16/12/2018 - 17:16

Gắn tăng trưởng xanh với mục tiêu phát triển  

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế. TP Cần Thơ đã nhanh chóng triển khai kế hoạch thực hiện các chiến lược, chương trình về TTX cùng chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu… hướng đến phát triển bền vững.

Nhiều hoạt động

Cụ thể hóa chiến lược quốc gia về TTX, thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 26-2-2013 về việc triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050” và Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 12-5-2014 về việc triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020 TP Cần Thơ”. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức về TTX. Các nội dung về TTX chủ yếu được triển khai và lồng ghép vào các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch phát triển và dự án đầu tư của thành phố.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất.

 

ụ thể, thành phố phát động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thành phố đã phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn; tổ chức hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất; thực hiện Chương trình thi đua mô hình gia đình văn hóa tiết kiệm điện, ấp/khu vực văn hóa tiết kiệm điện năm 2018; sử dụng công nghệ đèn Led thay thế đèn chiếu sáng truyền thống, vận hành hệ thống quản lý công suất hệ thống chiếu sáng theo mùa và từng thời điểm trong ngày, cắt giảm 1/2 số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến đường… Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án đổi mới công nghệ cải tạo, nâng cấp và đổi mới thiết bị lạc hậu. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động cải thiện hệ thống chiếu sáng, lắp đặt biến tần cho động cơ, thay thế máy nén lạnh… trong quy trình sản xuất.

Thực hiện xanh hóa sản xuất, ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Sở Công Thương thành phố đã triển khai nhiều chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, như: tổ chức tuyên truyền, các hội thảo, tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về tiềm năng và các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn. Kết quả, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến thiết bị, quy trình công nghệ phù hợp trong từng công đoạn sản xuất để gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh thị trường, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong nông nghiệp, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành và phát triển bền vững. Điển hình, sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”; hình thành các vùng sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, đã có doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất rau, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao (trồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh, tưới phun trên rau, cây ăn trái...). Chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Về thủy sản, phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP…

Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, tập trung các khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế, các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu xử lý chất thải sinh hoạt… Hoạt động thẩm định và hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường trước và sau khi dự án hoạt động được thực hiện chặt chẽ. Công tác cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Thúc đẩy lối sống xanh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật, tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, đưa các tiêu chuẩn về lối sống văn minh, tiêu dùng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường vào hệ thống giá trị xã hội thông qua xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”…

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Qua gần 5 năm thực hiện chiến lược TTX trên địa bàn, nhiều mô hình triển khai mang lại hiệu quả, giá trị cao cho thành phố. Vì vậy, thành phố kiên định với mục tiêu TTX, hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, thành phố tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo và cộng đồng về TTX, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động đến môi trường sống. Triển khai lập quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng lồng ghép các mục tiêu TTX trong quá trình lập quy hoạch, đề xuất cụ thể các giải pháp triển khai thực hiện.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và hài hòa quyền lợi của các bên liên quan trong sử dụng và quản lý, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng bộ hóa các chỉ tiêu đánh giá về TTX vào các chỉ tiêu thống kê để có cơ sở theo dõi, thu thập thông tin và đánh giá thực hiện. Cần Thơ chủ động trong liên kết, hợp tác với các tỉnh vùng ĐBSCL đặc biệt trong các lĩnh vực TTX, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hợp tác chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các hoạt động về TTX, chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư ngoài nhà nước đối với các dự án xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm, năng lượng, nhiên liệu; các dự án điện gió, điện mặt trời.

Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thành phố tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; loại dần công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng. Xây dựng các khu du lịch trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch sinh thái, khu đô thị sinh thái đặc trưng của vùng, của thành phố; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách, khai thác và phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững; cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường...

Bài, ảnh: T. Trinh

 

Chia sẻ bài viết