏe của má tôi và thường kết thúc bằng câu: “Nếu em vẫn muốn tìm một công việc, anh luôn ở đây giúp đỡ em”. Lòng tôi vô cùng biết ơn Nam. Tôi và Nam cùng học đại học nông nghiệp. Nam đang làm nghiên cứu ở viện lúa, còn tôi thì rẽ ngang...
Tôi biết Nam thầm thương tôi từ thuở tôi và Chiến còn hò hẹn vào những chiều trên giảng đường. Nam luôn dõi theo, bảo vệ và tìm cách giúp đỡ tôi khi Chiến đã rời đi. Nhà Chiến khá giả, anh có điều kiện nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định xuất ngoại tu nghiệp, cùng lời hứa hẹn sau này anh trở về sẽ cưới tôi, sẽ cùng nhau đi khắp đồng bằng châu thổ để nghiên cứu giống cây trái làm giàu quê hương mình. Tất nhiên là tôi gật đầu trong niềm hạnh phúc.
Chiến đi, để lại trong tôi một nỗi nhớ vô bờ, đêm ngày mơ mộng, nuôi nấng hy vọng tương lai lứa đôi. Khi tôi biết sự tồn tại của cu Bin trong bụng mình, niềm mong chờ càng mạnh mẽ. Rồi một chiều mùa mưa năm ấy, những trông chờ và hy vọng đã vỡ trong tim tôi. Chiến nói tôi thôi chờ anh, bởi có thể anh sẽ chưa trở lại ngay khi kết thúc khóa tu nghiệp. Vậy nên, cu Bin ra đời, tôi trở về quê nhà sống cùng má tôi, lúc này đã thôi đi ghe hàng bông. Lúc đó nếu không có gia đình, có má bên cạnh dang tay vỗ về, tôi đau khổ tưởng như không sống nổi. Người xứ tôi trồng khóm rất nhiều, tôi bắt đầu cuộc sống mới bằng những kiến thức từ trường học, cùng những rẫy khóm quê hương, rồi lại đi ghe về phía chợ nổi...
* * *
Một buổi chiều cuối xuân, tôi bán hết số khóm thu hoạch vụ này nên lên mui ghe hóng gió trước khi tạm biệt chợ nổi một đoạn thời gian. Gió sông phần phật. Cái lành lạnh của mùa gió chướng đã biến tan, nhường chỗ cho cái nắng xâm xấp và ngọn gió mát lành lồng lộng qua sông. Tôi ngồi nhìn sông nước mênh mông. Không biết vô tình hay hữu ý, tôi bắt gặp hình ảnh vợ chồng bác Ba đã có hơn nửa đời đi ghe thương hồ đang nổi lửa nấu cơm ở sau lái, khói bay lên hòa vào không gian sông dài trời rộng. Cặp bên là vợ chồng em Hạnh mới cưới, khởi nghiệp bằng ghe ẩm thực trên chợ nổi phục vụ du khách, đang lúc rảnh rỗi cùng nhau nhìn cánh chim trời chao đảo trên ráng chiều đẹp đẽ.
Tôi nghĩ về mình, về cu Bin, về Chiến và về Nam. Chiến chắc giờ này cũng đã ấm êm ở xứ người. Tôi không còn hận Chiến vì với tôi, câu chuyện tình yêu cùng anh như một giấc mơ mà tôi đã tỉnh dậy từ nhiều năm trước. Cu Bin đã lớn khôn, đủ để hiểu rằng má của cu Bin đơn độc một đoạn đời đủ dài. Có lẽ vì vậy mà gần đây cu Bin hay nhắc đến Nam và nói rằng chú Nam thương má lâu dài như vậy, má còn nghĩ ngợi chi nhiều má ơi. Nhưng với Nam, tôi vẫn còn nhiều mặc cảm, bởi tôi chỉ là người phụ nữ vất vả với rẫy khóm, ghe thương hồ trên chợ nổi, liệu có xứng với anh...
Hôm ấy, sông lặng sóng. Cánh chim trời vẫn mải miết bay. Chợ nổi về chiều vắng thinh, nhà ghe đã lên đèn và điệu đờn cò, đờn bầu của chú Hai ở chiếc ghe bên cạnh đã vẳng lên tự hồi nào. Tự dưng tôi nhớ đến Nam. Tôi muốn gọi để nghe giọng nói của anh. Tôi lấy điện thoại ra và gọi. Tôi sẽ từ từ hỏi Nam, để thêm can đảm mà bỏ hết mặc cảm trong lòng...