12/02/2012 - 10:56

Gánh hát bội cuối cùng ở Cần Thơ

“Ái khanh ơi, quả Điều Thị Tam Xuân hạ chỉ, tam quân vây cả hoàng cung, một hai cũng quyết bắt nàng, tấn thối ôi vô phương đào tẩu rồi…” – ông Hiếu mân mê tấm hoàng bào cùng chiếc mão vua, chân nhịp theo mấy câu trong tuồng “Trảm Trịnh Ân”. Mắt ưu tư nhìn vào rương phục trang, ông Hiếu nhớ về một thời “làm vương làm tướng” trên sân khấu hát bội cùng những chuyến đi hát trên chiếc ghe bầu đã xa xăm…

* Ba đời hát bội, làm bầu

Nhà của ông Hiếu nằm sâu hút trong một khu đất trống ở Trung tâm Thương mại Cái Khế. Căn nhà xiêu vẹo, che bằng những tấm bạt ni lông lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Đêm đêm, ở khoảng đất trống trước nhà, ông Hiếu vẫn dạy con trai cùng mấy đứa cháu hát bội. Dù dáng người nhỏ nhắn nhưng khi nhập vai, ông Hiếu thoăn thoắt bước tấn, bước bộ rồi gọi: “Quân sĩ! Quân sĩ...”. Ông lấy tay đỡ cằm cậu con trai út, chỉnh nhếch lên một chút, nhắc: “Mặt vua phải hiên ngang, khí phách!”. Say sưa như thể ông đang ở võ ca của đình để diễn nhưng rồi cơn ho lại khiến ông sặc sụa, mệt lả. Ông lắc đầu cay đắng: “8 tháng nay bệnh trở nặng, không đi hát được nữa. Nằm lay lắt ở nhà mà lòng buồn đứt ruột!”.

Gánh hát bội Thành Phước của Bầu Hiếu hát tại Lễ hội Kỳ Yên đình Thới Bình – Tân An (TP Cần Thơ).
Ảnh: C.T.V 

Ngôi nhà nhỏ chỉ khoảng 4 người ngồi đã thấy ngột ngạt, chật chội. Trong căn nhà ấy, ông Hiếu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời hát bội, làm bầu của mình.

Ông tên thật là Huỳnh Văn Hiếu. Cách đây 15 năm, cha ông Hiếu qua đời. Không đành nhìn gánh hát bội Thành Phước của ông cha sụp đổ, ông Hiếu quyết định mở lại gánh Thành Phước và bắt đầu nghiệp làm bầu. Từ đó người ta quen gọi ông là Bầu Hiếu. Bầu Hiếu là đời thứ ba nối nghiệp của ông nội – tức Bầu Lắm và cha –Bầu Đực, đều từng nổi danh một thời ở đất Cần Thơ. Các cô, chú, anh em chú bác của ông đều là nghệ sĩ hát bội. Ngoài gánh hát bội “Thành Phước”, gia tộc của Bầu Hiếu hiện còn hai gánh hát bội khác khá nổi tiếng của hai người dì là “Hồng Châu” ở Bạc Liêu và “Minh Khai” ở Sóc Trăng.

Chậm rãi lấy khăn ướt lau bộ ngực ốm o, ông Hiếu cười: “Nghĩ lại nghề hát bội dính vào tôi như một cái nghiệp nên đành vương mang”. Từ khi còn bé, ông Hiếu đã theo ghe hát xuyên suốt những chuyến diễn miệt Bạc Liêu, Sóc Trăng... Vậy rồi tiếng đờn, tiếng hát trên sân khấu hát bội cứ quyện chặt vào ông. Lên 10 tuổi, ông Hiếu đã được ông nội cho đóng chạy bận (tức vai quân sĩ hoặc dâng rượu). Lớn lên một chút, ông được ông nội và cha truyền nghề đóng những vai trong các tuồng tích xưa. Mới 20 tuổi, ông Hiếu đã có thể sắm đủ các vai từ vua, tướng đến bi, hài, phản diện, chánh trực... Hầu như những tuồng cổ kinh điển trong nghệ thuật hát bội ông đều đã diễn qua như: “San hậu”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Trảm Trịnh Ân”, “Lưu Kim Đính”...

