09/02/2012 - 20:45

"Đừng té nước theo mưa !"

Tính toán chi tiêu đúng và hợp lý luôn được xem là giải pháp tối ưu.

Hủ tiếu, phở tăng 3.000 - 5.000 đồng/tô, cà phê tăng 1.000 - 2.000 đồng/ly... Gần như năm nào cũng vậy, cứ đến Tết giá các mặt hàng ăn uống lại điều chỉnh tăng và sau đó thiết lập luôn mức giá mới. Trong những ngày đầu năm này, mặt bằng giá đã khiến những bà nội trợ thêm “đau đầu” với bài toán chi tiêu.

Đã sau Tết hơn nửa tháng, trong khi giá nhiều loại thực phẩm trở lại bình ổn thì mặt hàng đồ ăn, thức uống tại hầu hết các điểm kinh doanh dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá hoặc chỉ giảm chút ít. Theo lý giải của các điểm kinh doanh, ngày Tết giá đồ ăn tăng là do giá thực phẩm tăng. Ra Tết, mặc dù giá thực phẩm có giảm nhưng không thể giảm giá bán bởi các dịch vụ khác như tiền công của nhân viên, tiền thuê mặt bằng... cũng đều tăng sau Tết!.

Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ đường 3 Tháng 2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Quán ăn quen thường ngày chứ có phải quán lạ đâu, vậy mà sau Tết mỗi tô hủ tiếu bà chủ tính thêm 5.000 đồng, ly nước cũng tăng 2.000 đồng. Tôi được biết sau Tết hầu hết quán ăn đều tăng giá bán thêm vài ngàn đồng/món. Với mức giá như thế này chắc chắn tôi phải tính toán lại việc chi tiêu cho bữa ăn sáng của gia đình”. Tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chế biến trên địa bàn quận Ninh Kiều, hầu hết giá các loại đồ ăn, thức uống đều tăng 1.000 - 5.000 đồng/món. Như: phở bò/gà 27.000 - 30.000 đồng/tô; hủ tiếu 20.000 - 27.000 đồng/tô; bún riêu 16.000 - 20.000 đồng/tô; cơm tấm 15.000 - 30.000 đồng/dĩa; cà phê và các loại thức uống khác 6.000 - 15.000 đồng/ly... Tình trạng “té nước” theo Tết của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống gần như năm nào cũng xảy ra.

Trong những ngày đầu năm, người tiêu dùng tiếp tục đón nhận sự điều chỉnh của giá gas và giá sữa. Sau đợt điều chỉnh tăng 24.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 1-2012; tiếp theo đó, ngày 5-1 giá gas tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg. Không dừng lại đà tăng, vào đầu tháng 2-2012, giá gas điều chỉnh tăng thêm 42.000 - 45.000 đồng/bình. Như vậy, trong vòng 2 tháng đầu năm, sau 3 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp giá gas đã tăng 74.000 - 76.000 đồng/bình, tùy loại và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, hiện tại giá gas bán lẻ trên thị trường phổ biến ở mức: các loại bình 12kg của Total gas, PetroVietnam gas, Saigon Petro, VT gas, Gia định gas... 414.000 - 432.000 đồng/bình; Elf Gas 460.000 đồng/bình 12,5kg; Petrolimex 465.000 đồng/bình 13kg... Nguyên nhân lý giải từ các doanh nghiệp kinh doanh gas, giá tăng là do giá gas nhập khẩu tăng. Việc liên tục điều chỉnh giá tăng mạnh như hiện nay đã khiến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp giảm đi khá nhiều, so với tháng trước mức tiêu thụ giảm khoảng 30%.

Việc tăng giá của mặt hàng sữa ở thời điểm này đã khiến người tiêu dùng phải tính toán lại chi tiêu. Ngay ngày mùng 1 Tết (23-1-2012), Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) áp dụng tăng giá 5-7%. Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân điều chỉnh giá sữa là do giá nguyên liệu tăng hơn 20%, các nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng 40-60%. Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất khác như giá điện, nước, chi phí vận chuyển đã tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái nên buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán lẻ. Trước đó, đầu tháng 12-2011 nhãn hàng Abbott, Enfa (Mead Johnson) cũng đã điều chỉnh tăng giá ở mức 9-19%.

Để thích ứng với tình trạng liên tục tăng giá gas, giá sữa như hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ quốc lộ 91B, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Từ ngày giá gas tăng cao, gia đình tôi đã hạn chế sử dụng bếp gas mà thay vào đó là dùng kèm bếp than, bếp điện. Mặt hàng sữa thì không thể bỏ, đặc biệt với các cháu nhỏ, nhưng để tiết kiệm tiền tôi đã chuyển sang dùng các loại sữa nội, chất lượng không thay đổi mà giá chỉ khoảng 1/3 so với sữa ngoại”.

Trước sự biến động của thị trường, trong khi chờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng hay giảm giá của hàng hóa, việc các bà nội trợ tính toán chi tiêu đúng và hợp lý luôn được xem là giải pháp tối ưu để “đối phó” với giá tăng mạnh như hoàn cảnh hiện nay.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết