20/04/2023 - 09:54

ESG - Chìa khóa để doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, trách nhiệm xã hội. Từ thực tế đó, Sáng kiến ESG (môi trường - xã hội - quản trị) Việt Nam chính thức ra đời vào cuối tháng 11-2022. Sáng kiến kỳ vọng hỗ trợ đắc lực cho DN tư nhân, hợp tác xã và hộ gia đình hướng đến thúc đẩy thực hành kinh doanh bền vững; đảm bảo hài hòa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thực hành ESG hướng hoạt động của DN hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Công ty CP May Tây Đô.

Sáng kiến ESG Việt Nam thuộc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển DN là chủ dự án. ESG là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Mặc dù ra đời trên thế giới nhiều năm qua nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ và quá trình triển khai gặp không ít cản ngại. Lợi ích kinh tế đặt lên bàn cân với lợi ích môi trường - xã hội - quản trị khiến việc đầu tư vào ESG - một tiêu chuẩn đầu tư về giá trị không được đánh giá quá cao trong thời gian trước. Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ đối tác, khách hàng khiến việc phát triển DN bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định mang tính sống còn đối với nhiều DN.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, nhấn mạnh: Sáng kiến ESG góp phần thực hiện Quyết định 167/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Ðồng thời, hướng tới mục tiêu hỗ trợ DN Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững trong sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, Sáng kiến ESG sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 DN, hợp tác xã và hộ gia đình, trong đó 10 DN sẽ nhận được các hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Quý Hạnh, Chuyên viên tư vấn cao cấp và Trưởng Nhóm Xã hội ERM Việt Nam, các thực hành ESG tại Việt Nam ngày càng phổ biến chủ yếu nhờ sự thúc đẩy từ Chính phủ và mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư về đầu tư bền vững. Theo đó, có 3 xu hướng ESG chủ đạo tại Việt Nam. Thứ nhất, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng có nhiều ưu tiên và kỳ vọng về ESG (nâng cao hơn tính minh bạch, trách nhiệm đảm bảo thông tin công bố chính xác và cải thiện về triển khai các mục tiêu ESG). Thứ hai, Chính phủ đã phê chuẩn chiến lược quốc gia để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 sau Hội nghị COP 26 nên ngày càng có nhiều DN công bố kế hoạch giảm phát thải. Thứ ba, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO và sửa đổi Bộ luật Lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thực hành ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN sẽ giảm được chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển... Vì vậy, để ứng dụng ESG, trước hết DN cần thay đổi nhận thức, coi đây là cơ hội, là lợi thế cạnh tranh chứ không phải mối đe dọa và từ đó thực hiện một cách chủ động. Ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Food (VNF), cho biết: VNF bắt đầu thực hành ESG xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động của công ty. VNF chuyên thu gom và xử lý sản phẩm (đầu và vỏ tôm), từ đó tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành công nông nghiệp khác nhau và đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường. Hiện VNF là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong mảng xử lý sản phẩm đồng hành từ tôm tại Việt Nam, thông qua giải pháp xử lý toàn diện và thân thiện với môi trường. Thế nhưng có một nghịch lý, trong khi công ty phải chi hàng tỉ đồng để đầu tư công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn ESG thì nhiều khách hàng cho rằng sản phẩm làm từ phụ phẩm sao lại bán cao hơn sản phẩm thông thường. Ðây là rào cản lớn đối với DN thực hành ESG. Và để sáng kiến ESG được nhân rộng cần nhiều hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng từ nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước để việc phát triển được bền vững và phù hợp chiến lược DN.

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ESG là khái niệm mới với các DN vùng ÐBSCL. Vì vậy, VCCI Cần Thơ sẽ từng bước nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về thực hành ESG thông qua hoạt động của Mạng lưới DN thích ứng biến đổi khí hậu, các hoạt động liên kết trong và ngoài nước. Qua đó, từng bước giúp DN hiểu rõ và nâng cao khả năng quản trị DN theo thông lệ của quốc tế. Một số ý kiến đề xuất các bên có liên quan hỗ trợ DN đón đầu xu hướng thông qua thực hành ESG; mở rộng thị trường và tham gia chuỗi cung ứng bền vững, tiếp cận tài chính xanh và bền vững tại Việt Nam; những cơ hội, nguồn hỗ trợ cho DN Việt Nam trong việc triển khai áp dụng ESG.l

Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 - Đợt 1 sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu có trị giá lên tới 2 tỉ đồng cho top 3 DN giành chiến thắng chung cuộc để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất; top 10 DN được đào tạo, tư vấn chuyên sâu trong 4-6 tuần nhằm nâng cao hiểu biết về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm; điều chỉnh, hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép các yếu tố ESG...

Ngoài ra, tất cả các DN nộp hồ sơ tham gia và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi sẽ được đào tạo nâng cao hiểu biết về ESG, các công cụ đánh giá ESG; hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước ở cả cấp Trung ương và địa phương hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững nhằm phát triển mạng lưới, mở rộng quan hệ đối tác và học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng ESG...

 

Chia sẻ bài viết