Đang trò chuyện thì vợ ông – bà Châu Bích Thủy đi công chuyện về. Ông chợt mỉm cười, cái cười vừa buồn vừa vui, nói: “Mấy câu ca dao: “Trồng trầu trồng lộn với tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư!” - có lẽ ứng với mối duyên của vợ chồng tôi”. Tuổi 19, trong một lần diễn ở đình làng Hưng Hội, Bạc Liêu, ông sắm mấy vai hề hàm râu quắc ngược, nói giọng mái khiến bà con cười ngất. Vậy rồi Châu Bích Thủy – một cô gái xứ Muối - lân la theo chọc rồi theo luôn anh hề hát bội, mặc cho gia đình hết sức cấm đoán. Ông Hiếu dạy vợ hát cung nữ, vai mùi rồi đào chánh. Đi đến đâu nghệ sĩ Bích Thủy cũng được đón nhận không kém gì chồng. Tính ra, bà Thủy gắn bó với nghề cũng đã ngót 30 năm.

Ba đứa con ra đời ngay trên chính chiếc ghe hát và cũng theo nghề của ông cha. Nghề nối nghề, cha truyền con nối, cái tình cái nghĩa ở gia đình ba thế hệ này gắn chặt vào những vai tuồng. Bây giờ thằng cháu ngoại của ông Hiếu mới 5 tuổi cũng có thể chạy bận, làm nghệ sĩ trên sân khấu. Tiếng “Dạ!” của cậu bé cũng hào sảng, khí phách, có lẽ từ máu nghề của ông bà, cha mẹ truyền lại.

* * *

50 tuổi đời, gần 40 năm hát bội và 15 năm làm bầu, Bầu Hiếu vẫn chưa muốn ngơi nghỉ bởi cái tình, cái nghĩa với sân khấu không thể dứt được. Tuổi đời chưa thật lớn nhưng căn bệnh lao vẫn hoành hành khiến giọng ca ông giờ khàn đục, động tác diễn không còn chính xác, mạnh mẽ như xưa nhưng đêm đêm trong con hẻm vắng của khu phố chợ ồn ào, người ta vẫn thấy ông dạy con cháu hát bội, làm đào.

Ba đời hát bội, làm bầu, chừng ấy thời gian đủ để Bầu Hiếu thấm thía vinh quang cũng như tủi cực của nghề xướng ca này.

* Nỗi niềm của Bầu Hiếu

Nhớ lại cái thời “làm vương, làm tướng” của mình, mắt Bầu Hiếu lại sáng lên và say sưa kể. Thời ấy, mỗi lần đình làng vùng ĐBSCL cúng Kỳ yên Thượng điền, Kỳ yên Hạ Điền... thì gánh hát nhà ông diễn không xuể. Gánh hát chủ yếu di chuyển bằng ghe, mỗi đoàn gần chục chiếc. Ghe ông bầu, biện tuồng lúc nào cũng đi trước, kế đến là diễn viên, nghệ sĩ, hậu đài... Nghe có gánh hát, bà con chạy rợp theo hai bờ kinh để coi nghệ sĩ. Mới chập choạng là bà con đã đến nghẹt sân đình. Nhiều người chèo ghe, xuồng đậu rợp bến đình để xem hát bội. Dứt mỗi lớp tuồng bà con vỗ tay vang trời nên nghệ sĩ ai cũng diễn hết mình. Bởi vậy, sân khấu thời ấy được coi như “thánh đường nghệ thuật”.

