Đối với một công dân, trách nhiệm cao cả và thiêng liêng nhất là trách nhiệm đối với quốc gia. Khi quốc gia hữu sự thì mọi người dân đều phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chung tay góp sức để gìn giữ, bảo vệ đất nước. Đây cũng là lời mà các bậc tiền nhân từng răn dạy: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Không kể thời kỳ chiến tranh, nếu chỉ tính từ khi đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất đến nay thì chưa lúc nào vấn đề trách nhiệm công dân lại được cả xã hội đề cao và kêu gọi phải nghiêm túc thực thi như hiện nay - khi cả nước phải oằn mình chống lại đại dịch COVID-19.
Thế mà, những ngày gần đây, vì kém ý thức công dân, thiếu trách nhiệm công dân mà một số người đã làm cho chính quyền nhiều địa phương, người dân cả nước lao đao vì tình trạng tái phát và lây lan của dịch COVID-19. Biểu hiện dễ nhận thấy là tình trạng giấu bệnh, không khai báo trung thực, khai man, không tuân thủ quy định cách ly,… gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, cách ly, phong tỏa, điều trị, tạo cơ hội cho dịch bệnh lan rộng.
Bệnh nhân nữ nhiễm COVID-19 số 17 mặc dù đã đi qua các nước có dịch ở châu Âu, trong người có triệu chứng ho, mệt mỏi nhưng khi về nước đã không khai báo trung thực để được kiểm soát cách ly. Ngày 2-3-2020, sau khi đi qua một loạt thành phố của các quốc gia đã có dịch COVID-19 như Mỹ, Hàn Quốc, Qatar, bệnh nhân nữ nhiễm COVID-19 số 34 về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân này khai rằng khi xuống sân bay là di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng và từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng. Thế nhưng, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh nhân này đã có thời gian ở lại thành phố Hồ Chí Minh để giao lưu với đối tác chứ không phải đi thẳng về nhà riêng. Khi đến nhà ở thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), bệnh nhân này cũng đã đến nhiều nơi ăn uống.
Rồi chuyện ở Quảng Trị, ông L.T.H. - chủ tịch hội đồng quản trị một công ty điện gió sau khi được phát hiện đi chung chuyến bay với người nhiễm COVID-19 buộc phải cách ly đã chơi chiêu gian trá bằng cách cử nhân viên đi... cách ly thay mình. Hay chuyện V.K.T, sau khi tham gia tuần lễ thời trang tại Milan (Italy) trở về Việt Nam đã được yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày. Thế nhưng, không chỉ không tuân thủ yêu cầu cách ly, V.K.T còn thường xuyên đến những nơi đông người, tùy tiện tham gia sự kiện. Khi bị buộc phải đưa đi cách ly tập trung, anh này đã dây dưa mấy giờ không muốn hợp tác với lực lượng chức năng, thậm chí khi đến nơi tập trung còn phàn nàn về không khí trong khu cách ly là ngột ngạt làm cho anh ta phát bệnh! Đâu chỉ có thế, tại Bình Dương, một phụ nữ đi từ vùng dịch ở Hàn Quốc về Việt Nam đã khai bao gian dối để thoát cách ly và sau đó hùng hồn livestream để quảng bá cho chiêu thức thoát cách ly của mình,...
Dù nêu lý do nào dẫn đến những thực trạng nêu trên thì việc khai man, gian dối tình trạng sức khỏe để thoát cách ly, gây nguy hại cho cộng đồng, cho đất nước của những cá nhân nêu trên đều có chung một “mẫu số”. Đó là sự yếu kém về trách nhiệm công dân, trách nhiệm với nhân loại khi mà các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân cả nước đang cùng với thế giới đang căng mình, dốc toàn lực để chống lại đại dịch COVID-19. Sự yếu kém đó đã dẫn đến những hành vi coi thường pháp luật, tạo ra hậu quả không chỉ là thêm hàng ngàn người phải cách ly mà hơn thế, hàng triệu học sinh, sinh viên phải tiếp tục nghỉ học, nhiều thầy cô giáo nhân viên các trường tư thục phải sống bấp bênh vì trường tiếp tục đóng cửa - mất thu nhập; nhiều doanh nghiệp tiếp tục đình đốn sản xuất, thêm nhiều người lao động phải lao đao vì mất hay giảm thu nhập; rồi hàng ngàn, hàng chục ngàn y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhiều lực lượng khác tiếp tục những đêm không ngủ vì lo chống dịch ở tuyến đầu v.v…
Nghĩa vụ công dân ở nước ta đã được quy định rõ trong Hiến pháp và nhiều văn bản luật khác. Nhận thức và thực thi đúng nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong khai báo y tế, thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh không chỉ thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà hơn thế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu hiện nay, là góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân loại. Nếu xem dịch COVID-19 là giặc và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc” thì những hành vi giấu bệnh, không khai báo trung thực, không tuân thủ quy định cách ly,… xuất phát từ trách nhiệm công dân yếu kém như nêu trên đáng được xem là “nối giáo cho giặc”! Tất nhiên, không thể xem nhẹ, cho qua những hành vi đó khi mà những chế tài xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đã được luật pháp quy định rõ. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào để “giáo giặc” không tiếp tục dài ra. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn cả là mỗi công dân cần nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với đất nước, với Tổ quốc trong những ngày tháng khó khăn này, để không cố ý hay vô tình mà “nối giáo cho giặc”!
HUY HƯNG