17/04/2008 - 09:43

Diễn đàn hợp tác Kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long 2008

"Đường băng" cho Đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh"

Vừa qua tại TP Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết Quy chế Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (viết tắt theo tiếng Anh là MDEC) và công bố MDEC 2008. Chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến chung quanh việc tổ chức MDEC 2008.

* Ông Lưu Phước Lượng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
MDEC LÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT NÂNG CAO HÌNH ẢNH VÙNG ĐBSCL TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

 

- ĐBSCL là vùng rộng lớn, tập trung đông dân cư, thị trường tiêu thụ và dịch vụ đa dạng, phong phú. Đây là nơi có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, vùng ĐBSCL lại là vùng nghèo nhất nhì so với các vùng miền khác của cả nước.

Trong năm 2007, mức tăng trưởng kinh tế toàn vùng gần 13%. Đặc biệt, hầu hết các tỉnh - thành trong khu vực đều có mức tăng trưởng kinh tế trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ với tỷ lệ của năm 2006-2007 là: nông - lâm - ngư nghiệp từ 44,34% xuống còn 41%; công nghiệp và xây dựng từ 23,41% tăng lên 24,69%; thương mại - dịch vụ từ 32,25% lên 34,31%. Các tỉnh - thành trong vùng cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ lớn về phát triển kinh tế. Đó là: vừa tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu; vừa nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm bắt kịp với các vùng miền khác trong cả nước.

MDEC được tổ chức hàng năm và luân phiên ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đây là hoạt động liên kết rất thiết thực nhằm nâng cao hình ảnh vùng ĐBSCL nhiều tiềm năng phát triển trong quá trình hội nhập. Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định chính sách phát triển toàn diện vùng ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tích cực đóng góp thiết thực trong việc đẩy mạnh hoạt động của MDEC. Song song đó, cùng Ban chỉ đạo MDEC đưa ra được những giải pháp cụ thể để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL.

* Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thư ký Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế:
XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐBSCL ĐẠT NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

 

- Với mục tiêu duy trì sự tăng trưởng và phát triển của ĐBSCL vì sự thịnh vượng chung, đóng góp cho việc phát triển và tăng trưởng của kinh tế đất nước; nâng cao những lợi ích tích cực cho khu vực bằng việc tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy các giao lưu hợp tác kinh tế quốc tế... diễn đàn MDEC lần thứ nhất đã được tổ chức vào năm 2007. MDEC lần này thực hiện nhiều chương trình cụ thể, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và du lịch; đồng thời, tạo lập diễn đàn tiếp thu những sáng kiến, đề suất, kiến nghị và kinh nghiệm góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển và hội nhập.

Với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế, Bộ Công Thương sẽ theo sát việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của MDEC như: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đối ngoại để tạo thế và lực cho ĐBSCL trong quá trình hội nhập; Duy trì sự tăng trưởng và phát triển của vùng ĐBSCL và đóng góp chung cho sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế đất nước; Nâng cao những lợi ích tích cực cho khu vực thông qua hoạt động liên kết vùng và hợp tác kinh tế quốc tế; Xây dựng hình ảnh năng động cho vùng ĐBSCL, tăng cường công tác đối ngoại...

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để có những đóng góp thiết thực cho việc thực hiện thành công MDEC 2008. Thông qua các hoạt động của MDEC, mong muốn lớn nhất là xây dựng, phát triển ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, đạt những bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội.

Thông qua MDEC, ngoài những mục tiêu cụ thể, MDEC cần tập trung tìm ra những giải pháp thích hợp để giải quyết những vấn đề của vùng: quy hoạch cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; phát triển giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với mức bình quân cả nước; vấn đề cải thiện môi trường đầu tư; sự phối hợp, liên kết của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển chung của vùng; việc nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu đi đôi với đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, liên kết trong đầu tư.

MDEC thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo địa phương và sự đóng góp quan trọng của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, trí thức và cộng đồng doanh nghiệp để khu vực ĐBSCL tiếp tục khai thác những tiềm năng dồi dào, phát triển theo chiều sâu, bền vững.

* Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
SẼ TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT ĐỂ MDEC 2008 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

 

- TP Cần Thơ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế -xã hội tương đối đồng bộ và đang từng bước được Chính phủ tập trung đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại hóa như: Cảng Cái Cui và Cụm cảng Cần Thơ, Cầu Cần Thơ, cụm công nghiệp Điện Ô Môn; cảng hàng không quốc tế được nâng cấp... Những công trình này khi hoàn thành sẽ tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong tương quan chung của vùng, TP Cần Thơ là đô thị lớn, phát triển khá, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của một trung tâm nhiều chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật...

Theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được xác định là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng ĐBSCL trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, các tỉnh - thành trong vùng cần phải tập trung đầu tư phát triển đúng hướng và an toàn dựa trên một tầm nhìn xa, dự báo tốt. Cụ thể nhất hiện nay, đó là vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Trên thực tế, lĩnh vực này đang là mối quan tâm, nhu cầu bức xúc của toàn vùng, vì thực trạng còn rất nhiều điều đáng phải bàn khi chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng và ưu thế của vùng. Việc tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực này trong giai đoạn hiện nay là chuyện không thể chậm trễ, nhằm mang đến cho ĐBSCL nguồn lực mới để phát triển.

Về phía đơn vị đăng cai tổ chức MDEC 2008, TP Cần Thơ xin cam kết sẽ thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm trong việc tổ chức các chương trình của diễn đàn. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để MDEC 2008 thành công tốt đẹp.

HÀ TRIỀU (Lược ghi)

MDEC 2008 được tổ chức tại TP Cần Thơ với chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL”. Dự kiến thời gian và nội dung các chương trình chính của MDEC 2008 như sau:

- Chương trình 1 (ngày 20-5): “Hội nghị hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch ĐBSCL” tiến tới thống nhất các chương trình xúc tiến chung về thương mại, du lịch, đầu tư trong và ngoài nước.

- Chương trình 2 (ngày 20-6): “Hội nghị phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL” nhằm thống nhất chung các chương trình hợp tác đề xuất kiến nghị, kêu gọi đầu tư vào hai lĩnh vực đường bộ và đường thủy.

- Chương trình 3 (ngày 27-6): “Hội nghị các lãnh đạo tỉnh - thành ĐBSCL và các bộ ngành liên quan” nhằm thống nhất các chương trình hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kiến nghị lên Chính phủ; các chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư và những đề xuất sáng kiến hợp tác.

- Chương trình 4 (ngày 28-6): “Diễn dàn doanh nghiệp ĐBSCL”. Đây là cuộc gặp gỡ mang tính tương tác giữa lãnh đạo các tỉnh - thành ĐBSCL, các doanh nghiệp trong và ngoài vùng, các doanh nghiệp nước ngoài. Qua đó, lấy ý kiến, những trăn trở của doanh nghiệp về chính sách thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm từ những thành công hoặc chưa thành công trong hoạt động kinh doanh tại ĐBSCL; tạo môi trường cho các doanh nghiệp giao lưu hợp tác làm ăn.

- Chương trình 5 (từ tối 26-28/6): “Triển lãm Thành tựu - cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam - Cần Thơ 2008”.

Chia sẻ bài viết