30/07/2008 - 21:22

Đừng tự đóng cửa và đánh mất mình !

TP Cần Thơ có hơn 5.000 cơ sở, doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng con số DN đạt tiêu chuẩn môi trường (ISO 14000, ISO 14001) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2008, thành phố phát động Kế hoạch 30 về áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2008-2010. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, dự kiến đến năm 2010, có 100% cơ sở sản xuất đầu tư mới phải có công nghệ sạch hoặc có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. 100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường. 20% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001.

Ông Phạm Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ có nhiều dấu hiệu gây tác động xấu đến môi trường, do không đủ vốn đầu tư. Có DN đủ năng lực đầu tư, nhưng không mặn mà với SXSH. Rồi có DN bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư công nghệ sản xuất sạch, nhưng một số DN khác tự do xả các chất thải ra môi trường mà chỉ bị xử phạt hành chính”. Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020, do đó việc bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững là mục tiêu rất quan trọng.

Từ đầu năm 2008, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường xử phạt đối với DN vi phạm về bảo vệ môi trường và có thể đóng cửa nếu vi phạm nặng. Ngày 16-7-2008, UBND thành phố ban hành 5 quyết định xử phạt hành chính đối với 5 DN vi phạm về bảo vệ môi trường (gồm: DNTN Quốc Hưng, Xí nghiệp Chế biến lương thực Tây Nam bộ, Nhà máy Thới Lai, Nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá Đầu Sấu, Công ty TNHH Hiệp Thừa Phát-cơ sở 2). Tổng số tiền phạt 151.100.000 đồng, do DN không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, thực hiện không đầy đủ nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép... Mặt khác, yêu cầu DN phải di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư, phù hợp với sức chịu tải của môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên- Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành đã xử phạt 40 DN vi phạm về không xử lý nước thải, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... Con số này tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ xử lý phạt khoảng 40 DN nữa”. Gần đây, có rất nhiều khuyến cáo về bảo vệ môi trường đối các DN Việt Nam. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đưa con cá tra Việt Nam vào danh sách vàng và có thể chuyển qua danh sách đỏ nếu không được xử lý tốt (cá được nuôi và chế biến không nhân đạo, nếu nuôi và chế biến nó sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái). Năm 2007, con cá tra cũng bị cấm vận ở thị trường Nga, khiến không ít DN điêu đứng... Nếu DN không ý thức được vấn đề này sẽ tự đóng cửa thị trường và đánh mất mình.

Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học- Công nghệ) cho biết, năm 2009, sẽ áp dụng thí điểm việc dán nhãn sinh thái sản phẩm hàng hóa (do Tổng cục Bảo vệ môi trường cấp) và đến năm 2011 mở rộng trên toàn quốc. Đến năm 2020, 10% các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và 50% hàng hóa tiêu dùng nội địa được cấp nhãn sinh thái. Mục đích của việc dán nhãn sinh thái để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường gắn với lợi ích kinh tế của các DN.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cả nước hiện có 5% sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ đủ tiêu chuẩn dán nhãn sinh thái, song chưa có tổ chức đánh giá, hay cấp nhãn, mà mới có chương trình nghiên cứu, mô hình đề xuất về lý thuyết. Trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm chủ yếu dán nhãn sinh thái kiểu II- do nhà sản xuất và dịch vụ đưa ra như: rau sạch, thịt sạch... nhưng độ tin cậy từ cộng đồng chưa cao. Nhãn sinh thái được coi là tiêu chuẩn chung về môi trường thay cho những qui định về hàng rào thuế quan, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong chiến lược bảo vệ môi truờng Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm hàng hóa xuất khẩu (có nhu cầu) và 50% hàng hóa tiêu thụ nội địa (thuộc đối tượng cấp nhãn) sẽ được ghi nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn ISO 14024. Đây là cơ sở và định hướng quan trọng để các doanh nghiệp phấn đấu vì một nền sản xuất sạch và cho ra đời sản phẩm hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết