30/05/2022 - 23:14

EU mất đoàn kết vì lệnh trừng phạt Nga 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, CNBC)

 

Ðức bày tỏ lo ngại sự đoàn kết của Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu “sụp đổ” trong bối cảnh khối này chật vật tìm kiếm thỏa hiệp về kế hoạch áp lệnh trừng phạt dầu khí Nga.

“Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chúng ta đã thấy những gì có thể xảy ra khi châu Âu đoàn kết. Trong hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày mai, chúng ta hãy hy vọng sự đoàn kết sẽ tiếp tục như thế. Nhưng nó đang bắt đầu sụp đổ”, Bộ trưởng Kinh tế Ðức Robert Habeck phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29-5. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 30 và 31-5 để thảo luận về gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, và một chương trình nhằm giúp khối đẩy nhanh chấm dứt phụ thuộc vào nhiêu liệu hóa thạch của Mát-xcơ-va.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tại một cuộc họp báo. Ảnh: AP

Ðại sứ các nước EU trong cuộc họp ngày 29-5 đã thất bại trong việc tìm kiếm đồng thuận về đề xuất cấm vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển vào cuối năm nay, nhưng vẫn cho phép vận chuyển qua đường ống. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục bàn về thỏa thuận này trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Nếu được triển khai trên thực tế, kế hoạch này sẽ chặn được khoảng 2/3 dầu thô xuất khẩu của Nga sang EU, trong khi vẫn bảo đảm duy trì dòng dầu thô xuất sang Hungary và một số nước khác. Cụ thể, thỏa thuận sẽ cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp tục nhận dầu Nga thông qua đường ống Druzhba trong một quãng thời gian cho đến khi tìm được các nguồn cung thay thế. Ðây là động thái thỏa hiệp với Hungary và được kỳ vọng sẽ mở cửa cho những gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Hungary gây khó cho EU

Bất chấp những nỗ lực kể từ đầu tháng 5, chính phủ các nước EU vẫn không thể thống nhất về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga bởi một trong những điều khoản - lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Mát-xcơ-va - được cho là không thể chấp nhận đối với Hungary và là vấn đề lớn đối với Slovakia cũng như Cộng hòa Czech. Hungary, quốc gia nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga, tuyên bố không ủng hộ đề xuất cấm dầu Nga của EU vì cho rằng phương án này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng quốc gia.

Ðược biết, những điều khoản khác trong gói trừng phạt thứ 6, như loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank khỏi hệ thống nhắn tin và giao dịch quốc tế Swift, cấm các đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng ở EU và bổ sung các đối tượng vào danh sách sẽ bị đóng băng tài sản và xác định ai không thể nhập cảnh vào EU, đều đã bị trì hoãn vì thiếu đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ.

Bình luận trên của Bộ trưởng Habeck cũng cho thấy những khó khăn mà EU phải đối mặt trong việc tìm ra cách thức mở rộng trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng đồng thời không được gây ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế trong EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt, dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Theo kế hoạch ban đầu được Ủy ban châu Âu đưa ra, EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Riêng Hungary và Slovakia được miễn trừ đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng không đạt được thống nhất trong nội khối. EU nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.

Giá dầu tăng mạnh
Giá dầu thế giới ngày 30-5 đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng, giữa lúc các nhà giao dịch chờ xem EU có đạt được thỏa thuận cấm nhập dầu Nga hay không trước thềm cuộc họp về gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga. Theo đó, giá dầu thô Brent giao sau tăng 46 cent, tương đương 0,4%, lên 119,89USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 60 cent, tương đương 0,5%, lên 115,67USD/thùng, kéo dài mức tăng từ tuần trước. Bất kỳ lệnh cấm nào nữa đối với dầu mỏ Nga sẽ gây áp lực thêm cho thị trường dầu thô vốn đã căng thẳng về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay đang tăng ngay trước đợt cao điểm về nhu cầu vào mùa hè ở Mỹ và châu Âu.

Chia sẻ bài viết