Bầu Hiếu kể cho chúng tôi nghe những luật lệ vui trong đời nghệ sĩ hát tuồng. Dù đang làm gì, hễ nghe quản lý đánh trống giục là phải về ăn cơm hoặc ráp tuồng liền. Nếu ráp tuồng mà trễ thì chạy lại bàn thờ Tổ mà xem lăng tuồng (danh sách nghệ sĩ thủ vai) để xem mình đóng vai gì mà chủ động tập luyện. Khi ra diễn cũng phải hết mình, không được phân tâm. Hát hay, diễn giỏi thì người cầm chầu đánh trống chầu “tùng... tùng... tùng...” và bà con vỗ tay, nghệ sĩ ấy được thưởng ngay sau đó. Còn nghệ sĩ diễn dở, người cầm chầu sẽ gõ vào tang trống mấy tiếng “rụp.. cắc... cắc...” thì sẽ bị phạt. Thậm chí, thời ông nội của Bầu Hiếu làm bầu còn bị đánh ba roi cho chừa tội “diễn dối”. Thế mới biết cái “đạo nghề”!

Ưu tư về nghệ thuật hát bội hiện nay, Bầu Hiếu lặng ngước nhìn bàn thờ Tổ nghiệp, giọng chùng xuống: “Èo uột lắm! Khán giả bây giờ đến coi hát bội chủ yếu là hiếu kỳ, liếc một cái rồi đi chứ không vì niềm đam mê như trước. Đất diễn cho chúng tôi cũng ít dần bởi không phải đình làng nào bây giờ cũng có hát bội”. Gánh Thành Phước của Bầu Hiếu hiện nay có khoảng 25 người, trong đó có khoảng 15 người trong dòng tộc. Bầu Hiếu cho biết: “Hiện nay, có dịp hát ở đình lưu trú gần cả tuần, được hơn chục triệu đồng. Trừ chi phí chia ra anh em được 700-800 ngàn đồng. Mà đâu được quanh năm, chỉ nhờ mấy lễ hội Kỳ Yên thôi. Bởi vậy duy trì nghề hát bội để dân nghề tụi tôi được hát, được sống trọn nghiệp của mình trên sân khấu”.

Bôn ba khắp xứ nhưng đến giờ Bầu Hiếu vẫn không có ngôi nhà để ở. Nhà hiện nay ở đậu trên đất của người khác. Căn bệnh của ông một phần cũng do nghề nghiệp vì những tháng ngày thâu đêm suốt sáng, chén rượu chung trà dọc đường lưu diễn. Vợ ông Hiếu kể giọng buồn: “Hơn 8 tháng nay ở nhà trị bệnh, ổng buồn lắm. Đêm đêm trong cơn mơ ổng vẫn thường la sảng tên mấy nhân vật trong tuồng”. Ông Hiếu quay mặt vào vách như để giấu mấy giọt nước mắt đang lăn mà nói rằng: “Tôi chỉ buồn là để mấy đứa con học hành mới quen mặt chữ đã nghỉ. Bây giờ ngoài những lần đi diễn lại phải buôn thúng bán bưng, chạy vạy mưu sinh”. Chỉ thoáng chốc, ông quay mặt ra nhìn khách, cười: “Nhưng mà vui. Có ai được một thời “làm vua làm chúa”, ngồi kiệu cho người ta khiêng như tôi đâu nè!”.

Giọng cười buồn của một người nghệ sĩ về chiều với bao tâm huyết và nỗi niềm với sân khấu hát bội... thật xót xa, trĩu nặng.

* * *

Gánh hát bội Thành Phước của Bầu Hiếu đang tất bật tập tuồng, chờ ra Giêng đi hát lễ hội Kỳ Yên. Bầu Hiếu nguyện ước rằng: “Cầu Tổ nghiệp cho mau khỏi bệnh để được tiếp tục lên sân khấu diễn, được hỉ, nộ, ái, ố”. Trân trọng biết bao với một con người trọn đời và gánh hát bội cuối cùng trên đất Cần Thơ “gìn vàng giữ ngọc”, sống trọn nghiệp đời.

Đặng Duy Khôi

Chia sẻ bài viết