24/03/2011 - 09:41

Xung đột quân sự tại Libye:

Gadhafi tuyên bố quyết chiến

Một phụ nữ Libye trương biểu ngữ đòi chấm dứt các cuộc tấn công quân sự của phương Tây, không biến Libye thành một Iraq khác và để Libye tự giải quyết vấn đề của họ.
Ảnh: The Mirror

Tối 22-3, nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã xuất hiện trên truyền hình trực tiếp lần đầu tiên kể từ hôm 15-3, trước khi liên quân bắt đầu không kích Libye, với tuyên bố nước này “sẵn sàng chiến đấu, bất kể cuộc chiến kéo dài tới đâu”. Trong khi đó, liên minh Mỹ, Anh và Pháp đã nhất trí rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ đảm nhận vai trò chỉ huy quân sự thực hiện vùng cấm bay ở Libye.

Gadhafi thách thức liên quân

Tại căn cứ Bab al-Aziziya, Gadhafi đã kêu gọi các đội quân hồi giáo tham gia chiến đấu chống lại phương Tây. Ông cho rằng các cuộc tấn công của phương Tây chính là cuộc “thập tự chinh” nhắm vào đạo Hồi và ông kêu gọi các cuộc thánh chiến của những người Hồi giáo. Lời kêu gọi này của ông đã được đài truyền hình quốc gia đăng tải trên toàn đất nước.

Trong bài phát biểu dài 3 phút của mình, Gadhafi đã thách thức phương Tây: “Tôi vẫn đang kháng chiến. Tôi không sợ những radar hiện đại của phương Tây, những chiếc máy bay ném bom tàng hình cũng không làm tôi sợ. Tôi vẫn ở đây trong căn lều của tôi...”. Trước những người ủng hộ, Đại tá Gadhafi tự tin: “Chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này. Tiềm lực phòng không mạnh nhất là nhân dân, những người ở đây. Gadhafi đứng giữa mọi người và đây là sức mạnh phòng không”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho biết những nhân vật thân tín của ông Gadhafi đã và đang tiếp xúc với các đồng minh của Libye ở khắp nơi trên thế giới để dò hỏi cách “thoát ra khỏi vụ này”. “Chúng tôi nghe nói rằng những người gần gũi với ông ta đã liên lạc với những người mà họ biết trên thế giới, ở châu Phi, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ... để hỏi họ nên làm gì?”, bà Clinton nói.

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters cho biết chiến sự tiếp diễn trong ngày hôm qua. Theo Reuters, những đợt không kích của liên quân những ngày qua đã chặn đà phản công của quân chính phủ Libye ở thị trấn Misrata. Xe tăng và các tay súng bắn tỉa của quân chính phủ ngày 23-3 tiếp tục nã đạn về hướng lực lượng nổi dậy ở khu vực này. Reuters còn dẫn lời các nhân chứng cho biết có thể nghe thấy những tiếng nổ lớn khắp thủ đô của Libye cùng với ánh sáng hỏa lực hạng nặng chống máy bay trên bầu trời Tripoli rạng sáng hôm qua.

Mỹ-Anh-Pháp thỏa hiệp về vai trò của NATO

Hãng tin Mỹ AP hôm qua cho biết Mỹ, Anh và Pháp đã đạt được thỏa thuận mở đường cho việc NATO sẽ thay Mỹ dẫn dắt chiến dịch quân sự tại Libye, sau những bàn cãi với nhiều bất đồng. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đang thực hiện chuyến thăm Nam Mỹ đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy và Thủ tướng Anh David Cameron. Kết quả các bên đi đến thỏa thuận liên quan đến quyền chỉ huy chiến dịch tại Libye sau khi Mỹ rút lui trở về với vai trò hỗ trợ. Nội dung chính của thỏa thuận này là việc NATO sẽ sử dụng cấu trúc quân sự của mình để chỉ huy vùng cấm bay tại Libye. Chiến dịch có thể do Đô đốc Mỹ James Stavridis điều hành. Việc giám sát chính trị đối với chiến dịch sẽ do một cơ quan chuyên trách bao gồm các thành viên của cả NATO lẫn ngoài khối (Qatar và Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất) thực hiện.

Văn phòng tổng thống Pháp mô tả thỏa thuận trên là một thành công của Pháp và Mỹ khi thông báo: “Hai tổng thống đi đến thỏa thuận về việc sử dụng cấu trúc chỉ huy của NATO để hỗ trợ liên quân”. Nhưng trên thực tế đây được coi là một bước lùi đối với Tổng thống Sarkozy, người luôn tìm cách ngăn cản NATO thay Mỹ trong chiến dịch Libye. Báo The Guardian của Anh cho biết, ông Sarkozy đã cố thuyết phục Anh lập quyền chỉ huy chung Anh - Pháp cho tất cả chiến dịch tại Libye. Nhưng ý tưởng này bị Luân Đôn bác bỏ khi nêu rõ NATO là cơ quan tốt nhất để điều hành các hoạt động quân sự. Nội dung về cơ quan giám sát chính trị nói trên được coi là cách để xoa dịu Paris về việc NATO không chỉ huy hoàn toàn chiến dịch Libye như tại Kosovo năm 2009.

Thông thường trong các chiến dịch do NATO đứng đầu, việc giám sát về chính trị sẽ do Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan chuyên đưa ra các quyết định chính trị của khối quân sự này, thực hiện. Do đó việc lập ra một cơ quan khác bao gồm cả các thành viên ngoài NATO giám sát chiến dịch tại Libye là sự thỏa hiệp làm yên lòng nước Pháp.

Các đề xuất do ba ông lớn của NATO là Mỹ, Anh và Pháp thỏa thuận với nhau sẽ được đệ trình lên cuộc họp của khối này, bắt đầu diễn ra từ hôm qua, để phê chuẩn. Nó chỉ được thông qua khi tất cả 28 nước thành viên của NATO đều chấp thuận.

N. MINH (Theo Guardian, Telegraph, WSJ)

Theo ước tính của các nhà phân tích quốc phòng, chi phí của liên quân trong việc thực hiện vùng cấm bay ở Libye nếu kéo dài 2 tháng có thể tiêu tốn hơn 1 tỉ USD. Chi phí ban đầu để làm suy yếu hệ thống phòng không của Gadhafi khoảng 400-800 triệu USD, còn hoạt động tuần tra vùng cấm bay có thể ngốn 30-100 triệu USD/tuần.

Chia sẻ bài viết