07/03/2022 - 08:31

Duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

“Gần 3 năm hoạt động nghề may gia công tại địa phương, chúng tôi luôn nỗ lực ổn định nguồn hàng, duy trì tiến độ sản xuất, góp phần thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động” - Anh Trần Thế Vinh, Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ may mặc Trường Thịnh Phát (Công ty Trường Thịnh Phát), xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết. 

Những ngày đầu tháng 3-2022, không khí lao động tại Công ty Trường Thịnh Phát rất khẩn trương, nghiêm túc. Công nhân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo tiến độ từng công đoạn cho các đơn hàng áo kiểu, đầm thời trang xuất khẩu. Theo anh Thế Vinh, trước và sau Tết Nhâm Dần, nguồn hàng gia công dồi dào, đảm bảo kế hoạch sản xuất năm 2022. Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng công ty không để “đứt gãy” nguồn hàng gia công, cố gắng duy trì việc làm, thu nhập, đảm bảo cuộc sống người lao động (NLÐ). Hằng ngày, công ty trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng lao động vào học việc, thử việc với chế độ chính sách theo quy định. 

Công nhân Công ty Trường Thịnh Phát tập trung làm việc, tăng năng suất, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định.

Chính thức đi vào hoạt động năm 2019, Công ty Trường Thịnh Phát chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài. Công ty hiện duy trì thường xuyên khoảng 60 lao động, tập trung chủ yếu ở xã Thới Tân và các địa phương lân cận. Công nhân hưởng lương theo năng suất, sản phẩm, đảm bảo công khai, minh bạch. Tùy tay nghề, số hàng gia công, mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công ty thực hiện các chính sách cơ bản về các loại bảo hiểm, hỗ trợ tiền cơm, nghỉ phép… Quá trình tuyển và sử dụng lao động, ngoài các yếu tố độ tuổi, tay nghề, công ty chú trọng và đánh giá cao sự chấp hành nội quy, chuyên cần và nhất là thái độ cầu thị. Theo anh Thế Vinh, vì gia công hàng xuất khẩu nên công ty ưu tiên tuyển chọn lao động có tay nghề, có thể may tất cả công đoạn. Người chưa biết nghề thì được qua đào tạo theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, vào chuyền may làm quen thao tác trên máy công nghiệp và bố trí các công đoạn đơn giản trước. Chị Lê Thị Kiếm, ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, làm công nhân công đoạn cuốn lai tại công ty gần năm nay, thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng. Chị Kiếm cho biết: “Mấy năm trước, tôi làm công nhân may ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang, mức lương cũng khá nhưng chi phí các khoản cao nên chỉ đủ trang trải cuộc sống. Giờ về quê làm việc gần nhà, không tốn kém nhiều, mỗi tháng tôi tiết kiệm, dành dụm được một số tiền phòng thân”. Còn chị Phạm Thị Mỹ An, ở ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, gần 3 năm làm việc tại công ty, có thể may tất cả công đoạn. Nhờ thạo nghề, chịu khó tăng ca, An có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng, phụ giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

Anh Trần Thế Vinh khẳng định, thành công của công ty là từng bước thay đổi dần thói quen lao động nông nghiệp, rèn tác phong công nghiệp, tuân thủ nội quy, kỷ luật của NLÐ. Hiện lực lượng công nhân công ty đã qua sàng lọc, thạo nghề, giỏi kỹ năng và gắn bó nghề lâu dài. Theo chị Ðỗ Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Tân, thời gian qua, bên cạnh tạo điều kiện trong thuê mặt bằng vị trí rộng rãi, thuận tiện giao thương, giới thiệu nguồn lao động ổn định, xã hỗ trợ công ty vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất. Công ty góp phần tạo việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Ðiều đáng phấn khởi là trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công ty nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống công nhân. Qua đó, thể hiện trách nhiệm xã hội với địa phương, cũng là điều kiện tiên quyết để công ty “giữ chân” NLÐ, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng phát triển kinh doanh.

Chia sẻ bài viết